“Gánh Hàng Rong” Thổn Thức Giấc Mơ Sài Gòn

0 834

Khi người Sài Gòn chìm vào giấc ngủ. Đâu đó trên phố vắng, tiếng rao của những con người với đôi gánh hàng rong trên vai vẫn còn thổn thức. Họ buôn bán, kiếm tiền mưu sinh trên mãnh đất Sài thành phồn hoa. Dù họ họat động về đêm, ban trưa hay ban sáng, với tôi hình ảnh họ như bức tranh tô điểm Sài Gòn hoa mộng, còn tiếng rao của họ là tiếng ru để giấc ngủ Sài Gòn thêm thơ và đánh thức một Sài Gòn như mơ. Bởi Sài Gòn là cái nôi của kinh tế miền Nam, nơi đô thị phồn hoa và phát triển bật nhất, nơi được cho là mơ ước của biết bao người con từ lục tỉnh, nơi mưu sinh của những người con Việt, nơi phát triển và văn minh. Sài Gòn trước 1975 đường phố không đông đúc như bây giờ nên sự xuất hiện của những người bán hàng rong không gây trở ngại nào mà ngược lại còn điểm tô thêm cho sắc thái của Sài Gòn.

Ngày nay cách bán buôn không nhọc nhằn như trước nhờ vào những công cụ trợ giúp. Tuy nhiên đồng tiền họ kiếm được cũng không kém phần cay đắng. Chúng ta đôi khi không còn nghe những tiếng rao thân thương ngày nào “ai bánh canh, bánh lọt hôm”, “ai mía ghim hông”, “ai ăn đậu hũ nước dừa đường thốt nốt không” …  nó đã được thay thế bằng những tiếng thu âm, đường phố thì đông đúc nên làm cho những hình ảnh bán hàng rong trở thành trở ngại và ký sinh trong lòng một số người. Dù cho qua bao nhiêu thập kỷ những quang gánh đó có khác đi cái hình thức hay thay đổi theo thời cuộc nhưng đều mang ý nghĩa như nhau đó chính là cái gánh mưu sinh nặng trĩu trên vai và niềm hy vọng vào một ngày mai cơm no áo ấm.

Hằng ngày, bắt gặp những “Gánh hàng rong” trên đường phố,  ta nhìn thấy hình ảnh của những người lao động bình thường như bao người khác. Nhưng chính họ từ đôi gánh hàng rong thô kệch, mộc mạc ấy đã chắp cánh cho bao nhiêu ước mơ của những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, những doanh nhân tương lai. Để rồi một ngày khi ước mơ đó thành hiện thực những kỹ sư, bác sĩ ấy sẽ mãi khắc ghi trong tim hình ảnh đôi gánh hàng rong trên đôi vai gầy guộc của mẹ như một phần của tuổi thơ, một phần đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất của cuộc đời mình.

Họ đến từ nhiều nơi, xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, họ có những hoàn cảnh, những câu chuyện riêng. Nó làm tôi nhớ lại câu chuyện của mình, vào những năm sau giải phóng, tôi đi tù cải tạo về lúc này gia đình thì khó khăn rơi vào cảnh mẹ già, con thơ, 2 đứa em trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Vợ tôi vì thế mà bán hết quần áo và bán cả cái máy may mà vợ tôi thích nhất để lo chi tiêu trong gia đình, mẹ tôi gánh bánh đúc ra trước cổng trường tiểu học bán. Nhìn cảnh mẹ và vợ lam lũ mưu sinh, tôi là trụ cột trong gia đình, những ước mơ trong sáng của em nhỏ, những tiếng cười con thơ và hạnh phúc của mẹ già cùng vợ chính là nguồn động lực khiến cho tôi chịu đựng biết bao cay đắng, vượt qua biết bao vất vả nắng mưa của cuộc đời. Tôi chạy chiếc xe đạp đi bán kẹo kéo khắp làng quê để lo tiền chi tiêu trong nhà và nuôi mấy đứa em ăn học. Mấy năm sau đó tôi mua lại cái máy may cho vợ, cô ấy may áo cũng kiếm được kha khá tiền, cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn. Chưa vui được bao lâu thì thằng em thứ 3 của tôi bị bệnh hiểm nghèo tôi đưa em lên Sài Gòn rồi cõng em đi xin tiền trị bệnh, nhờ tình thương của bà con cô bác cuối cùng cũng lo đủ tiền cho em khỏi bệnh. Những ngày này tôi lại chạy xe khắp phố phường, ngõ hẻm bán cà rem… Năm tháng qua đi bây giờ 2 em tôi cũng ngoài 50 đứa làm hiệu trưởng ở quê, đứa làm kinh doanh lớn nơi thị thành. Riêng tôi vẫn sống ở làng quê bên vợ và các cháu, cuộc sống tôi vẫn bình thường có khác những năm xưa cũ ấy là thay vì rong ruổi khắp nơi giờ chúng tôi buôn bán nhỏ ở nhà. Các em tôi hay nhắc lại chuyện xưa, biết ơn và quý kính anh trai hay về thăm và ôn lại chuyện xưa làm tôi nhớ những ngày bán hàng rong lúc đầu còn e ngại nhưng giờ đây lại thấy tự hào vì nghề nào cũng là nghề, miễn là mình lao động bằng chính sức lực của mình và sự chân chính.

“Với đôi gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi từng ngày
Khắc ghi mãi vào tim không phút nào quên
Có đôi gánh hàng rong tôi bước vào trong cuộc đời
Tiếng ru thuở còn trong nôi là tiếng rao nuôi lớn đời tôi.”

Dù là ai đi nữa, dù đến từ đâu miền Trung nắng cháy hay miền tây mưa lũ… trong công cuộc mưu sinh của mình họ đều gánh trên vai những nhọc nhằn, những lo toan, những giọt nước mắt, có cả sự sợ hãi và buồn tủi… nhưng vì một điều thiêng liêng nào đó mà họ không bỏ cuộc, họ đi lên bằng sức lực của mình, họ gánh ước mơ chứ không hề ký sinh vào ai…

Hai Tứ

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.