Về Ca Khúc “Hai Đứa Giận Nhau” Của Nhạc Sĩ Hoài Linh

0 2.281

Trả lại cho em mảnh khăn hồng đó
Có tên hai đứa màu chưa mờ
Giận hờn chi nhau để rồi luyến nhớ
Lối về lỡ gặp hững hờ
Ngoảnh mặt che nón làm ngơ.

Trả lại cho anh tình thư ngõ ý
Với em, anh hứa hẹn duyên thề
Một ngày xa nhau nụ cười héo hắt
Có lần bước vội qua cầu
Nhìn sang thấy anh đi gục đầu.

Tình nhớ nếu mình thôi giận làm quen
Anh xin làm gió quạt mềm
Mua lụa Tây Thi biếu em

Tại anh hôm ấy nào phải vì em
Anh hứa đợi rồi anh quên
Để mưa hôn lên tóc mềm.

Giận hờn hai hôm dài như một tháng
Ghét anh đôi ba bữa bằng năm tròn
Một người quay đi một người ghé nón
Nắm tay hết tay hết giận hết hờn
Để trong giấc mơ thôi chập chờn.

Trong văn học thơ ca Việt Nam chúng ta sẽ không khó bắt gặp muôn vàn những nhà văn, nhà thơ sáng tác lấy cảm hứng khơi nguồn từ những mối quan hệ tình cảm con người như: gia đình, anh em, bạn bè hay chuyện lứa đôi. Trong thi ca cũng vậy, tình yêu đôi lứa với muôn màu muôn vẻ, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau làm phong phú thêm tình cảm của những người đang yêu. Khi yêu bạn sẽ cảm thấy háo hức mỗi khi gặp nhau, hạnh phúc khi nghĩ về nhau và hay cùng mơ mộng về một tương lai tươi đẹp nhưng điều đó chưa phải là tất cả có trong tình yêu mà nó còn phải có giận, có hờn, có trách móc… như một thứ gia vị không thể thiếu để tạo nên một món ăn ngon vậy. Với ca khúc “Hai đứa giận nhau” của nhạc sĩ Hoài Linh sẽ cho người nghe cảm nhận được hết những cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Ca khúc này được ông sáng tác trong một lần hai vợ chồng giận nhau, và khi sáng tác xong, ông lại gọi bà tới nghe hát – một cách làm lành vô cùng hiệu quả.

“Trả lại cho em mảnh khăn hồng đó
Có tên hai đứa màu chưa mờ

Trả lại cho anh tình thư ngõ ý
Với em, anh hứa hẹn duyên thề”.

Mở đầu bài hát là sự hờn giận qua lại giữ hai người khi hiểu sai về nhau. Minh chứng cho một tình yêu đẹp các cặp đôi thường trao tặng cho nhau những món quà xem như là kỷ vật tình yêu của họ. Anh viết thư tình bài tỏ tình cảm, hứa hẹn bao điều còn em trao tặng khăn thêu có tên hai đứa như một lời hẹn ước cho mối quan hệ của họ. Vì yêu mà họ trao tặng kỷ vật và xem nó như báo vật, còn mỗi khi giận hờn nhau họ cũng sẽ đem nó trả lại. Nhưng trả lại rồi thì lại thấy: “Giận hờn chi nhau để rồi luyến nhớ…Một ngày xa nhau nụ cười héo hắt”. Tâm trạng vừa yêu vừa giận, khi yêu gặp nhau thì háo hức, hạnh phúc nhưng lúc giận xa nhau thì lại luyến nhớ, cười héo hắt chứng tỏ buồn trong lòng nhưng vẫn phải gượng cười.
“Lối về lỡ gặp hững hờ
Ngoảnh mặt che nón làm ngơ
…..
Có lần bước vội qua cầu
Nhìn sang thấy anh đi gục đầu”

Giận nhau nhưng hai người vẫn luôn hướng về nhau. Anh nhìn thấy em nhưng sao em lại tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, không để ý tới anh. Khi em trộm nhìn thì thấy anh vừa đi vừa buồn. Dù là giận nhau nhưng họ luôn quan sát đối phương nhưng lại cố tỏ ra là không quan tâm nhau đó là tâm trạng vừa giận vừa yêu.

Điệp khúc miêu tả tâm trạng lúc xin làm huề của người con trai và lời oán trách tội của người con gái:

“Tình nhớ nếu mình thôi giận làm quen
Anh xin làm gió quạt mềm
Mua lụa Tây Thi biếu em”

Là lời xin tội của người con trai nếu em thôi giận anh nguyện sẽ làm gió quạt mát và mua lụa Tây Thi tặng em. Vì sao người con trai lựa chọn lụa Tây Thi chứ không phải là thứ khác để làm quà xin lỗi. Chúng ta liên tưởng ngay đến nhân vật đi vào lịch sử đó là Tây Thi, nàng đẹp tới mức sen phải thẹn, vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn và nàng vốn làm nghề giặt lụa nên lụa nàng giặt nó cũng đẹp như nàng. Nên chàng muốn nịnh nàng với ngụ ý lụa đẹp tặng cho người đẹp. Người con gái đáp lại là một lời buộc tội oán trách nhưng đó cũng là lời tha tội:

“Tại anh hôm ấy nào phải vì em
Anh hứa đợi rồi anh quên/ Để mưa hôn lên tóc mềm”.

Đoạn cuối thể hiện tâm trạng sau khi hai người làm lành, họ nói lên cảm xúc của họ trong lúc giận nhau: “Giận hờn hai hôm dài như một tháng …. Ghét anh đôi ba bữa bằng năm tròn”. Nhạc sĩ Hoài Linh đã sử dụng biện pháp so sánh để đặc tả sắc nét hơn về diễn biến tâm trạng của hai người trong lúc còn giận nhau. Người nữ giận hai hôm nhưng người nam lại cảm giác thời gian ấy trôi qua như một tháng, bản thân người nữ cũng cảm nhận được lúc giận nhau khó khăn như thế nào vì trải qua vài ngày lại thấy bằng cả năm. Cả hai người đều có khoản thời gian đấu tranh tâm lý giống nhau để đi đến quyết định tha lỗi cho đối phương:

“Một người quay đi một người ghé nón
Nắm tay hết tay hết giận hết hờn
Để trong giấc mơ thôi chập chờn”.

Có thể thấy trong lúc giận nhau đến ngủ cả hai người cũng không yên giấc và giấc mơ cũng không được trọn vẹn. Qua “Hai đứa giận nhau” chúng ta nhận thấy trong tình yêu có rất nhiều cung bậc, tâm trạng khi yêu cũng thay đổi rất nhiều: vui rồi lại buồn, khóc rồi lại cười. Khi yêu, người vui vẻ hạnh phúc, người buồn bã thất tình. Vì giận hờn, vì chia tay hay vì yêu đơn phương dù vậy người ta vẫn yêu, vẫn muốn một lần được sống trong tình yêu. Cay, đắng, ngọt, bùi tất cả tạo nên một mùi vị cho tình yêu thêm nhiều màu sắc. Màu hồng tuy đẹp nhưng nếu chỉ là đơn sắc thì nó vô cùng nhàm chán và trong tình yêu cũng vậy, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của: hỷ, nộ, ái, ố khác nhau càng làm cho chúng ta trân trọng tình yêu, cũng như cuộc sống thêm phong phú hơn.

Lưu Hương.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.