Nỗi Buồn Châu Pha, Bông Hoa Núi Rừng Trót Ôm Sầu Riêng

0 2.144

Nỗi Buồn Châu Pha, là một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh vào năm 1974, kí bút danh Nhật Nguyệt Hồ. Nhạc phẩm được ra mắt người mến mộ vào năm 1974 trong cuốn “Băng Vàng SHOTGUNS 74-75”. Nhạc sĩ Lê Dinh từng chia sẻ rằng: ông luôn say mê vùng Thượng hơn là dưới biển cả, cho nên ông mới sáng tác những bài như: Nỗi Buồn Châu Pha, Chiều Lên Bản Thượng, Thương Về Xứ Thượng… để gửi trao tâm tình của ông với vùng đất và con người của miền thượng nguồn mộc mạc và thuần khiết ấy.

Nỗi Buồn Châu Pha, một nhạc khúc mang đậm nét đặc trưng riêng, gợi lên những cảm xúc sâu lắng về xứ thượng. Bài hát nói về một sơn nữ đẹp như những bông hoa núi rừng mang tên Châu Pha, nàng đem lòng yêu một anh lính trận khi tình cờ gặp nhau trong lần đơn vị anh đến thăm buôn làng.

Thượng, là tên gọi chung những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung. Mỗi nhóm Thượng sinh trú trong một địa bàn với những ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng biệt. Mật độ dân số trung bình khoảng 30 người trên một cây số vuông, tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình là 2% một năm. Miền đất Thượng mang nét đẹp tự nhiên, con người mộc mạc và đặc biệt là hình ảnh những cô gái miền sơn cước với nét đẹp thuần khiết, là nguồn cảm tác cho các thi sĩ.

Nàng tên Châu Pha, người sơn nữ, bông hoa núi rừng.
đẹp xinh đơn sơ, tình trong trắng cho đời ước mơ.
Gọi tên nàng tên Châu Pha, gọi tên nàng tên Châu Pha,
đôi môi thơ ngây thương giọng nói thật hiền hòa.

Có lẽ lời của bài hát ngay từ đầu đã bộc lộ hết tâm tình vì sao Nàng Châu Pha thường hay man mác nỗi buồn riêng. Cô gái mang tên Châu Pha ấy là người sơn nữ đẹp, một bông hoa của núi rừng đẹp xinh đơn sơ, nàng trong trắng thuần khiết, đôi môi còn thơ ngây và giọng nói thật hiền hòa làm biết bao người thầm ước mơ. Cứ nghĩ rằng người con gái ấy sẽ mãi hồn nhiều trong mắt người đời, vậy mà có nào ai ngờ nàng lại trót ôm một nỗi buồn. Có ai hiểu rằng tâm tình của người con gái mới lớn, cứ nghĩ rằng nàng sẽ mãi mãi hồn nhiên, nhưng không, theo quy luật tự nhiên thì ai rồi cũng sẽ trưởng thành, ai rồi cũng sẽ khác… bông hoa rừng núi ngày nào đã không còn cười, ngày vui trong nàng dường như đã mất, lệ ngấn lệ dâng khóe mắt nàng, Châu Pha đau thương tủi buồn…

Ngờ đâu tâm tư nàng đã trót ôm một nỗi buồn.
Chiều mưa rơi rơi, nàng hay đứng âm thầm nhớ ai.
Hỏi sao ngày vui đã mất,
Hỏi sao lệ dâng khóe mắt?
Châu Pha thương đau tủi buồn cúi mặt quay đi.

Nhưng rồi một hôm nao, chim rừng lại ríu rít
Đón anh chiến sĩ về thăm buôn làng, núi đồi.
Rượu cần lại mang thêm ra, rừng vàng rộng vui câu ca.
Đêm liên hoan, Châu Pha như hoa xinh đẹp nụ cười sáng ngời.

Nỗi buồn của Châu Pha bắt nguồn từ một ngày như mọi ngày, chim rừng vẫn ríu rít ca. Nhưng hôm nay buông làng lại rộn ràng hơn để đón anh lính chiến về thăm núi đồi cao nguyên. Trong đêm liên hoan, cả buôn làng lại tưng bừng vui ca, nhảy múa bên lửa cao nguyên và rượu cần tất cả tình quân dân làm ấm lòng chiến sĩ biết bao. Cũng trong giây phút ấy ít ai nhận ra cô sơn nữ Châu Pha lại xinh đẹp hơn thường, tình yêu làm nụ cười nàng tươi hơn làm sáng bừng cả trời đêm.

À thì ra Châu Pha đã để ý thương anh lính trận.
Chiều nao qua buôn, cùng sơn nữ duyên nồng thắm trao.
Bà con thường trêu Châu Pha, niềm riêng thường hay dấu kín.
Nhưng nay ai ai cũng hiểu nỗi buồn Châu Pha

Tình yêu thường bắt nguồn từ niềm vui để kết thúc bằng nỗi buồn, có bắt đầu thì sẽ có kết thúc, Châu Pha cũng thế, lần đầu tiên nhìn thấy người lính ấy nàng đã cảm mến và để ý thương anh lính trận. Người lính oai hùng trong lời thơ ý nhạc mà bao cô gái thầm ngưỡng mộ, nay lại xuất hiện trước mắt nàng bằng xương bằng thịt thì hỏi sao lòng không rung động. Chiều nao anh qua buôn, cùng nàng duyên nồng thắm trao nhau, trái tim sơn nữ đã trao cho anh tự bao giờ. Châu Pha vẫn là cô gái sơn cước trắng trong, tình yêu và niềm riêng nàng xin nguyện dấu kín.

Khi dân làng hiểu nổi lòng Châu Pha cũng là lúc bài hát kết thúc và chúng ta cũng hiểu nỗi buồn và tình yêu của Châu Pha, thứ tình cảm của nàng thật nhẹ nhàng và đẹp biết bao, câu chuyện của Châu Pha không cần kể thêm bởi mỗi người sẽ có những cái kết và suy nghĩ cho riêng mình… suy cho cùng thì nàng và bao cô gái yêu lính đều hiểu rằng đợi chờ là niềm vui, bởi có một thứ tình yêu cao hơn cả tình yêu luyến ái đó là tình yêu quốc gia…

Nỗi Buồn Châu Pha với giai điệu đặc biệt, kết hợp nhịp độ Moderato vừa phải tạo nên bản phối âm tuyệt hảo,  mang lại cảm giác thích thú và điềm tĩnh. Moderato giúp tạo nên một bản nhạc êm dịu, kết hợp cùng các nhạc cụ riêng biệt của xứ thượng cùng lời bài hát một cách hài hòa, nhạc sĩ Lê Dinh đã sắp xếp kịch bản âm nhạc một cách tài tình, đưa người nghe thả mình vào âm nhạc và tận hưởng những cảm xúc êm dịu và trong lành. Tất cả tạo nên Nỗi Buồn Châu Pha tuy có buồn nhưng không bi lụy, đến cuối cùng ta lại nhận ra cảm xúc và tình yêu của người sơn nữ ấy vẫn đẹp, sáng trong như chính nàng của thuở ban đầu…

Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com

XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.