Về Ca Khúc “Biệt Kinh Kỳ” Của Nhạc Sĩ Hoài Linh Và Minh Kỳ

0 22.538

Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
Trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
Kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi

Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! Hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
Có về là khi nước non vui bình yên 

Nhớ lúc lên đường đưa tiễn chân tôi
Thương lên khóe mắt mẹ nhắn đôi lời
Diệt thù lập công cho xứng tài trai
Sắt son ghi lòng chớ phai

Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai
Con đi chinh chiến để nước yên vui
Lời mẹ hiền khuyên nguyền khắc trong tim
Bao giờ dám quên

Bạn ơi! Khi nào ai hỏi đến tên tôi
Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời
Ngày nao khi đất nước hết binh đao
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau.

 “Riêng tặng những chàng trai xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung” – là lời nhắn của nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh đã gửi tặng riêng cho những chàng trai trẻ, khi chứng kiến nhìn họ rời xa trốn thành đô từ bỏ con đường học vấn, để dấn thân theo con đường binh nghiệp bảo vệ tổ quốc thông qua ca khúc “Biệt Kinh Kỳ”. Ca khúc thể hiện lại tâm trạng của các chàng trai chuẩn bị chia tay những người ở hậu phương để lên đường ra tiền tuyến.

Với câu đầu bài hát: “Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi” chỉ với một câu mở, chúng ta sẽ thấy được cái tài hoa của người nhạc sĩ trong cách dùng ca từ vô cùng trao chuốt và mang đậm chất thơ. “Bạn ơi!” một tiếng kêu ngắn gọn nhưng đầy thân thương, ở đây tác giả dùng cách gọi cụ thể để hướng đến cái bao quát, bạn không phải là một riêng ai, hay bạn rộng lớn hơn có thể là cảnh, là vật, là con người… chỉ những điều gắn bó, quen thuộc của tác giả. “Quan hà” là một từ trong tiếng Hán với ngụ ý nói đến những người đi qua sông ám chỉ hành động lúc chia tay, và thường từ này dùng để nói riêng cho người con trai đi lính ra chiến trường. “Chén ly bôi” là chén rượu tiễn lúc chia tay. Vậy “Bạn ơi! Quan hà xin cạn chén ly bôi” là hình ảnh chia tay, uống cạn chén rượu tiễn biệt nhau của chàng trai sắp lên đường đi tòng quân với người đưa tiễn.

“Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
Trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
Kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi”.

Nhấn mạnh tâm trạng đầy luyến lưu không nỡ rời đi của chàng trai thông qua cách sử dụng lặp từ:“đã đã” và tính từ : “bùi ngùi” để nói đến trạng thái buồn vì thương cảm xẽn lẫn luyến tiếc, bao chuyện buồn vui từ mảnh đất, gia đình và bạn bè tất cả xem là một kỷ niệm làm hành trang mang theo mãi được khắc ghi.

“Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! Hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
Có về là khi nước non vui bình yên”.

Nói đến trí lòng trai, khi quyết tâm ra đi từ bỏ trường lớp bạn bè, kết thúc sự nghiệp cầm bút để khoác lên người màu áo lính. “Bút nghiên” được ông cha ta ví chữ nghĩa là cái nghiệp bút nghiên, trước khi hạ bút viết một chữ, một câu đều phải suy nghĩ thận trọng vì nó được xem là cái trí, tài, đức cần có để người con trai làm việc lớn. “Xếp bút nghiên” là một hành động vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt của người con trai khi từ tầng lớp trí thức, học sinh yêu nước trở thành một người khoác chiến y. Hành động này là một quyết định không dễ dàng với nhiều người, bởi việc học của họ còn mang theo kỳ vọng của gia đình, nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh của đất nước họ đã buông bỏ và lao vào tham gia phong trào cứu nước và xem đó là lý tưởng của họ. Một khi quyết ra đi là không hẹn ngày về, bởi vì ra chiến trường mấy ai được trở về, nhưng có về là khi đất nước sống trong bình yên, thể hiện sự quyết tâm vô cùng dứt khoát và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của người chiến sĩ.

Ra đi mang theo hình ảnh, lời tiễn dặn không đành nỡ chia tay của người mẹ thân thương, cùng lời dặn dò phát huy tài năng và sức mạnh của tuổi trẻ, đấu tranh để tiêu diệt quân thù:

“Thương lên khóe mắt mẹ nhắn đôi lời
Diệt thù lập công cho xứng tài trai
Sắt son ghi lòng chớ phai”.

Lời nhắn cũng như lời cổ vũ tinh thần chiến đấu của sức trẻ, đánh là thắng để góp sức cống hiến cho đất nước.

“Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai
Con đi chinh chiến để nước yên vui

Lời mẹ hiền khuyên nguyền khắc trong tim
Bao giờ dám quên”

Nhạc sĩ vô cùng tinh tế khi nhìn thấy được lý tưởng ra đi vì đất nước của tầng lớp  trẻ này khi tham gia tòng quân. Họ là bộ phận người có một tương lai tươi sáng khi mang trong người là tầng lớp trẻ có tri thức, tài năng và người mẹ chỉ mong muốn con mình góp một phần công sức của mình vì đất nước, nhằm đem lại sự bình yên cho quê hương, làng quê, thôn xóm đừng màng đến công danh, cấp bậc hay địa vị …..

Cuối bài hát, là lời hứa hẹn ngày trở về, cũng là ngày toàn dân tộc cùng chung một niềm vui hân hoan, để tôi và bạn được nắm tay cùng nhau mừng vui:

“Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời
Ngày nao khi đất nước hết binh đao
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu
Trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau”.

Tác giả ví cuộc đời người lính như cánh chim tung trời. Ta chợt thấy quen lắm hình ảnh cánh chim sải cánh giữa khung trời rộng dài hun hút của không gian, cũng như cuộc đời người lính là chuỗi ngày dài phiêu bạc giữa núi rừng thỏa sức mình chung tay xây dựng ngày mai.

“Biệt kinh kỳ” được xem là lời ca ngợi tinh thần đấu tranh của tầng lớp trẻ, khi từ bỏ tương lai tốt đẹp của mình tham gia vào nhiệm vụ chung của cả nước để chống giặc. Đặc tả được tâm trạng vừa quyết tâm tham gia tòng quân, vừa lưu luyến không nở chia tay gia đình, bạn bè trước lúc lên đường. Người nhạc sĩ đã bài tỏ lòng ngưỡng mộ cũng như sự xúc động của mình khi chứng kiến hàng hàng lớp lớp thanh niên trí thức quyết khoác chiến y, xứng đáng là hế thệ trẻ thanh niên Việt Nam.

Lưu Hương.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.