Về Ca Khúc “Câu Hát Tình Quê” Của Nhạc Sĩ Trần Quang Lộc

0 3.867

Tóc ngang lưng giữa chừng em bới
Để chi dài để chi dài bối rối lòng anh
Để cho anh thao thức ai hoài
Đêm mãi dật dờ gây hấn với chiêm bao.

Gió đưa hương đượm mùi bồ kết
Thoảng câu hò thoảng câu hò tha thiết tình quê
Thoảng nghe em câu hát bên vườn
Câu hát tình xưa tha thiết đợi chờ nhau.

Nhớ câu hát xưa rằng
Muối ba năm còn mặn, gừng chín tháng còn cay
Thương nhau chín đợi mười chờ
Cây đa bến cũ con đò năm xưa.

Đã thương nhau vẹn lời thề ước
Để đêm dài để đêm dài ru tiếng lòng nhau
Để hương xuân nuôi tóc em dài
Câu hát tình quê vương vấn một đời nhau.

Trần Quang Lộc là một nhạc sĩ nổi tiếng khi tuổi còn rất trẻ, được biết đến là một tài năng của những giai điệu đồng quê, bên cạnh đó là khả năng chơi đàn guitar vô cùng xuất sắc. Âm nhạc của ông có thiên hướng rõ nét của sự hiện diện âm hưởng dân ca truyền thống, rất bình yên, êm ả, sâu lắng mà đi vào lòng người.

Như ca khúc “Câu Hát Tình Quê”, khi nghe qua bài hát ta sẽ cảm nhận được một câu chuyện tình yêu đôi lứa mang đậm chất quê, nhẹ nhàng mà tinh tế. Mà điển hình của sự tinh thế đó nhất là khi tác giả đã đưa những câu ca dao rất thân thuộc vào trong bài hát. Câu “muối ba năm còn mặn, gừng chín tháng còn cay”, đó là một hình tượng mang đầy chất thơ, không chút cầu kỳ hay bóng bẩy mà nó rất đơn sơ lại gần gũi. Muối và gừng những gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân dã mà không gì thay thế được. Muối để càng lâu, thậm chí là ba năm thì vị mặn vẫn không đổi, gừng dẫu chín tháng chất cay nồng vẫn giữ nguyên vẹn bên trong. Tác giả đã mượn ý nghĩa của câu ca dao nói về tình nghĩa thủy chung, bền chặt dẫu có trải qua bao thách thức của thời gian thì tình yêu vẫn nồng đượm, thiết tha, tuy đơn sơ mà sâu nặng không biến đổi.

Bài hát là tình yêu của một chàng trai đem lòng thầm thương trộm nhớ một cô em gái nhà cạnh bên, với mái tóc dài ngang lưng mà “gió đưa hương đượm mùi bồ kết” đã làm chàng trai ấy lòng đầy bối rối, đến thao thức không ngủ được vì cứ mãi nhớ về hình bóng ấy khi “đêm mãi dặt dờ gây ấn với chiêm bao”. Để rồi khi hai người thương nhau, yêu nhau, đã hẹn đã thề thì tác giả cũng mượn hình ảnh của “cây đa bến cũ con đò năm xưa” để nói lên tấm lòng thủy chung son sắt, một mực không lỗi hẹn thề, dù có cách trở, khó khăn họ vẫn một lòng hướng về nhau bởi hai người chan chứa một trái tim chân thành.

Tác giả sử dụng những câu ca dao mộc mạc, gần gũi nơi thôn quê thành tiếng hát câu hò của người con gái cất lên làm cho chàng trai thêm xuyến xao. Và cũng từ câu hát mà thành lời ước hẹn mãi có nhau của hai người đang yêu dù phải xa cách thì “câu hát tình quê vương vấn một đời nhau”.

Lưu Hương.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.