Về Ca Khúc “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” Của Nhạc Sĩ Tú Nhi

1 11.201

Tú Nhi là bút danh của ca sĩ Chế Linh,ông tên thật là Jamlen, ngoài ra ông còn có tên Việt là Lưu Văn Liên.Ca nhạc sĩ Chế Linh sinh ngày 3 tháng 4 năm 1942, trong một gia đình người Chăm nghèo ở tỉnh Ninh Thuận. Cha mất sớm khi Chế Linh mới được 4 tuổi. Từ nhỏ, ông được các linh mục Pháp hướng dẫn học về nhạc lý.

Đến đầu những năm thập niên 1960, có một chàng trai mới 17 tuổi vào Sài Gòn lập nghiệp. Ở nơi đây, ông một thân một mình, không người quen biết, ông phải đi đánh giày và bán báo để làm kế mưu sinh. Và may mắn khi ông được làm việc cho một gia đình người Hoa tốt bụng, ông phụ giúp việc nhà, nấu cơm, trong coi con nhỏ, nhưng được gia đình này giúp đỡ trả lương cao và cho ông đi học.

Vào năm 1962, sau khi trải qua một thời gian dài kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau, Chế Linh tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính và giành được danh hiệu “Nam ca sĩ xuất sắc nhất”. Sau đó, ông đi theo đoàn hát Biệt Chính cùng với các nhạc sĩ: Trúc Phương, Châu Kỳ, Bằng Giang… biểu diễn trong các miệt làng xa tại Biên Hòa.

Nhưng hai năm sau đó, không may mắn là đoàn văn nghệ này tan rã, các nhạc sĩ trở lại Sài Gòn, riêng Chế Linh ở lại Biên Hòa. Ông làm tài xế chở đá tại núi Bửu Long. Tại đây, ông vừa làm việc, vừa luyện giọng và viết nhạc, tình yêu âm nhạc đã băt đầu nảy nở từ đó. Và cũng tại đây ông kết thân với nhạc sĩ Bằng Giang, một nhạc sĩ cũng từng làm việc cho đoàn Biệt Chính cũng có quyết định ở lại đây không về Sài Gòn.

Thời gian gặp gỡ, gắn bó này đã trở thành điểm mốc quan trọng khi hai người cùng nhau sáng tác những ca khúc rất hay, nổi tiếng với bút danh là Tú Nhi – Bằng Giang. Sau này danh ca Chế Linh có chia sẻ rằng những ca khúc viết chung với nhạc sĩ Bằng Giang là khoảng thời gian ông mới chập chững vào nghề sáng tác, Bằng Giang thì viết nhạc, còn ông thì viết lời.

Danh ca Chế Linh cũng tiết lộ thêm trong sự nghiệp sáng tác, ca khúc đầu tiên mà ông viết là Đêm Buồn Tỉnh Lẻ. Bài hát viết cho tâm sự của người lính, và người lính đó cũng là người bạn của ông.

Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi

Mấy năm qua rồi em anh không gặp nữa
Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ
vào những đêm buồn

Mưa mưa rơi từng đêm
Mưa triền miên trên đồn khuya
Lòng ai thương nhớ vô biên

Thương, anh thương ngày đó
Em nhìn anh mắt hoen sầu
Không nói nên câu giã từ

Mong anh mong làm sao
Cho tình duyên không nhạt phai
Theo năm tháng thoáng qua mau

Yêu, yêu em nhiều lắm
Nhưng tình ta vẫn chưa thành
Khi núi sông còn điêu linh

Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm màu
Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh

Nhớ thương vơi đầy, đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm, em ơi biết cho chăng …
Tỉnh lẻ đêm buồn

Nhạc sĩ Chế Linh bồi hồi nhớ và kể lại: “Bài hát đầu tay của tôi là Đêm Buồn Tỉnh Lẻ. Bài này tôi viết cùng với nhạc sĩ Bằng Giang, viết về cuộc đời lính. Lúc đó, tôi còn trẻ lắm, không biết lính là gì cả. Thời điểm đó, tôi đi thăm người bạn ở Long Khánh, là người lính, anh có người yêu, nhưng đời lính sao về phép hoài được. Anh nhắn tôi: Về mày đi tới thăm người yêu tao, nói tao gửi lời thăm. Lúc đó, trong quán khuya rồi, trời mưa lâm râm, tôi nảy ý viết ra bài này.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của bạn, Chế Linh đã viết nên những lời nhạc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình. Thời điểm ca khúc này ra đời vào khoảng năm 1961, dòng nhạc vàng với những giai điệu nhẹ nhàng, thổn thức như bolero, rhumba… chưa có nhiều tác phẩm. Nắm bắt được thị hiếu của đại đa phần công chúng mà Chế Linh đã sáng tác nên những ca khúc phù hợp với sự yêu thích của người nghe, phù hợp với giọng hát của mình. Và Đêm Buồn Tỉnh Lẻ là ca khúc đầu tiên, mang đặc trưng xu hướng âm nhạc dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Đây cũng là ca khúc đầu tiên đưa tên tuổi của Chế Linh đến với công chúng trong suốt 60 năm qua.

Trường Giang.

1 bình luận
  1. Khá nói

    những hình bìa của bài nhạc rất xưa,gợi lại những kỹ niệm đã đi vào lòng người,cảm ơn nhạc vàng,,,,,

Trả lời Để Khá
Hủy trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.