Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc Đầu Tay “Trở Về” Của Nhạc Sĩ Châu Kỳ

0 10.508

Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 05.11.1923 tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Trước khi trở thành nhạc sĩ, Châu Kỳ đã là ca sĩ và trước khi hát những tác phẩm Việt Nam, ông chuyên hát nhạc Pháp. Khi học ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ may mắn được học nhạc với thầy Pière Thiều, là một vị giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Ông chơi rất giỏi nhiều loại nhạc cụ như kèn, trống, guitar. Vị giáo sư này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát, và còn được bạn bè gọi ông là Deuxième Tino Rossi, vì dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường hát những bài của ca sĩ Tino Rossi. Khi bà chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn hát này, nghiệp cầm ca khoác lên người ông từ đó.

Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savannakhet rồi Thaket. Khi đang diễn vở kịch Hồn Lao Động ở Thaket thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì. Trại giam do một viên trung úy người Pháp trông coi. Vị trung úy này có người vợ đầm lai rất đẹp tên là Anna. Nhờ có biệt tài hát những bản nhạc Pháp đang rất thịnh thành thời đó nên Châu Kỳ rất được lòng viên trung úy trưởng trại.

Năm 1943, chính vị chỉ huy tốt bụng này đã vận động để Châu Kỳ được ra khỏi tù. Ông còn xuất tiền túi mua vé tàu và cho cô vợ Anna đi theo tiễn Châu Kỳ từ Ba Vì về ga Hàng Cỏ (Hà Nội) để xuôi Nam. Nhưng khi vừa về đến Huế, Châu Kỳ bàng hoàng khi nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong cột cơn lũ bão. Thế nên trong những buổi chiều sau đó, lòng đầy ngổn ngang tâm sự, xót xa và ân hận, vừa thương mẹ vừa thương mình mà ông viết nhạc phẩm đầu tay “Trở Về”:

Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa.

Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.

Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Đò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn

Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn
Nghe suối reo bên ngàn
Dường như oán như than !

Chiều nay buồn trông cánh chim bay
Chiều nay buồn nghe gió heo may
Chiều nay đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây.

Sau này khi được hỏi về nhạc phẩm đầu tay khi bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc ông từng chia sẻ: “Bài nhạc đầu tay là bài nhạc Trở Về năm 1944, ở đất Bắc tuy tôi là người Huế. Nhưng mà ngày tôi bắt đầu làm văn nghệ, bước ra đất Bắc làm văn nghệ, thì năm ấy được tin quê nhà tôi tại Huế, là mẹ tôi ở tại huyện Quảng Điền, làng Thanh Hà bị một con lũ bão lụt thì tôi trở về. Khi tôi trở về đi qua chuyến đò, nhưng không có đò để qua nữa, tôi tự lội qua nhà, về đến nhà thì mẹ tôi đã mất trong con bão lụt đó, và bao nhiêu người thân yêu cũng đi mất. Vì vậy nỗi buồn của tôi, ở lại mấy ngày ở nơi chôn mẹ tôi thì tôi trở lên đất Bắc, suy nghĩ đau đớn quá tôi mới ra Bắc viết bài Trở Về vào cuối năm 1944”.

Ông rất tự hào và hạnh phúc khi sáng tác đầu tay này của mình lại được đón nhận và yêu thích sau khi được giới thiệu đến người nghe: “Đến năm 1946 thì được phát thành, in phát hành tại nhà phát thành Thế Giới tại Hà Nội và sau đó bài hát Trở Về đã được nhà xuất bản Tinh Hoa tại Huế xuất bản và tái bản in 10 lần. Được cái vinh hạnh nhất là bài Trở Về của tôi được nữ giáo sư trường âm nhạc viện Pháp và Ý, bà là cây Violon, bà đi biểu diễn tất cả thế giới, lần cuối bà qua Việt Nam năm 1957 không ngờ bà đánh giao lưu về bài nhạc Việt Nam, bà lại trọn bài nhạc Trở Về này, đánh trước đầu tiên ở tại nhạc thành phố, tôi rất xúc động. Cũng nhờ nữ danh cầm, vị giáo sư đó bài Trở Về được nổi tiếng ở bên kia thế giới và trong Việt Nam này được nổi tiếng từ năm 1950 – 1957 và sau đó. Ngay cả bên Pháp cũng lấy bài Trở Về đặt ra lời ngoại quốc, lời Pháp, lời Anh… đó là thành công bài Trở Về của tôi”.

Trường Giang.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.