Câu Chuyện Đi Sóc Trăng Tìm Lại Nhạc Sĩ Thăng Long Tác Giả “Quen Nhau Trên Đường Về”

1 13.972

Nhạc sĩ Thăng Long, tác giả những ca khúc nổi tiếng như : Quen Nhau Trên Đường Về, Nói Với Người Tình, Nếu Biết Tình Yêu, Mưa Khuya, Chị Về Em Bước Sang Ngang ….. Trước 1975 ông là trưởng ban nhạc “Hồ Gươm” phụ trách hằng tuần và từ 19 giờ tới 19 giờ 25 chiều thứ sáu trên làn sóng Đài Tiếng nói Quân đội với các giọng ca Minh Hiếu, Hà Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Nhật Trường. Sau năm 1975 ông sống trong một căn nhà cuối một hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng (Gần nhà nhạc sĩ Thanh Sơn) với nghề sửa dù dạo. Tôi được biết thêm thông tin là cuối thập niên 1990, do khu xóm ông ở được giải tỏa cho nên ông đã về quê vợ ở Phú Lộc, Thạnh Trị, Sóc Trăng hành nghề sửa dù và bán vé số dạo. Vào cuối năm 2007, trung tâm Asia và Thúy Nga có cho người về quay phim làm phóng sự về ông, 3 tháng sau ông qua đời.

Nhạc sĩ Thăng Long tại Sài Gòn thập niên 90. (Ảnh MC Trần Quốc Bảo)

Đó là tất cả những gì tôi biết được về ông, cộng thêm chút hình ảnh trích xuất từ DVD video của Thúy Nga Paris và Asia và từ tạp chí thế giới nghệ sĩ của MC Trần Quốc Bảo, và tôi lên kế hoạch về Sóc Trăng tìm kiếm và giúp đỡ gia đình của ông cũng như thắp nhang cho ông. Kế hoạch này đã được tôi lên lịch từ năm 2014, nhưng kém may mắn là cuối năm đó tôi bị tai nạn, sau đó vì đời bể dâu, vì mưu sinh nên tôi tạm gác lại. Đến giữa năm 2020 tôi quyết định cuối năm sẽ xuống Sóc Trăng, nhưng chèo kéo mãi và đến hạ tuần tháng 1/2021 tôi mới chính thức lên đường. Đồng hành với tôi trong chuyến đi này có cô Hiệp (năm nay đã gần 80 tuổi), chị Diễm (là một thân hữu của Nhạc Vàng) và anh Sĩ lái xe. Chúng tôi lên lịch là 3h sáng thứ 4 ngày 20/01/2021 bắt đầu xuất phát, đêm đó do làm việc khuya quá tôi ngủ quên và khi mở mắt ra đã hơn 3h sáng, xe đã tới. Tôi cuống cuồng chuẩn bị và lên đường sau khi bị trễ 30 phút, vì có việc phải ghé thăm một người bà con ở Vĩnh Long cho nên chúng tôi tới Phú Lộc Sóc Trăng đã hơn 11h trưa. Dự kiến chuyến đi là sẽ 3 ngày vì tôi trừ hao trong trường hợp không kiếm được hôm nay thì ngày mai và ngày mốt sẽ quay lại tiếp tục tìm kiếm.

Nhạc sĩ Thăng Long trích từ DVD Thúy Nga.

Trong video của Thúy Nga, có quay cảnh đường vào nhà nhạc sĩ Thăng Long là hẻm số 8 thuộc Ấp 1, khi bắt đầu đến Phú Lộc tôi đã yêu cầu anh Sĩ chạy chậm lại để tôi nhìn đường và quan sát, Vừa qua khỏi một cây cầu lớn trên QL1 là đến Ấp 1 thuộc Phú Lộc, tôi thấy một chị bán vé số đang nhởn nhơ đi trên đường, tôi kêu xe tấp vào, tôi mua giúp chị 5 tờ vé số và tiện hỏi chị :

– Chị cho tôi hỏi chị bán vé số khu vực này chị có biết hẻm số 8 thuộc ấp 1 này không ?

Chị ấy nhìn tôi cười trừ rồi phân bua :

– Xin lỗi anh, tôi mới ở Bạc Liêu qua bán vé số được mấy bữa, không rành đường ở đây, nên tôi không biết.

Cha chả thật, thế là đầu không xuôi rồi, không biết đuôi có lọt không nữa. Tôi cảm ơn và tiếp tục cho xe chạy thêm 1 đoạn ngắn nữa, tôi thấy trước mặt là UBND Huyện Thạnh Trị, tôi yêu cầu anh Sĩ lái xe tới đó, có thể vào đó hỏi thì chắc họ biết hẻm số 8 nằm ở đâu. Vừa chạy đến UBND thì cái hẻm số 8 bỗng đâu hiện ra kế bên …. Kế bên phải hẻm số 8 cũng là một ngôi miếu rất lớn. Vui mừng vì đã kiếm được hẻm, tôi yêu cầu cho xe chạy vào hẻm để tiếp tục tìm kiếm.

Hẻm số 8, đường vào nhà nhạc sĩ Thăng Long xưa và nay.

Chạy khoảng 500 mét vào hẻm là một ngã tư, nói ngã tư cho sang chứ thật ra là 2 hẻm nhỏ trong hẻm số 8 đó. Suy nghĩ một hồi tôi quyết định phát cho mỗi người vài tấm hình của nhạc sĩ Thăng Long cũng như hình ảnh về nhà của nhạc sĩ Thăng Long tôi cắt từ trong DVD Thúy Nga và rửa ra sẵn. 4 người túa ra đi khắp hẻm số 8 đó hỏi thăm. Tôi chịu trách nhiệm ở cái ngã tư đầu tiên trong hẻm số 8 đó. Tôi thấy một ông chú tầm 50 tuổi chạy xe ngang, tôi đứng ra dấu hỏi thăm, ông ấy đứng lại và tôi đưa hình ảnh về nhạc sĩ Thăng Long ra, nhưng ông ấy sau khi xem cũng lắc đầu không biết, Chán chường tôi liền quẹo vào cái hẻm bên trái trước, đi một khoảng rất xa là vách tường tôi liền đụng vài căn nhà, một căn trong số đó rất giống nhà của nhạc sĩ Thăng Long trong ảnh, tôi bạo gan tới kêu chủ nhà hỏi thăm dù có mấy con chó đang chực sủa cắn tôi. Có anh một anh tầm 35 tuổi bước ra tôi liền hỏi :

– Chào anh, em từ SG xuống, anh cho em hỏi thăm nhà anh đang ở có phải là căn nhà trong ảnh này không ạ ?

Anh ta nhìn tấm ảnh trong tay tôi và nhìn vào ảnh nhạc sĩ Thăng Long kế bên, anh ta hỏi ngược lại tôi :

– Anh muốn kiếm cái Bác trong hình này đúng không ? ổng chết lâu rồi !

Tôi từ tốn giải thích cho anh ta hiểu :

– Dạ em biết anh, em muốn đến nhà ổng có chút việc, anh nếu biết có thể chỉ giúp em ạ.

Anh ta nói :

– Nhà ổng bán rồi anh ạ.

Tôi giật mình, trong lòng hơi lo lắng hỏi tiếp :

– Thế mấy người con của ổng đi đâu anh có biết không ?

– Con ổng giờ đi làm tứ xứ lưu lạc đâu hết rồi, cũng không biết đâu anh ơi, có một người con dâu có tiệm may ngoài chợ nè.

– Anh có thể giúp em ra đó ? em sẽ bồi dưỡng anh tiền xăng !?

Anh ta có vẻ lưỡng lự, tôi nghĩ chắc do trưa anh ta làm biếng, anh tiếp tục chỉ tôi :

– Anh từ SG xuống đúng không, giờ anh quay lại cái cầu hồi nãy chạy ngang đó, cái cầu lớn lớn, anh vòng xuống vào chợ dưới chân cầu, chạy vô hỏi chị Giang thợ may ai cũng biết.

Tôi đang hụt hẫn trong đầu, nghe những lời anh ta nói mọi thứ thật mơ hồ, cảm giác chán nản ập đến, tự dưng xuống đây mà thấy tình trạng gia đình NS Thăng Long thế này thiệt là buồn. Chắc có lẽ thấy cái mặt tui buồn quá hay sao, mà mắt anh ta bỗng sáng lên và nói :

– À ! đúng rồi em quên mất, anh theo con hẻm này nè, đi đến cuối hẻm, nhà Bác Hai (tức NS Thăng Long) là cái nhà kế cuối, còn cái nhà cuối cùng là bà con gì đó, anh có thể đến đó hỏi thăm, chắc chắn người ta sẽ biết và chỉ cho anh.

Nhà nhạc sĩ Thăng Long xưa và nay đã được chủ mới xây lại.

Tôi vội cảm ơn và đi đến cái nhà cuối cùng trong hẻm, tôi đã nhìn ra căn nhà cũ của nhạc sĩ Thăng Long dù bây giờ nó đã được chủ mới xây dựng lại. Đón tôi cũng là 1 con chó to tổ chảng sủa oanh trời. Đến nơi sau khi trình bày hỏi thăm và ngõ ý muốn gặp con của NS Thăng Long để giúp đỡ, thì Anh Thón, người ở kế nhà NS Thăng Long và là bà con bên vợ của nhạc sĩ Thăng Long có nói với tôi như sau, đại ý là nhà thì tụi nó đã bán cách đây khoảng 1 năm, và tụi nó cũng đi làm ở tứ tán ở đâu anh ấy cũng không rõ, chỉ còn nhỏ con dâu của ông Thăng Long đang mướn sạp làm nghề thợ may ngoài chợ thôi. Tôi nhờ anh gọi chị ấy vào đây giúp và anh vui vẻ nhận lời. Sau khi anh Thón gọi thì khoảng 20 phút sau một chị độ khoảng 40 tuổi chạy đến, chúng tôi mượn bàn ghế đá trước nhà ngồi nói chuyện. Câu chuyện cũng không có gì quá nổi bật, đại loại có bao nhiêu ý nãy giờ hàng xóm cũng đã nói cho tôi nghe. Chị Giang (con dâu NS Thăng Long) nói rằng : Hiện tại thì căn nhà đã bán được khoảng 1 năm rồi, chồng của chị thì đã đi làm ăn xa đâu đó ở Đồng  Nai mấy năm nay, rất ít khi về dù là lễ tết, chị có 2 đứa con là cháu nội của nhạc sĩ Thăng Long, đứa lớn 19, 20 tuổi hiện đã lên Bình Dương làm công nhân, còn đứa nhỏ đang học lớp 8.

Thấy tình hình gia đình bi đát như vậy, tôi móc túi gửi chị một ít gọi là chi phí để giúp cho cháu nhỏ đi học, tiếp tục thì tôi hỏi hiện tại nhạc sĩ Thăng Long được chôn ở đâu, tôi có ý muốn đến thăm cũng như thắp nhang cho Bác. Chị ấy nói với tôi rằng hiện khu mã đó cỏ mọc cao qua đầu, rất khó vào lắm. Tôi cũng ngõ ý rằng không sao, đã xuống đến đây rồi chút cỏ không thành vấn đề. Tới đây thì anh Thón hàng xóm và cái anh (thật sự tôi chưa hỏi thêm anh) mua nhà của nhạc sĩ Thăng Long nói rằng thôi người ta đã đến đây rồi, tạo điều kiện cho người ta đến thăm ổng đi. Hai anh còn xách xe Honda tình nguyện chở tụi tôi đến đó vì đường vào rất nhỏ, xe hơi không vào lọt. Tôi ghé chợ để mua nhang đèn cũng như ít trái cây đến cúng cho nhạc sĩ Thăng Long. Chạy ngoằn ngoèo một hồi cũng đến được khu mộ của nhạc sĩ Thăng Long, đúng là cỏ mọc lên cao thật, chắc cũng lâu lắm rồi không có ai dọn dẹp chi cả. Cũng may có anh Thón và anh hàng xóm đã giúp chúng tôi dọn dẹp cỏ cho có lối đi cũng như chỗ thắp nhang.

Khu mộ chôn nhạc sĩ Thăng Long, cỏ cao qua đầu.
Mộ nhạc sĩ Thăng Long sau khi đã dọn dẹp tạm cỏ (nhìn từ bên hông).
Nơi yên nghỉ cuối cùng của nhạc sĩ Thăng Long và vợ.

Kính thưa quý vị, điều ước của tôi ấp ủ từ hơn 6 năm nay đã thực hiện được, hàng xóm cũng nói rằng từ sau khi ông mất thì ngoài Thúy Nga và Asia có đến nhà thì chưa có ai tìm về đây hỏi thăm như tôi cả. Tôi rất hãnh diện vì điều này, thứ nhất vì tôi đã một phần nào đó giúp cho linh hồn của cố nhạc sĩ Thăng Long mỉm cười nơi chin suối vì đã có người còn nhớ đến ông và tìm về thắp nhang cho ông. Thứ hai là trong công cuộc và gìn giữ giòng nhạc của quê hương Việt Nam mình, tôi đã rất nhiều lần đi thăm viếng những nhạc sĩ còn sống hay đã mất, đây là lần đầu tiên đến viếng nhạc sĩ Thăng Long nhưng tôi tin chắc đây cũng không phải là lần cuối cùng, tôi hứa sẽ sớm trở lại, không phải chỉ một mình tôi mà rất nhiều người bạn khác, những người yêu nhạc mến đàn, những người yêu quý giòng nhạc của Nhạc Sĩ Thăng Long, tôi sẽ là nhịp cầu nối hay người mở đường để giúp nhạc sĩ Thăng Long sẽ không còn cảm thấy côi cút như chính cuộc đời của ông vậy.

Sau đi viếng và đốt nhang cho nhạc sĩ Thăng Long xong, tôi được anh Thón mời về nhà uống nước, cũng như trò chuyện, được biết từ anh, thời gian đầu về đây, nhạc sĩ Thăng Long tiếp tục với nghề sửa dù, nhưng sau đó giá dù rẻ quá người ta chỉ mua mới chứ không sửa nữa, cho nên nhạc sĩ Thăng Long mới chuyển qua nghề bán vé số. Ông thật sự khó khăn đến nỗi không có tiền lấy vé số từ đại lý, mà ông chỉ năng nỉ từ một người bạn bán vé số ở gần nhà chia lại cho 10 tờ vé số bán hằng ngày, sau khi bán xong mười tờ vé số đó thì nếu còn sức ông sẽ đến mượn tiếp 10 tờ vé số từ người bạn đó để tiếp tục bán. Tiền lời hằng ngày chỉ có mấy chục ngàn, ông để dành trang trãi vào việc đi chợ cơm nước mỗi ngày.

Anh Thón cũng nói thêm lúc trước khi qua đời thì nhạc sĩ Thanh Sơn có đến thăm nhạc sĩ Thăng Long 2 lần, 1 lần là trong chuyến đi quay DVD của Thúy Nga. Ngoài ra thì Vinh Sử trong một lần đi thăm mẹ Nam Hải và Cha Diệp ở Bạc Liêu cũng đã đến thăm nhạc sĩ Thăng Long, ông Vinh Sử có mua 2 con cua và khi đến hai ông ngồi nói chuyện và lấy 2 con cua đó làm mồi lai rai, lúc đó anh Thón vừa đi làm về, được NS Thăng Long rủ vào tham gia bữa lai rai nên anh nhớ rất rõ.

Anh Thón trong khi ngồi tiếp chuyện cùng chúng tôi.

Được biết lúc sinh thời, những người con của nhạc sĩ Thăng Long cũng có hiếu với cha mình, nhưng cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên sự báo hiếu cũng chẳng được toàn vẹn. Khi ông mất, người con gái của NS Thăng Long khi ấy đang ở HongKong có trở về làm đám cho cha rất đàng hoàng và trang trọng. Sự qua đời của nhạc sĩ Thăng Long cũng rất được những người trong xóm thương tiếc vì họ rất quý mến nhạc sĩ Thăng Long.

Sau khoảng nửa tiếng trò chuyện cùng anh Thón, chúng tôi xin phép ra về, không quên dặn dò và thăm hỏi anh cũng như gửi anh chút tấm lòng vì đã quá nhiệt tình với chúng tôi. Trên đường đi bộ ra xe ở đầu hẻm, tôi rất lấy làm vui và cảm nhận trong lòng tôi đang tràn ngập yêu thương.

Nhạc sĩ Thăng Long
Con đường vào khu mộ nhạc sĩ Thăng Long
Con đường vào khu mộ nhạc sĩ Thăng Long

Các bạn có thể xem video về chuyến đi ở đưới đây :

Phúc Ben.

1 bình luận
  1. […] Câu Chuyện Đi Sóc Trăng Tìm Lại Nhạc Sĩ Thăng Long Tác… […]

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.