Cảm Nhận Về Ca Khúc ‘Hai Mươi Bốn Giờ Phép’ Của Nhạc Sĩ Trúc Phương

0 6.298

“Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ
Tìm người thương trông người thương,
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà,
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ.

Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt
Chuyện buồn dương gian lẩn mất
Đưa ta đi về nguyên thủy loài người
Mùa yêu khi muốn ngỏ
Vụng về ngôn ngữ tình, làm bằng dấu đôi tay.

Bốn giờ đi dài, thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại, anh cho em tất cả em ơi
Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời.
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.

Người đi chưa đợi sáng
Đưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rũ xuống.
Thương quê hương và bé nhỏ tình này.
Ngẩng trông đôi mắt đỏ vì mình mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ.”

Một ngày có 24 giờ, 1.440 phút và 86.400 giây. Vậy trong thời gian đó bạn sẽ làm những gì !? đi học, đi làm, ăn ngủ, đi chơi… đôi lúc chúng ta thấy nhàm chán nếu một ngày chỉ xoay quanh những vấn đề cứ lặp đi lặp lại không có sự thay đổi, nhưng đó là thời bình. Còn đối với thời chiến một giây một phút trên chiến trường cũng vô cùng quý báu vì nó có thể quyết định sống chết của rất nhiều người, nó ảnh hưởng đến vận mệnh và thời cuộc. Thời gian có thể sẽ không được coi trọng ở thời bình, như việc gặp người thân trong gia đình hằng ngày, có khi gặp chỉ nói được một hai câu, có lúc chúng ta còn không muốn về nhà, vì nghĩ đơn giản không gặp hôm nay còn có ngày mai. Nhưng ở trên chiến trường không ai có thể đảm bảo mình còn có ngày mai hay không, nên việc người lính gặp được người thân, người yêu của mình là thời gian hết sức quý báu đối với họ. Đâu phải họ muốn gặp là gặp được. Người lính muốn được về nhà phải xin phép với cấp trên và được cấp trên phê duyệt gọi là “nghỉ phép” thì mới được về.

Cùng tâm trạng ấy mà nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác ca khúc “24 giờ phép”, có thể do nhạc sĩ từng đi lính nên có thể thấu hiểu được tâm trạng của những anh lính xa quê về thăm nhà. Được sáng tác năm 1967, bài hát theo cách nhìn đơn giản thì chỉ là câu chuyện của một người lính từ xa về thăm người thương trong 24 giờ. Nhưng ẩn sâu trong đó là tâm trạng lo lắng, hoang mang, mong chờ của anh lính sao bao ngày xa cách người thương. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ ẩn dụ tài tình để nêu lên được trọn vẹn nét đẹp của một câu chuyện tình thời chiến. Với tôi đây có lẽ là một ca khúc với những ca từ táo bạo và gợi tình nhất.

Vì sao ngày phép của người lính lại ít ỏi như vậy, theo như tôi tìm hiểu được biết thì, thông thường, Bộ Tổng Tham Mưu quy định mỗi người lính sẽ có 15 ngày phép thường niên. Các trường hợp đặc biệt như ở xa thì sẽ được thêm 2, 3 ngày nữa, thí dụ như nhà ở Huế nhưng đóng quân ở Cần Thơ… Mỗi lần nghỉ phép sẽ được 3 đến 5 hoặc 7 ngày, tùy nhu cầu xin phép và tùy vào cả tình hình chiến sự. Chúng ta cũng biết được thông qua một số bài hát như Được nghỉ 5 ngày phép, mất 2 hôm làm quen… (Căn Nhà Màu Tím – Hoài Linh), Xong chiến trường xin năm ngày phép, tôi trở về thăm lại quê hương… (Khi Người Lính Trẻ Trở Về Quê Hương – Hoàng Thi Thơ) hay Bảy Ngày Phép Thường Niên (Trầm Uyên Khanh)…Nhưng người lính trong ca khúc “ 24 giờ phép” chỉ được nghỉ vọn vẹn 1 ngày cho thấy, có lẽ anh vừa lập được một chiến công gì đó và được thưởng nóng 24 giờ phép. Ngày xưa anh hai tôi đi lính ở Phan Rang cũng hay có 24 giờ phép như vầy, ảnh kể thường là lập được một công trạng thì đại đội trưởng hay tiểu đoàn trưởng sẽ cấp cho 24 giờ phép. Thường nếu nhà ở xa đơn vị thì hay vào phố hoặc thị xã gần đấy uống cafe và ăn nhậu với bạn bè, còn người lính nào gần nhà thì sẽ về thăm nhà.

Ngay câu đầu ta đã thấy được sự khó khăn, gian khổ của người lính VNCH, họ chỉ xin nghỉ được một ngày nhưng dù xa xôi cách trở họ vẫn về thăm người mình thương “Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ, với họ khoảng cách địa lý dù có xa nhưng cũng không so được chiều dài nổi nhớ trong lòng. Ai đã từng yêu mới cảm nhận hết nổi nhớ người yêu nó cồn cào da diết như thế nào như câu “Buổi chiều còn gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy” (của Giao Tiên), nhưng song song đó lại là sự hoang mang, lo lắng “Tìm người thương trông người thương”, mặc dù đã thông báo ngày giờ sẽ về từ trước thông qua hình ảnh “Người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ”, nhưng lúc gần về tới anh lính vẫn lo sợ không biết có người đang ngóng đợi mình không, hình ảnh “Tìm người thương” cho ta thấy sự bi quan, nghi ngờ , lo lắng, hoang mang của anh như câu “đừng yêu lính bằng lời” (Kẻ Ở Miền Xa) hay “Xin em chớ đi lại vùng tình yêu, lắm bẫy nhân gian” (Bông Cỏ May) của tác giả. Tình yêu thời chiến cũng rất mong manh, dễ vỡ. Trong cuộc chiến, không có gì chắc chắn là cô gái sẽ giữ mãi tình yêu trông chờ người yêu mình trở về. Vì xa cách, cô gái có thể thay lòng đổi dạ, hoặc có người yêu khác. Tác giả sử dụng từ “người yêu” nhưng với tôi có lẻ đây là vợ của anh người lính “Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà”, đơn giản vì chỉ có mình mới có thể quen thuộc đường về nhà mình như thế. Hình ảnh cô gái “đứng chờ ngoài đầu ngõ từ bao giờ” là sự thở phào nhẹ nhõm của người trai, là niềm vui mừng, nỗi niềm mong mỏi của cô gái, cho thấy 2 người chắc rất yêu nhau, có thể đây là vợ chồng son đấy.

Từ sự ngỡ ngàng, ngượng ngập vụn về sau một thời gian dài xa cách, nên sự vui mừng không có thể dùng từ ngữ nào để diễn tả hết. Họ trao đổi với nhau thông qua đôi mắt có câu “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, khi đối diện nhau, trao đổi tia nhìn, mọi ưu tư buồn phiền lo lắng trên nhân thế đều tan biến “Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt chuyện buồn dương gian lẩn mất”. Hai người lúc mới gặp nhau đều ngượng ngùng e thẹn chỉ trao đôi bằng ánh mắt, nụ cười, họ như quay ngược về thời gian mới bắt đầu yêu nhau “đưa ta đi về nguyên thủy loài người”, với tâm tình tự nhiên thành thật khi tình yêu không cần phải được biểu lộ qua lời nói. Tác giả sử dụng từ một cách độc lạ “nguyên thủy loài người”, chỉ những người thời tiền sử, nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ chưa được phát triển, và nhiều khi phải dùng các ký hiệu ra dấu bằng tay để diễn tả ý tưởng, diễn tả cảnh hai người gặp nhau luống cuống không biết nói như thế nào để diễn tả hết ý của mình nên họ vụng về trong cử chỉ “Mùa yêu khi muốn ngỏ vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay”, có thể thấy được họ xa nhau đã quá lâu.

Ca khúc sử dụng phép toán đơn giản, người lính bỏ ra 4 tiếng về nhà và 4 tiếng trở lại đơn vị, thời gian 16 tiếng còn lại dành hết cho người thương “Bốn giờ đi, dài/Thêm bốn giờ về thời gian còn lại anh cho/Em tất cả em ơi ta đưa ta đến vùng tuyệt vời”. Thời gian đó có thể hai người sẽ tâm sự với nhau, kể nhau nghe nhưng chuyện đã xảy ra khi hai người xa nhau, người trai có thể kể chuyện chiến trường, chuyện đồng đội, cô gái có thể kể về những sinh hoạt vụng vặt hằng ngày, nhưng trong bài hát tác giả không hề kể về những vấn đề đó, mà tác giả chỉ nói về hoạt động sử dụng bằng ngôn ngữ cơ thể mà trong việc sinh hoạt vợ chồng đó là điều tất nhiên sẽ xảy ra, đều đó làm tôi càng khẳng định cô gái là người vợ chứ không phải người yêu vì theo quan điểm phụ nữ Việt Nam thời xưa rất truyền thống, họ chỉ làm những việc thân mật như thế với người bạn đời của mình thôi. Họ không có nhiều thời gian để làm những việc khác, họ chỉ làm những việc theo cảm xúc thôi thúc bản năng của con người. Câu “ta đưa ta” cho thấy đó là một hoạt động hợp tác của cả hai, và hoạt động đó không gì khác hơn là “đến vùng tuyệt vời” của việc ân ái. Những cảm xúc về sự bất an, nhung nhớ, nên họ chỉ muốn giải tỏa hết nổi niềm của mình thông qua việc ái ân mà bỏ quên luôn cả giấc ngủ “Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi.”

Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt , chuyện buồn dương gian lẩn mất.

Ở đoạn đầu bài hát có câu “Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ” cho thấy người lính về tầm khoảng 3-4 giờ chiều, nếu ta tính thì khoảng 7-8 giờ sáng hôm sau anh mới lên đường trở về đơn vị, nhưng anh lại lên đường lúc trời chưa sáng “Người đi chưa đợi sáng đưa nhau cuối đường”. Họ tiễn biệt nhau lúc trời chưa sáng nơi cuối đường sau một đêm trọn vẹn, và trong ký ức họ muốn lưu giữ những kỉ niệm đẹp trong thời gian một đêm bên nhau “sợ là đêm vui rũ xuống”. Trong lúc chia tay người lính xót thương quê hương đang lúc dầu sôi lửa bỏng “Thương quê hương và bé nhỏ tình này”và  “Ngẩng trông đôi mắt đỏ” đó là đôi mắt thiếu ngủ cả đêm, cũng có thể là đôi mắt đỏ xót thương cho quê hương, đó cũng là sự tự trách của người lính vì niềm vui của riêng mình mà bỏ rơi đất mẹ đang chịu khổ trong “mười sáu giờ bỏ trời đất bơ vơ”, và sẽ có nhiều người phụ nữ như vợ của mình phải chịu cảnh trông mong chồng trở về.

Cái kết của bài hát chỉ là cảnh cô gái tiễn đưa người yêu về chiến tuyến, ta thấy sự bịn rịn quyến luyến không muốn xa nhau qua “đưa nhau cuối đường” và quý trọng cuộc vui bên nhau với cùng thái độ e dè “sợ làm đêm vui rũ xuống.” Hai người biết có thể sẽ không có lại giờ phút ̣đó, vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra với anh lính. Nhạc sĩ Trúc Phương muốn diễn tả sự mong manh, nỗi hoang mang trong tình yêu của hai người. Ngoài ra, với giai điệu chậm buồn và kỹ thuật dùng từ ẩn ý điêu luyện, Trúc Phương dùng cuộc hội ngộ hai người để nói lên sự mong manh và nỗi niềm xót xa trong cuộc tình thời chiến.

Bài hát với những ca từ độc đáo táo bạo nhưng thanh thoát, tác giả đã khắc họa hình ảnh người lính với những gánh nặng trách nhiệm chồng chất trên vai nhưng họ cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt không phải thần thánh, họ cũng có những khao khát đời sống hết sức tầm thường, với nhạc sĩ Trúc Phương một số nhạc phẩm của ông đều mang những hình ảnh cảm xúc theo bản năng thực tế nhất của một con người như câu “thiếu bóng đàn bà” của (Kẻ Ở Miền Xa), nhưng người nghe không cảm thấy sỗ sàng mà lại hết sức thi vị.

Bài hát còn giúp tôi nhận thấy rằng thời gian đối với tất cả chúng ta hết sức quý báu, chúng ta nên trân trọng từng phút giây ở hiện tại, đừng để sau này hối tiếc rồi tự trách, bởi thời gian sẽ không bao giờ quay lại thời điểm mà ta có thể làm lại.

Sakura.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.