Về Ca Khúc : “Gặp Nhau Đây, Rồi Chia Tay. Ngày Vàng Như Đã Vụt Qua Trong Phút Giây”

0 22.456

“Gặp nhau đây, rồi chia tay.
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây.
Niềm hăng say còn chưa phai.
Đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy.”

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều đã từng nghe qua và thuộc lòng câu hát trên, nhưng đây là bài hát nào và do ai sáng tác !? Tôi chắc rằng hầu hết chẳng ai biết tên thật của bài hát là gì và tác giả là ai, bài viết này sẽ giải đáp hai thắc mắc trên cho quý vị. Ca khúc trên có tên Bài ca tạm biệt là một bài hát sinh hoạt tập thể, phong trào khá nổi tiếng ở Việt Nam thường hát khi chia tay, do nhạc sĩ Công giáo Viết Chung sáng tác.

Nhạc sĩ Viết Chung tên thật là Giuse Đỗ Quang Trung, ông sáng tác Bài ca tạm biệt khi đang công tác tại Trung tâm huấn luyện Cán bộ Quốc gia của Chương trình Xây dựng nông thôn của Miền Nam Việt Nam trước 1975, tọa lạc tại rừng Chí Linh Vũng Tàu nên còn gọi là Đoàn Văn Công Chí Linh. Ban đầu, bài hát này chỉ dùng trong các sinh hoạt của trung tâm, nhưng về sau, nó đã được phổ biến ra cộng đồng cho đến ngày nay. Toàn bài hát có ba lời, nhưng thường thì người ta chỉ biết đến lời thứ nhất.

 

Gặp nhau đây, rồi chia tay.
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây.
Niềm hăng say còn chưa phai.
Đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy.

Rừng linh thiêng, rừng Lam Sơn
Rừng trầm lên tiếng ngàn cây xanh Chí Linh.
Về quê hương, về Chi Lăng
Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng.

Còn trong ta, tình bao la
Cuộc tình chinh chiến bừng lên muôn ước mơ
Lòi suy tư, lời đêm qua,
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về

 

Chương trình Xây dựng nông thôn là một nỗ lực của Miền Nam Việt Nam trước 1975 hầu củng cố miền quê và tranh thủ niềm tin của dân chúng trong cuộc tranh chấp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Sau 1963 thì chính sách Ấp chiến lược cũng phải thay đổi. Chính quyền Đệ nhị Cộng hòa đề ra Chương trình Xây dựng nông thôn để thay thế. Hai mục đích chính là đem lại an ninh ở miền quê và phát triển tiện nghi cho đời sống người dân nông thôn.

Chương trình này chính thức ra đời vào Tháng Hai năm 1966 thuộc Bộ Xây dựng Nông thôn. Chính phủ đã đào tạo 23.000 cán bộ tuyển từ dân quê để theo học khóa huấn luyện 13 tuần. Cơ sở huấn luyện đặt ở Vũng Tàu – (Theo wikipedia)

Trung tâm huấn luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn này đặt tại rừng Chí Linh – Vũng Tàu, đó là lý do tại sao lời 2 của bài hát có đoạn: Rừng trầm lên tiếng ngàn cây xanh Chí Linh.

Cán Bộ Xây Dưng Nông Thôn Làm Việc
Trường Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn ngày xưa

Phúc Ben

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.