Về Ca Khúc “Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em” Của Nhạc Sĩ Song Ngọc Và Hoài Linh

0 10.223

Hôm ấy anh đi mình với mình vừa quen
Tình nhúm chửa thành tên
Đôi ta đều biết rằng tình yêu như hình với bóng
Tình yêu như tờ giấy trắng, như nước êm xuôi giữa dòng

Thì hôm nay người đi, nụ hoa yêu vừa hé
Chỉ xin giữ ân tình mình em nhé
Sống cho kỷ niệm
Quá khứ tuy úa mầu
Tương lai mình cùng nhau

Biên cương không mây, xanh màu lá rừng
Nơi đây đơn sơ như lòng đường phố vắng
Ngày mới đến bâng khuâng
Giờ vui nếp chinh nhân
Đôi lúc tuy buồn nhưng rồi quen

Em từ lúc chia ly …bạn bè vắng tin về
Hôm nay mùa đông, mai kia là thu đến
Dù ngày đêm chinh chiến, vẫn hoài nhớ em

Anh biết khi đi là cách biệt người quen
Mà nhớ nhiều là em
Đêm nay trời núi rừng, nhịp canh thay bằng tiếng sung
Nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng
Như xé hoang vu núi rừng

Đời chinh nhân mộng mơ
Bài thơ chưa đoạn cuối
Ngày mai chép thêm vần vào, em ơi
Viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng
Tên em vào được không.

Thiệp hồng anh viết tên em là một ca khúc nổi tiếng được hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh vào năm 1966, nhắc đến hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc chúng ta không ai mà không biết đến những tình khúc thời chinh chiến cùng hợp soạn sáng tác của hai ông như : một chuyến bay đêm, chiều thương đô thị, chúng mình ba đứa, … Và Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em cũng là một trong những tác phẩm rất nổi tiếng của hai ông.

Bài hát nói về một mối tình thời chinh chiến khi cả hai phải xa nhau khi chỉ vừa mới quen, người đi thì nhớ người ở lại, người ở lại thì mong chờ người đi về. Ước mong của họ cũng chỉ là được cùng nhau viết tên lên thiệp hồng mà thôi. Bài hát có nội dung đơn giản, không quá sầu ủy mị thê lương, lời ca đẹp và được trau chuốt nên chạm tới cảm xúc người nghe nhạc.

Với bài hát này người nghe cảm nhận được một cuộc tình phải tạm thời chia ly trắc trở, nhưng không quá sầu bi. Hai người nhạc sĩ dùng lời nhạc vẽ nên một bức tranh đẹp về tình yêu thời loạn với kết thúc là niềm mong ước tình yêu nên đôi, đó cũng là mong ước ngày người trai chiến thắng trở về để được hạnh phúc bên người yêu mong chờ.

Hình ảnh một anh lính nơi biên cương với một người em nhỏ nơi hậu phương. Tác giả xây dựng tình yêu của họ khi chỉ vừa mới bắt đầu thì người lính lên đường : “Hôm ấy anh đi mình với mình vừa quen”. Cả hai người chỉ vừa mới quen nhau, tình yêu ấy chỉ vừa được nhen nhóm mà thôi “Thì hôm nao người đi, nụ hoa yêu vừa hé”. Dẫu tình yêu vừa chớm nở nhưng tình yêu ấy lại vô cùng sâu nặng khi hai người “như hình với bóng”, lại rất đẹp “Tình yêu như tờ giấy trắng, như nước êm xuôi giữa dòng”. Dù họ có bị chia cắt mỗi người một nơi nhưng cũng không thể nào chia cắt được tình yêu của họ, dù người lính ấy có ngày đêm phải chinh chiến nhưng vẫn luôn luôn mong nhớ về người con gái nơi hậu phương. Để rồi tình yêu của hai người ngày càng lớn dần, lớn dần để cùng nhau vững tin và trao cho nhau những lời hẹn ước ngày sau.

“Anh biết khi đi là cách biệt người quen, mà nhớ nhiều là em
…..
Như xé hoang vu núi rừng”.

Ở đây ta thấy được cái tài năng của những người nhạc sĩ trước 1975 đó là đặc tả cảnh thông qua lời nhạc. Cảnh đêm nơi núi rừng vùng chiến địa không chút tịch mịch nào mà lại vang dội, vì tiếng súng đã xé toang đi vẻ hoang vu vốn có của núi rừng. Những hận thù, súng đạn, khói lửa đã làm xáo động nơi rừng khuya ấy. Hình ảnh đối lặp giữa “Biên cương không mây xanh màu lá rừng” với “Nửa trăng nghiêng đồi chếch bóng”, giữa sự khốc liệt nơi biên cương vốn ngày đêm người lính phải hăng say chiến đấu, thì đâu đó là hình ảnh người lính ngắm nhìn ánh trăng tà đang chếch bóng ở bên đồi mang lại vẻ thanh bình cho vùng đất “biên cương không mây” này.  Và đó cũng là lúc những lý tưởng, những mong ước thậm chí là thù hận cũng tạm quên đi để cho thời gian và không gian trôi trong giây phút mộng mơ của người lính, mơ về người con gái mình yêu, mơ về bình yên của dân tộc.

Tranh vẽ tay : Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em của họa sĩ Hà Anh.

“Đời chinh nhân mộng mơ
…..
Viết trên thiếp hồng nét chữ hoa cuối dòng tên em vào được không”.

Với đoạn cuối bài hát, người nghe có thể cảm nhận được đây như là một lý tưởng, ta có thể hiểu tác giả muốn thể hiện về lý tưởng của tình yêu, mặc khác còn có cả một lý tưởng của dân tộc đó là niềm tin về sự thắng lợi của cuộc chinh chiến. Đời chinh nhân vốn nhuốm nhiều gian lao với khổ cực, nhưng họ luôn mộng mơ cũng như bài thơ chưa đoạn cuối. Dù không ai biết ngày mai ra sao, còn bao lâu hay như thế nào vì phía trước là những bước đường còn rất dài, gian khó và hiểm nguy. Nhưng hai người tỏ lời nguyện ước với nhau ngày trở về sẽ viết tên hai đứa lên chung tấm thiệp hồng, vì chắc chắc rằng ngày tên hai người được viết trên tấm thiệp cũng là ngày chiến thắng trở về. Đó là một mơ ước đẹp, một lý tưởng đẹp thời ly loạn. Cho nên khi nghe bài hát này người nghe có thể cảm nhận được dù tình yêu hai người bị chia cắt, có đau buồn nhưng không quá sầu lụy vì nhạc sĩ đã gửi gắm những thông đẹp tươi đẹp vào đằng sau câu chuyện tình yêu của họ.

Mỹ Hương. (dongnhacvang.com)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.