Những Con Đường Trắng Và Dấu Hờn Chưa Nguôi Của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng
Cách đây gần 60 năm, Bắc Quân đã đồng loạt tấn công hơn 100 địa điểm trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, đúng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Hàng năm, mỗi độ Xuân về, không ai là không chạnh lòng nhớ tới mùa Xuân đầy máu và nước mắt, đầy khăn sô và xác người của Tết Mậu Thân. Ngày 29 tháng 1 năm 1968 là ngày tang thương phủ kín Huế. Để chia sẻ nỗi đau với người dân xứ Huế, một nơi rất gần với Quảng Nam, miền đất quê của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ông đã sáng tác ca khúc Những Con Đường Trắng (thơ Tô Kiều Ngân), đây cũng là một trong những ca khúc đánh dấu việc ông chính thức dùng âm nhạc để phản ảnh biến cố lịch sử.
Những Con Đường Trắng (Tô Kiều Ngân, Trầm Tử Thiêng) do danh ca Hương Lan trình bày
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để lại cho đời khoảng 200 ca khúc về tình yêu, thân phận, quê hương và chiến tranh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của ông gắn liền với thời cuộc của đất nước và của chính cuộc đời mình. Bao nhiêu năm đã qua, nhưng người Việt Nam không thể quên được những gì đã xảy ra cho dân tộc, cho người dân xứ Huế và bao nhiêu tỉnh thành miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Những Con Đường Trắng của Huế ngày ấy từ áo trắng mộng mơ đến kết thúc chơi vơi trong áo trắng tang thương.
Ngày xưa Huế có con đường trắng
Ơi con đường trắng
Áo trắng đơn sơ,
Áo trắng ngây thơ,
Áo trắng như mơ,
Áo trắng học trò
Kỷ niệm là những gì đã trôi qua trong quá khứ. Mỗi một ngày quá khứ sẽ lùi lại xa hơn so với tương lai phía trước. Thế nhưng, định luật không thành văn, có lẽ dù quá khứ đã đi qua bao nhiêu năm, nhưng mỗi khi nghe lại Những Con Đường Trắng thì quá khứ bình yên và tươi đẹp của Huế ngày xưa với con đường đầy áo trắng đơn sơ, ngây thơ như mơ. Nàng Tôn Nữ xưa, tóc nghiêng nghiêng vành nón, tiếng guốc nàng khua vang trên đường trắng. Ôi ánh mắt mênh mang như biết nói ngày ấy mới đẹp khắn khít làm sao.
Hình ảnh đẹp về nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) thời trước năm 1945
Nàng Tôn Nữ tóc nghiêng vành nón,
Ơi nghiêng vành nón,
Tiếng guốc khua vang,
Ánh mắt mênh mang,
Ríu rít như chim,
Khắng khít tìm đàn
Các em đi vàng thu, lá thu bay
Đường lên trường Đồng Khánh gió heo may
Tôi đứng chờ bên dòng Hương xanh ngát,
Nghe lòng mình xao xuyến, ngất ngây say …
Nữ sinh trường Đồng Khánh của Huế xưa là những thiếu nữ con nhà quyền quý nổi tiếng là đài các trâm anh. Ở đất kinh kỳ thuở xưa bị ảnh hưởng nặng bởi Nho giáo, nhưng ngôi trường này là một đặc cách và tinh hoa của đất cố đô. Các cô gái Huế đã bước ra khỏi màn the, phướng rũ của truyền thống để tiếp xúc với văn minh phương Tây. Cùng với việc học văn hóa, các nữ sinh Đồng Khánh còn được học cả cách nuôi dạy con, quản lý gia đình, phép tắc ứng xử và học cả cách cứu thương… Nữ sinh Đồng Khánh một thời nổi tiếng với vẻ đẹp công dung ngôn hạnh, cũng vì thế hình ảnh các em đi đến trường bên dòng sông Hương xanh ngát, trong gió heo may của mùa thu, làm cho ngay cả nhà thơ Tô Kiều Ngân và nhạc sĩ Trần Tử Thiêng đều xao xuyến và bao người ngất ngây say…
Hình ảnh đẹp về nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) thời trước năm 1945
Hò … ơ … ờ … ơ … ơ … í … í … i … à … ơi
Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
Áo qua Đông Ba,
Áo về Thượng Tứ,
Áo lên Bến Ngự,
Áo ngược Phú Cam …
Hò ơi, ơi
Đầu xanh mà ai quấn khăn tang
Mùa xuân chừ héo hắt
Hò ơi Mùa xuân mà héo hắt,
dấu hờn chưa nguôi …Hò ơi ơi …
Nhã nhạc đang du dương bỗng dừng lại, đúng ngay đoạn tươi đẹp nhất để nhầm nhấn mạnh biến cố đau thương sắp tới. Tiếng hò của một O Huế với giọng rất Huế bất chợt vang lên day dứt làm người đang mơ màng trong quá khứ tươi đẹp bỗng bừng tỉnh chơi vơi. Những con đường trắng nên thơ được thay bằng những con đường trắng tang thương. Ôi áo dài nữ sinh trong veo ngày nào chỉ còn những mảnh áo tang, cùng các con đường trải dài những mảnh khăn sô. Áo qua Đông Ba, áo về Thượng Tứ, áo lên Bến Ngự rồi áo ngược Phú Cam… đầu xanh nay lại quấn khăn tang. Mùa xuân bây chừ héo hắt… dấu hờn chưa nguôi.
Ca sĩ Hoàng Oanh hát con đường trắng trong Asia 23
Ngày nay Huế có nhiều con đường trắng
Ơi con đường trắng,
Áo chế thương đau,
nước mắt tuôn mau,
Áo trắng ngây ngây,
Áo trắng lạnh người
Còn đâu nữa những con đường trắng,
Những con đường trắng
Cuối phố Đông Ba,
Áo trắng đi qua,
Áo trắng ngây thơ,
Bóng dáng ngọc ngà
Nếu yêu quê hương và Huế bao nhiêu thì sau mùa Xuân năm ấy, để lại trong tim con dân miền Trung và miền Nam sự đau thương bấy nhiêu. Áo trắng không những phủ đầy trên các con đường Huế mà còn phủ thương đau lên các tỉnh thành miền Nam. Nước mắt tuôn trào áo trắng tang tốc nhớ áo trắng học trò, còn đâu nữa những con đường trắng với áo trắng ngây thơ của bóng dáng ngọc ngà.
Có ai đã từng một lần nhìn vào tấm ảnh úa màu thời gian, khói hương bay bay, in dấu những ngày cũ, rồi thẫn thờ nhớ về tháng ngày đã qua, thấy mình như đứa trẻ mồ côi lạc loài? Trầm Tử Thiêng đã từng như thế… và có những dấu hờn chưa nguôi…
Biên soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com
Những Con Đường Trắng ca sĩ Hương Lan trình bày trong Đĩa Hát Việt Nam 1990