Ngọc Lan, Tiếng Hát Ngọt Ngào Đường Xứ Quảng

0 901

Vào năm 1992 tôi nhận được một ấn bản tập truyện Bóng Mây của nhà văn nữ Lê Thao Chuyên. Tôi có viết một bức thư cảm ơn chị. Sau đó, tôi lại được tác giả tặng thêm quyển Giọt Nước Mắt Thuỷ Tinh. Ít lâu, có tin Lê Thao Chuyên bị kẻ cướp giữa ngày bắn chết. Tôi ngơ ngẩn tiếc thương người bạn văn ở xa xôi mà tôi chưa hề biết mặt. Lê Thao Chuyên là một cây bút phụ nữ sáng giá cùng hàng ngũ với Hàn Song Tường, Nguyễn Thị Long An, Điệp Mỹ Linh, Trần Kim Vy… Đó là một cây bút sáng tác phong phú, rất sắc sảo ở phương diện phân tích tâm lý.

Tôi không ngờ Lê Thảo Chuyên là chị ruột của nữ ca sĩ Ngọc Lan. Tên tuổi cô em vang lừng hơn tên tuổi người chị, song cả hai vẫn có lĩnh vực riêng: Lê Thảo Chuyên đi vào văn đàng bằng bước chân rón rén nhưng có những bậc thang để đưa cô leo cao. Còn Ngọc Lan mới bước vào nghiệp cầm ca mà đã được Tôn Hành Giả dạy phép cân đẩu vân để bay lên thật cao và lướt đi hàng vạn dặm trong cái chớp mắt.

Sau đó ít lâu, tôi lại nghe đồn Ngọc Lan bị mù mắt. Lại có tin hành lan, Ngọc Lan đã từ trần. Tôi thầm ái ngại cho số phận quá cay nghiệt mà hai chị em cô phải gánh chịu. May quá, vào năm 1998, Ngọc Lan cùng chồng cô chính thức họp báo cho biết rằng cô không mù, nhưng tầm nhãn quan của mắt bị yếu kém, tuy nhiên nhờ nhãn khoa trị liệu hiện đại mà mắt cô trên đà bình phục. Tôi thở một cái phào sung sướng. Thật ra, trước đó tôi cũng bị lôi cuốn theo tin đồn, in trí rằng cô bị mù vì mỗi khi trường mặt trên băng hình, mắt cô như chìm đắm trong cỗi đen sâu nào đó và tận giếng mắt cô không lóe lên một tia sáng nào. Đó là cặp mắt trong cơn mộng du, trong phút bị thôi miên đúng hơn.

Trước đây, tôi không nhớ vào năm nào và cũng không nhớ ở trong băng nhạc nào tôi được nghe Ngoc Lan hát bài Nữa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương (phổ thơ của Thanh Tâm Tuyền). Giọng cô chỉ thuộc loại bán kim thôi, nhưng khi lên cao thật ngọt, thật dầy cui và thật sang sảng. Một giọng hơi khàn và ấm nồng như quế nhưng âm vang ở chót đuôi tiếng hát lại lảnh lót. Trước đó, tôi nghe lũ bạn tôi báo ngoài Thái Thanh ra, chẳng ai dám hát bài này chứ nói gì hát bằng Thái Thanh. Nhưng họ lầm, Ngọc Lan đã dám hát bài này và hát không kém Thái Thanh một ly nào. Thái Thanh có lối diễn tả hoa mỹ và cường điệu về mặt gây cảm xúc cho thính giả. Ngọc Lan có lối diễn tả thật chân phương đơn giản. Nhưng nhờ giọng cô có âm sắc đẹp và buồn tự bản chất nên cô không cần chơi fantaisie và cũng không cần thả giọng sướt mướt mà giọng hát vẫn thập phần quyến rũ.

Ca sĩ Ngọc Lan thời trẻ

Ngọc Lan sài toàn giọng thật, không bao giờ dùng giọng mái. Sơn Ca dùng giọng mái từ đầu đến đuôi. Nhưng mà lạ thay cả hai đều có âm sắc ngọt ngào. Chi hơi phiền là Ngọc Lan ngân nga rất cừ khôi và rất thoải mái, trong khi đó Sơn Ca nắn nót một chuỗi ngân khổ sở như đàn bà đẻ ngược. Cho nên về sau, cũng như Thanh Tuyền, Sơn Ca không thèm ngân nga làm chi cho thêm phiền phức; khán thính giả say mê giọng hát của cả hai ở âm sắc lãnh lót trong tiếng hát của họ chứ đâu phải của ở chỗ ngân nga. Riêng Ngọc Lan, cô có tới hai thứ khán thính giả: ngoài những khán thính giả của Thanh Tuyền và Sơn Ca, cô còn có loại khán giả sành điệu nữa. Giọng Ngọc Lan khiến cho chúng ta mường tượng đến chất ngọt của đường bông, đường phèn, kẹo gương, mạch nha ở xứ Quảng Ngãi. Mạch nha Thi Phổ làm bằng mộng mạ của nếp “ruống” ngon bậc nhất, không có thứ nếp nào làm ngon bằng. Còn kẹo gương ở Thu Xà có lẽ thấm thuần hồn thơ của thi sĩ Bích Khê nên kẹo trong veo veo và ngọt đằm thắm hơn kẹo gương ở các địa danh khác dù các địa danh ấy cũng nằm trong lãnh thổ tỉnh Quảng Ngãi đi nữa.

Ngọc Lan giống nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng, chỉ đẹp đậm đà ở nét buồn buồn thật lãng mạn, cái đẹp mà nhà thơ Lưu Trọng Lư gọi là “người em sầu mộng của muôn đời”.

Và hỡi người bạn Quảng Ngãi thân yêu, khi ở một góc trời nào đó nơi hải ngoại, bạn tình cờ gặp lại thi tập “Nghẹn Ngào” của Tế Hanh. Bên ngọn đèn khuya, bạn đọc những vần thơ yêu thổ ngơi, yêu nơi chôn nhau cắt rún của nhà thơ xứ Quảng ấy, bạn cảm thấy quê hương của bạn đẹp vô ngần mà người Trung thường gọi là miền núi Ấn sông Trà (núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc). Xứ ấy không giàu, nhưng cũng là nơi sản sinh những anh hùng mã thượng có công với đất nước như ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt, các vị anh hùng vì nước quên thân như Trương Công Định, Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Viện… Dù đất đai xứ ấy không phì nhiêu, nhưng xứ ấy vẫn giốc hết tinh hoa trong mạch đất để cung cấp cho dân nào là mía, nếp ruống, củ huỳnh tinh… Do đó người Việt chúng ta được thưởng thức những thứ đường quý giá, thứ mạch nha thượng hảo hạng.

Và nhất là bột huỳnh tinh khi khuấy xong trở nên trong văng vắt như thủy tinh nằm giữa lòng chén bạch, há không phải là món trân cam của xứ Quảng Ngãi hay sao? Xin bạn nhớ cho chạy băng nhạc lẫn đĩa nhạc có thu giọng hát của Ngọc Lan, dù cô không phải là dân xứ bạn nhưng bạn vẫn thấy cái âm sắc ngọt ngào của cô như đem về bạn toàn thể quê hương của bạn. Bạn đưa tâm trí mình trở về thời thơ ấu xa xưa, thuở bạn chưa rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún của mình; thuở đó bạn được ngắm 10 cảnh đẹp trên quê hương của bạn như: Thiên Ấn Niêm Hà, Thiên Bút Phê Vân, Long Đầu Hí Thủy, La Hà Thạch Trận, Liên Trì Dục Nguyệt, Cỗ Lũy Cô Thôn, Thạch Bích Tà Dương, Hà Nhai Vãn Độ, An Hải Sa Bàn, Vân Phong Túc Võ. Bạn thèm ăn lại mô tô don (tức là loại ốc đặc biệt xứ Quảng), ăn chim mía nướng, ăn rau húng và lá quế ở trà Trà Quế, ăn cá bống của sông Trà Khúc kho tiêu. Nhưng chưa hết đâu, bạn muốn về ở luôn xứ Quảng trong buổi tà dương của cuộc đời. Bạn sẽ cất nhà bên sông để lắng nghe bờ xe nước quay vòng bách đều đều trong đêm thanh, đưa nước sông chảy vào ruộng. Bạn thắp ngọn đèn lạnh, đọc lại thơ của Bích Khê (thi tập”Tinh Huyết”) và các thi tập khác của Tế Hanh để ngấm hồn vào mạch ngọt của quê hương. Sau đó, xin bạn đừng quên cho chạy băng nhạc, đĩa nhạc nào có tiếng hát của Ngọc Lan. Trong những giây phút ấy, tôi tin chắc rằng bạn có thể mở một chân trời giao cảm giữa tâm tư của bạn và tiếng hát ngọt lịm say sưa của của người nữ danh ca có giọng hát ngọt tuyệt vời ấy.

Click vào link để nghe tổng hợp những tình khúc Ngọc Lan

Ngọc Lan có một vẻ đẹp não nùng. Cặp môi cô thật thanh tú, khi ngậm miệng thì đẹp, nhưng khi cô cười thì vẻ mặn mà trên khuôn mặt lạt phai đi ít nhiều, bởi vì cô cười hở lợi nhiều hơn. Tóc cô uốn theo thời trang xoắn xít như chùm rau “xà lách xoong” (cresson) không hợp với đài trán băng sương không tuệ của cô, không hợp luôn với khuôn mặt tươi rạng của cô. Cô có vóc mình khá hấp dẫn, cặp giò khá dài và khá đẹp, có thể diện mini jupe để phô vẻ cao sang như ai. Ở sắc vóc của cô, nét căn bản vốn thanh tú. Nhưng cách phục sức trang điểm của cô lại phá thể để cho ra vẻ trẻ trung và theo kịp thời trang sát nút. Khuôn mặt cô hiền, sắc diện đoan trang. Nhưng trong ánh mắt và nét mỉm cười của cô như tiềm ẩn một chút buồn rười rượi nên ánh mắt như lạc lõng và xa vắng, còn nét mỉm cười trở nên bâng khuâng man mác. Chính nhờ vậy mà cô đẹp một cách ý nhị.

Ngọc Lan hát Liên Khúc Mẹ trong Asia chủ đề Tác giả & Tác Phẩm

Trong băng hình Đêm Sài Gòn 2 của trung tâm Asia với chủ đề “Tác giả & Tác Phẩm”, Ngọc Lan xuất hiện ở tiết mục đơn ca “Liên Khúc Mẹ”. Cô có mái tóc buông lơi xõa óng ả xuống vai, nhưng cô lại đội chiếc mũ đỏ. Cô mặc áo  cụt tay và chiếc xiêm cùng một màu đen, khoác áo chấn thủ cũng màu đỏ để lấy bố cục chặt chẽ với màu chiếc mũ. Trông cô thật thiếu nữ đang xuân, thật tươi mát, dịu dàng. Cô hát giữa mấy cô đồng nữ áo trắng tạo nên một bức tranh thật thần tiên, thật thanh bình, gợi luôn hình ảnh một nàng tiên nga du xuân với các cô ngọc nữ…

Click vào link để nghe Ngọc Lan đơn hát Kiếp Đam Mê của Duy Quang 

Trong băng hình Paris By Night 32 với chủ đề “20 Năm Nhìn Lại”, Ngọc Lan đơn ca bài “Kiếp Đam Mê” của Duy Quang. Cô có mái tóc bất hủ, uốn rối rắm một cách công phu như những chùm rắn, những vòng xoắn, những chùm lạp xưởng, những cuộn chả giò bò bía, những cái móc câu… Cô mặc chiếc robe bằng nhung đen hở ức, hở vai, ở xa trong có vẻ sexy như những cô đào vamp của màn bạc Âu Mỹ. Cô đeo đôi hoa tai trông từ xa như những chùm trái anh đào màu hồng quế, cùng màu với son môi của cô. Hơi tiếc là chiếc áo ấy có đính một chùm đuôi gồm nhiều thứ lụa có nhiều màu khác nhau như hoàng yến, thúy lam, hồng đào… trông có vẻ thừa thãi và lạc lõng với chiếc áo.

Ngọc Lan có đủ đường nét hài hòa ở thân vóc để trở nên một phụ nữ sexy. Nhưng khuôn mặt cô hiền quá. Cô chỉ đến với khán thính giả bằng hình ảnh một bông hoa cẩm chướng đẹp tươi thắm dịu dàng mà thôi. Cộng với giọng hát ngọt ngào, cô tạo nên một ấn tượng khả ái thật bền bĩ trong tâm tưởng của họ suốt mười mấy năm qua…

Biên Soạn: Hồ Trường An
Theo Tạp Chí Thế Giới Nghệ Sĩ số 108 – Tưởng niệm ngày mất cố ca sĩ Ngọc Lan
(trích Chân Dung Những Tiếng Hát, quyển 2, phát hành năm 2001)

Sử dụng bài viết cho các hình thức truyền thông vui lòng liên hệ dongnhacvang.com để được chấp thuận. Ghi rõ nguồn kèm theo tên tác giả và link bài viết. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook, Youtube và Adsense.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.