Cảm Nhận Ca Khúc “Lúa Mùa Duyên Thắm” Của Nhạc Sĩ Trịnh Hưng

0 4.044

Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cày xới.

Mừng đêm nay bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Nhịp hò quan cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Hò hò khoan rằng chúng em là gái sông Cửu Long
Cày cấy mong mùa tốt cho nhiều bông
Gạo trắng trong mà nên duyên mặn nồng.

Đây dòng Cửu Long lúa về mát lòng nhà nông
Vui đời no ấm lúa mùa mến người lập công
Lúa thắm vàng đầy đồng, người sống với tình mặn nồng
Như cùng nhau xây tình yêu sông núi, tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi.

Kìa trăng soi bông lúa vàng gió reo vui miền Nam
Đồng mênh mang cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê
Người sống vui tình thắm vương hồn quê
Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề!

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, là nỗi ám ảnh của bao người con xa làng quê, mà lòng không mấy nguôi quên về miền quê thời thơ ấu, nơi còn đó người mẹ già một nắng hai sương và bát cơm nặng tình củ khoai, hạt lúa. Tự bao đời lúa là sức sống của dân tộc ta, một bước ra khỏi nhà là gặp lúa, mắt nhìn đâu cũng gặp lúa. Hơi thở đầy hương lúa, ngủ nghe lúa reo, mơ thấy lúa và khi nằm xuống cũng ở bên ruộng lúa để được nhạc đồng quê ru giấc nghìn thu giữa hương lúa.

Người nông phu đã đứng và lúa đã mọc tự bao đời trên đồng ruộng Việt Nam. Ta cũng chỉ có thể nghe những câu hò, câu hát, cánh diều bay cao… trên đồng lúa mà thôi. Hay đi khắp các miền quê có lẽ hình ảnh đẹp nhất chính là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Cây lúa có từ bao giờ? Sẽ không ai trả lời được, còn người nông phu không có lúa thì sẽ không thành người nông phu. Vì thế hình ảnh cây lúa trở nên gần gũi, quen thuộc và có ích với cuộc sống con người Việt Nam. Cây lúa gắn bó gần gũi với người nông dân, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc bao đời nay cho dân ta.

Với nhạc sĩ Trịnh Hưng, ông có một tình yêu đặc biệt tha thiết với làng quê, con người vùng quê miền Nam. Ông từng nói chỉ có tình quê hương là mãi trong trẻo, mắc nợ, vì quê hương không phản bội ai bao giờ. Ông sáng tác rất nhiều ca khúc ca ngợi làng quê Việt Nam, con người thôn quê. Và tất nhiên sáng tác của ông, không thể nào thiếu nét đẹp của nông thôn Việt Nam đó là cây lúa, với những cánh đồng lúa xinh tươi, cùng nhịp sống tình cảm của con người thông qua hình ảnh gắn bó với cây lúa mang lại qua ca khúc: “Lúa Mùa Duyên Thắm”.

Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hạt lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cày xới.

Mở đầu bài hát là không khí vui tươi nhộn nhịp của buổi chiều tà nơi chốn làng thôn, có ánh trăng buông lơi cùng tiếng chày giã gạo. Có tiếng hát reo mừng cho mùa gặt mới. Những hạt lúa thơm hôm nay là thành quả của bao giọt mồ hôi đã thấm, những con người bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm sương dãi nắng ra sức cày xới, gieo trồng để có từng hạt lúa thơm.

Mừng đêm nay bông lúa vàng thắm tươi vui miền Nam
Nhịp hò quan cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Hò hò khoan rằng chúng em là gái sông Cửu Long
Cày cấy mong mùa tốt cho nhiều bông
Gạo trắng trong mà nên duyên mặn nồng.

Hình ảnh thanh bình nơi chốn làng quê miền Nam, say sưa, vui tươi trong mùa gặt lúa. Để có được mùa bội thu, những bông lúa vàng đầy đồng là công sức lao động của bao người nông dày công chăm sóc ròng rã nhiều tháng dài. Tuy lao động mệt nhọc nhưng sự lạc quan, yêu đời của người nông dân đã được cất lên thông qua những câu hò, điệu hát trao duyên của những cô gái, chàng trai khi hăng say cài cấy. Cây lúa đã giúp cho bao cặp trai gái nên duyên nên nợ, gạo trắng trong cho duyên đôi ta thêm mặn nồng.

Đây dòng Cửu Long lúa về mát lòng nhà nông
Vui đời no ấm lúa mùa mến người lập công
Lúa thắm vàng đầy đồng, người sống với tình mặn nồng
Như cùng nhau xây tình yêu sông núi, tô màu cho nước Việt ngày thêm tươi.

Hình ảnh được mùa bội thu, trúng lúa của bà con nông dân, những chiếc thuyền ghe chở đầy khoang lúa, dập dìu, tấp nập trên dòng sông Cửu Long quê tôi làm mát lòng nhà nông. Cây lúa mang đến cho người nông dân một cuộc sống vui tươi, yêu đời, sống một cuộc sống ấm no, sung túc đủ đầy, gia đình thêm hạnh phúc, nghĩa tình thêm mặn nồng. Góp phần xây dựng non nước Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Kìa trăng soi bông lúa vàng gió reo vui miền Nam
Đồng mênh mang cô gái ngoan hát vang lên dịu dàng
Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê
Người sống vui tình thắm vương hồn quê
Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề!

Đó là một tình cảm đặc biệt của người nhạc sĩ dành cho mãnh đất và con người miền Nam. Ánh trăng biểu tượng của sự thanh bình, êm ả vốn chỉ có ở nông thôn, làng quê thời bình ngày xưa. Ánh trăng soi sáng những bông lúa vàng theo tiếng gió xào xạc, ôi những cánh đồng lúa vàng đầy đồng miền Nam thân yêu. Tác giả nhằm ca ngợi và muốn giới thiệu với mọi người về một miền Nam giàu có những cánh đồng lúa bạc ngàn, có những cô gái ngoan hiền xinh xắn cất tiếng hát vui tươi ngoài đồng ruộng. Và “Này ai ơi miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê/ Người quê tôi vui tình thắm vương hồn quê”. Rằng quê tôi ruộng lúa bao la, trù phú, người quê tôi lại giàu tình thương, yêu mến, lòng nhân hậu, càng làm vấn vương bao tâm hồn người con xa nhà và lữ khách dừng chân mà không nỡ rời xa, để rồi “Gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề”.

Mỹ Trường.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.