24 Giờ Phép Của Thiếu Úy Thụy

0 19.877

– …Dô dô bà con ơi ! Xe dô bến nhe !

Tiếng đập tay vào thùng xe cùng tiếng gào lớn của anh lơ đã lôi Thụy ra khỏi dòng hồi tưởng miên man về trận chiến vừa qua. Bước nhanh ra khỏi cái bến xe ồn ào, Thụy chọn một người khá đứng tuổi trong số những tài xế xe ôm đang nhao nhao mời khách. Thót lên yên sau, anh thúc giục :

– Đưa giùm tôi về Khu Lăng Cha Cả. Mau mau lên bác tài, gấp lắm.

– Yên tâm đi Thiếu úy. Tôi chạy hết xảy mà. Bộ ít phép lắm hả.

– Có hai mươi bốn tiếng, mà đi đường mất mẹ nó mấy tiếng rồi.

– Bởi vậy ông Nhạc Sĩ Trúc Phương mới viết 24 Giờ Phép :

…Bốn giờ đi dài, thêm bốn giờ về,
Thời gian còn lại, anh cho em tất cả em ơi !

– Anh hát hay lắm, nhưng mà chiều nay nếu chậm trễ, thì đến gặp mặt cũng không được nữa chứ đừng nói là cho em tất cả…

– Sao lạ vậy… À ! Tui biết rồi, chắc cô nàng còn đi học, bây giờ sắp đến giờ vô lớp rồi. Chiều cổ về nhà là lúa…

– Làm gì mà rành dữ vậy cha nội !

– Tui cũng từng là lính, cũng đã hẹn hò như vậy nhiều rồi.

– Sao giờ chạy xe ôm ?

– Bị thương, mới giải ngũ hơn một năm thôi. Nhớ đơn vị, nhớ bạn bè quá…

– Tới rồi bác tài ! Ghé vô đầu hẻm giùm tôi, căn nhà màu xanh đó ! Có dịp nào anh em mình lai rai chơi… Khỏi thối…

Dúi vào tay người lính cũ số tiền nhiều hơn cuốc xe ấn định, Thụy nhảy chân sáo lên thềm. Trong nhà vắng tanh.

– Cả nhà đi đâu rồi ?

Cô em gái từ nhà sau chạy ra mừng tíu tít :

– Anh hai về phép hả ?

Vừa đẩy chiếc Honda 67 ra ngõ, Thụy vừa nói vói lại :

– Anh đi công chuyện, nói cậu mợ đừng chờ cơm, tối anh mới về.

– Lại đi tìm chị Thư Cúc chứ có công chuyện gì !

Phớt lờ lời càm ràm của cô em gái, Thụy rồ máy, chiếc xe hòa vào dòng xe cộ đang ngược xuôi tấp nập. Dù đã qua tết hơn một tuần lễ, nhưng hương vị mùa Xuân vẫn còn phảng phất trong lối sống của người dân Sàigòn. Những tấm liễn đủ màu sặc sỡ vẫn còn lủng lẳng trước cửa nhà, phố xá vẫn vất vưởng đầy xác pháo và người ta ra đường vẫn ăn mặc rất “kẻng”. Đã mấy năm rồi, anh luôn đón Xuân ở những nơi khỉ ho cò gáy. Tuy thế, Thụy cũng thấy an ủi là mình đã góp chút sức mọn để Sàigòn có những giây phút trọn vẹn của mùa Xuân…

Dù đã cố gắng tăng hết ga, luồn lách như người ta làm xiếc, thì khi Thụy đến được trước cửa trường Thomas tiếng chuông vào học cũng vừa chấm dứt. Dựng vội chiếc xe dưới thềm, anh phóng đến cánh cửa sắt đang được từ từ kéo lại bởi vị Giám Thị già nổi tiếng là nghiêm khắc.

– Thưa thầy ! Từ từ cho em nhờ tý đã !

– Chuyện gì đấy Thiếu úy ?

– Em mới về phép, cần gặp người em có chút chuyện, xin thầy giúp cho.

– Xin lỗi Thiếu úy ! Bây giờ các em đã vào lớp cả rồi ! Tôi không giúp gì được đâu !

Thụy khẩn khoản :

– Em biết ! Nhưng chuyện cần lắm, thưa thày ! Hơn nữa, sáng mai em phải lên hành quân rồi…

Vị Giám Thị đã đóng xong cánh cửa lớn, bóp khóa cái cửa nhỏ bên hông, rồi nói như để chấm dứt câu chuyện :

– Thiếu úy chịu khó chờ khi các em tan học nhé ! Chào Thiếu úy !

Nữ sinh Thomas ngày xưa.

Thụy đứng thẫn thờ nhìn ông giáo già lạnh lùng quay lưng chậm bước theo hành lang vắng vẻ dài hun hút, anh cảm thấy đuờng lên đơn vị của mình vào ngày mai chắc cũng sẽ dài và trống vắng như vậy. Nặng nề quay xe trở ra đường Trương Minh Ký, và cứ thế Thụy để chiếc Honda 67 lượn lờ trên đường phố như con thuyền không bến. Hơn hai tuần trước Thư Cúc đã bỏ buổi tiệc Tất niên của trường, lặn lội lên hành quân thăm anh. Chẳng may, lúc ấy đơn vị còn đang trong vùng, nên không được gặp nhau. Thế là cô gởi lại một số quà Tết, rồi lủi thủi ra về. Hình ảnh cô bé bỏng giản dị trong chiếc áo dài trắng, thất tha thất thểu đón xe Lam, chờ xe đò giữa trưa nắng cháy trên những đoạn đường vắng vẻ, mịt mờ bụi đỏ làm Thụy như thắt cả ruột gan. Tình yêu của cô dành cho anh thật vô cùng nồng nàn và cao quý.

– Bao giờ em cũng là người lặn lội đi tìm anh…

Phải ! Lúc nào cô cũng là người chấp nhận sự thua thiệt. Những ngày mới yêu nhau, biết gia cảnh anh khó khăn, vì đang lúc tản cư, cô luôn luôn tế nhị gói ghém trong các cuộc đi chơi của hai đứa.

– Để em trả tiền cho, như thế người ta sẽ nghĩ hai đứa mình là vợ chồng.

Cúc ơi ! Nét mặt ngây thơ trong sáng của em, cùng chiếc áo dài trắng có đính miếng vải Hiệu đoàn của trường sờ sờ ra đó, ai mà tin em là người đã có gia đình Ôi ! Những cử chỉ đó của em, tuy nhỏ nhặt, nhưng đã là dấu ấn, khắc sâu trong trái tim anh. Bà cụ bán bún ốc trong hẻm Đa-kao có lần nói đùa với hai người khách quen thuộc :

– Bao giờ cô cậu dắt thêm vị khách tí hon đến giới thiệu với lão đây ?

Làm đôi má em ửng hồng, và liếc nhìn anh như trao gởi cả trách nhiệm ấy.

…Tin…tin… Tiếng còi xe của ai đó vang lên từ phía sau, có lẽ vì thấy anh chạy lạng quạng, làm Thụy chợt bừng tỉnh. Quay đầu nhìn lại, tỏ dấu xin lỗi, Thụy chợt nhận ra mình đang đi ngang trường Lê Bảo Tịnh. Vài tà áo dài trắng thướt tha trên hè phố khiến anh nhớ Thư Cúc quay quắt. Gần đến chợ Trương Minh Giảng, nhìn thấy ở một sạp báo có tấm bảng “ Điện Thoại Công Cộng” Thụy chợt nảy ra ý tưởng nghịch ngợm. “…Mình phải liều thôi, nếu không thật phí một chiều Xuân đẹp đẽ thế này”. Anh quay xe trở lại trước cửa trường Thomas, ghi nhanh số điện thoại Văn phòng vào mảnh giấy nhỏ, rồi tất tả rồ ga quành lại sạp báo.

…Reng…reng…reng…

– A lô ! Văn phòng trường Thomas chúng tôi nghe đây. Xin lỗi ai đầu dây ?

– Thưa bà chúng tôi gọi đến từ Phòng cấp cứu của Bệnh Viện Chợ Rẫy.

– Chúng tôi có thể giúp gì cho ông ạ ?

– Có một nạn nhân vừa bị tai nạn giao thông khá trầm trọng, có thể không qua khỏi. Nên gia đình nhờ chúng tôi gọi đến quý trường để cho cô con gái của nạn nhân đến gặp ông trước khi quá muộn.

– Được, chúng tôi sẽ cho về ngay. Em tên gì và học lớp nào vậy ?

– Dạ tên Ngô Thư Cúc lớp đệ nhị A2.

– Tôi sẽ thông báo ngay với ngài Giám Thị và vị Giáo Sư đang có giờ ở lớp em. Cầu nguyện Thượng Đế ban phước lành cho ông ấy.

– Cám ơn bà rất nhiều ! Chào bà.

Gác máy điện thoại xong, Thụy thẫn thờ suy nghĩ : “…Mình đã làm một việc quá táo bạo…” Nhưng biết làm sao được, mọi chuyện đã rồi, nếu không tới đón, cô càng hoảng loạn hơn nữa. Thụy quay xe đi ngược về hướng đường Trương Minh Ký, trong lòng buồn lo lẫn lộn. Chẳng hiểu Thư Cúc sẽ phản ứng ra sao khi biết anh dùng cái kế hạ sách này để được gặp cô. Và lại dám lôi ông “via” ra làm nạn nhân. Từ ngoài đường cái, muốn vào đến cổng trường phải đi qua một khoảng sân rộng làm chỗ đậu xe của nhà thờ Ba Chuông. Anh không dám chạy thẳng vào, vì sợ ông giáo già lúc nãy ra mở cổng thì mọi chuyện sẽ bại lộ. Thụy đậu xe phía ngoài, nhưng từ đó vẫn nhìn suốt dãy hành lang dài hun hút phía sau cánh cửa sắt có ô mắt cáo.

Trường Thomas ngày xưa.

Giây phút chờ đợi thật lê thê. Thời gian mình từ chợ Trương Minh Giảng về đến đây đủ để cô ấy ra rồi, sao vẫn chưa thấy ? Hay là có gì trục trặc ? Không đâu ! Trường hợp khẩn cấp thế này, nhất định phải cho về. Tim anh chợt rung lên những thanh âm hạnh phúc, khi thấy bóng dáng nhỏ bé, giản dị của Thư Cúc từ văn phòng bước ra.

“…Chết cha rồi ! Cũng là vị Giám thị ấy… Biết làm sao đây ?

Mà sao cô ấy thản nhiên thế nhỉ ? Chắc nhà trường không thông báo chi tiết, vì có thể gây “sốc” cho cô. Đã thế, mình cũng chẳng nhắc đến lý do ấy làm gì”. Anh đạp máy cho xe nổ sẵn, đợi ông Giám Thị già mở cửa xong, và Thư Cúc đã bước hẳn ra ngoài, Thụy vặn tay ga, chiếc Honda 67 như một mũi tên lìa cung, vọt thẳng đến trước cái cổng sắt nhỏ đang được từ từ kéo lại. Tiếng nổ inh ỏi của chiếc xe xoáy nòng, giữa không gian yên tịnh trong khuôn viên nhà thờ, khiến vị giáo già giật nẩy mình. Qua làn mục kỉnh, dưới ánh nắng chập choạng, ông chợt nhận ra viên Sĩ Quan trẻ tuổi trong bộ đồ trận màu hoa rừng, với cái Mũ Nâu nghênh ngang trên đầu. Ông biết là mình đã mắc hợm, nên la to :

– Ơ… Thiếu úy, Thiếu úy…

Thư Cúc cũng ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện bất ngờ của Thụy :

– Anh về bao giờ ? Sao lại biết mà đến đón em ?

– Em lên xe mau đi, kẻo lỡ hết mọi chuyện. Anh sẽ giải thích sau. Nhớ ngồi cho vững.

Thư Cúc ngoan ngoãn leo lên yên xe sau lưng Thụy, vòng tay ôm chặt lấy anh. Khi cô đã an vị, anh nhìn vị Giám thị già, cười cầu tài :

– Em xin lỗi thầy….Trường hợp bất khả kháng, mong thầy thông cảm…

Thụy rồ ga, chiếc xe đảo một vòng ra hướng cổng chính nhà thờ, tiếng bánh xe nghiến trên nền xi măng ken két, thế mà anh vẫn còn nghe văng vẳng những lời càu nhàu, nhưng không có vẻ gì là giận dữ, của vị Giám thị già :

– …Đúng là… Nhất quỷ nhì ma… thứ ba… là Lính…!

Dương Thượng Trúc (Trích trong “Nhất Quỷ Nhì Ma, Thứ Ba Là Lính”)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.