Đường xưa lối cũ, Có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ, Có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi
Đường xưa lối cũ, Có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ, Có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai.
Ngày đó, vào cuối thập niên 1970. Nhà tôi ở vùng Linh Xuân Thôn, Thủ Đức. Tuy nhà tôi không có “bóng tre che thôn nghèo”, nhưng nhà tôi có một con hẻm rất xinh với một hàng rào hoa dâm bụt đỏ rực. Tôi nhớ rất rõ, cứ chiều chiều ba tôi ôm đàn guitar ra trước nhà ngồi dạo và hát những bài nổi tiếng ngày xưa, nhất là bài Đường Xưa Lối Cũ. Thời đấy, nhà tôi nuôi gà, nuôi heo cho nên kinh tế cũng không đến nỗi khó khăn so với tình hình chung thời đó. Với kinh nghiệm của một cựu sĩ quan về hưu, cho nên ba tôi biết nhìn xa trông rộng. Vào những tháng cuối trước biến cố 30/4, ba tôi đã kịp chôn giấu rất nhiều thuốc cho gia súc cũng như cám trong vườn nhà để dành sài dần.
Kinh tế gia đình cũng tạm ổn cho nên anh em tôi cũng được đến trường đầy đủ hơn so với những người bạn cùng trang lứa. Năm đó tôi học lớp 9, thật tình mà nói thì tôi học cũng chẳng giỏi, hầu như các năm chỉ đủ điểm đậu mà thôi. Mà lại còn sanh tật hút thuốc, ham chơi, đá gà, bida, đánh lộn …. Khoảng giữa năm lớp 9 ba tôi có nói với tôi rằng :
– “Nếu con cố gắng lên được lớp 10, ba sẽ mua cho con chiếc xe đạp đi học.”
Vào thời này, có được một chiếc xe nhật đi học là oách lắm, tôi thật ra cũng đã có chút cố gắng để kỳ thi chuyển cấp đến, tôi có một kết quả thật tốt. Ngày có điểm thi, tôi tàn tàn dạo bước đến trường, gặp một đám bạn đang uống café ở một quán gần cổng trường, chúng nó vẫy tôi vào, tôi liền nhào vô nhập bọn. Cảm thấy không có gì phải vội vàng nên tôi tiếp tục đi đánh bida với cả đám, lúc gần tàn cuộc, có một thằng chạy đi coi điểm về ngang la lớn :
– “Đám tụi mình chỉ có thằng Thọ, Triều, và Tâm đậu thôi, cả đám rớt hết rồi”. Tôi hỏi thêm nó :
– “Mày thấy có tên Hùng trong danh sách đậu không”. (Hùng là tên của tôi). Thằng đó suy nghĩ một hồi rồi nói.
– “Có hình như tao nhớ trong danh sách có một thằng tên Hùng đậu khá cao”.
Tôi mừng rỡ la làng lên, chắc chắn là tôi rồi, vì tôi đã ôn bài học bài rất kỹ mà. Tôi chạy ngay về nhà báo cho ba tôi biết, chiều hôm ấy, ba tôi lấy honda chở tôi vào Chợ Lớn và tậu cho tôi chiếc xe đạp như lời ông đã hứa. Có xe đạp, ngay hôm sau tôi chạy đi khoe bạn bè. Một thằng gần nhà nhưng học khác lớp mỉa mai :
– “Thi rớt mà cũng có xe đạp nửa hả ?” Tôi đáp lại :
– Cái gì rớt ? Trong danh sách có Hùng, là tên tao mà.
Nó cười chọc quê.
– Thôi đi ông nội, thằng đó là Đ… Quốc Hùng, còn mày là B… Quốc Hùng mà.
Thôi rồi, thằng coi điểm hôm hôm trước mắt nhắm mắt mở coi thế nào mà nhìn lộn tên tôi. Bản thân tôi cũng xớn xác, không chịu đến trường coi cho kỹ mà tin tưởng vào lời của thằng bạn. Tôi trởi về nhà trong lòng đầy lo lắng, ba tôi người gốc Huế, ông rất khó tính và có phần hơi gia trưởng. Ba tôi mà biết việc này chắc ổng đánh tôi nhừ xương.
Và vài hôm sau, trong một lần chở mạ tôi đi chợ, ổng có ghé ngang trường, một phần là để cám ơn thầy tôi, một phần là hỏi hồ sơ thủ tục chuyển trường cho tôi. Khi biết được sự thật ba tôi về nổi trận lôi đình, đánh tôi một trận tơi bời. Thiệt là, ổng nghĩ tôi nói xạo để có xe đạp, cho nên ổng đánh tội thi rớt thì ít mà tội nói xạo thì nhiều. Thật lòng tôi có cố tình đâu mà …..
Ít hôm sau, ba tôi vẫn chưa thèm nhìn mặt tôi, trong suy nghĩ của một thằng mới 14, 15 tuổi thì tôi cũng chưa biết phải làm sao cả. Trưa hôm đó, mạ tôi nhờ tôi lấy xe đạp chở bả ra chợ Thủ Đức mua ít đồ. Tôi nhận lời ngay vì sớ rớ ở nhà có khi lại ăn đòn oan mạng với ba tôi. Tới chợ Thủ Đức, bỏ mạ tôi xuống ngay cổng, tôi đi tới một quán café gần đó ngồi uống nước đợi mạ tôi. Sau khi kêu một ly café và vài điếu thuốc, thôi cảm thấy trong lòng đỡ căng thẳng, nhẹ nhàng được một tí. Thôi thì nếu học không nổi, thì đi nghĩa vụ quân sự cho rồi. Đang miên mang suy nghĩ thì tôi nhìn thấy ở một bàn gần đó, có một đám người đang tụ tập đánh cờ tướng, tôi cũng rất khoái bộ môn này nên liền nhào tới xem. Tôi say mê xem đến quên cả trời đất, cho tới khi mạ tôi tới khều vai tôi bảo rằng :
– “Mày ở đây làm nãy giờ tao kiếm quá chừng, xe mày đâu, chở tao với đồ về nè”. Tôi quay ra càu nhàu :
– “Thì nắng quá mạ cũng phải cho con vào đây uống nước đợi mạ cho đỡ nắng chớ. Thôi lên xe con chở về”.
Nhưng tôi tá hỏa vì chiếc xe đạp mà ba tôi mới mua đã không cánh mà bay. Thôi rồi, vì nãy giờ mãi mê với bàn cờ tướng, cho nên quên mất chiếc xe đạp đang dựng lẻ loi bên lề đường không ai trông coi. Phen này tiêu chắc rồi, kiểu này tội chồng tội tôi khó sống với ba tôi. Tôi quay sang mếu máo với mạ tôi một câu rồi chạy đi :
– “Mạ kêu xe ôm chở đồ về trước con đi kiếm chiếc xe đạp đã, không thôi về ba đánh con nhừ đòn”.
Mạ tôi thở dài, bà nói ráng mà kiếm cho ra, không thì cả nhà không yên với ba mày đâu. Tôi chạy vòng vòng khu chợ Thủ Đức, chạy tới mấy tiệm mua bán xe đạp hỏi, cũng chả ai biết hay thấy chiếc xe đạp của tôi đâu cả. Kiếm cả buổi chiều mà chẳng thấy đâu, nghĩ trong đầu thôi kiểu này về nhà chắc tiêu mất. Tôi liền đi bộ ra xa lộ Biên Hòa, đón xe về Trảng Bom, về nhà cô tôi lánh mặt ba một thời gian. Ít bữa tôi sẽ nhờ cô tôi vào năn nỉ ba một tiếng, vì ba rất thương chị mình.
Nhưng không ngờ, chưa đầu một năm sau đó, ba tôi qua đời sau một cơn tai biến. Tôi ở xa nhà không được hay tin, và phải nửa năm sau nữa. Trong một lần gặp lại vài người bà con từ Sài Gòn lên Trảng Bom chơi, tôi mới được biết ba tôi đã qua đời. Khi về nhà, tôi được nghe mấy đứa em kể lại, là sau ngày tôi bỏ nhà đi, chiều chiều ba thường hay ngồi trước nhà nhìn ra đường ngóng chờ gì đó, chắc là chờ tôi về. Có đêm ba không ngủ, ra thềm ba hút thuốc, mạ hỏi thì trả lời ngắn gọn :
– Chờ thằng Hùng về.
Đường xưa lối cũ, Có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ, Nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con.
Tôi ân hận vô cùng về hành động của mình, để rồi khi ba lìa xa thế gian, tôi đã không ở bên cạnh nhìn mặt ba lần cuối. Tội bất hiếu này đến bây giờ tôi chỉ biết mang trong lòng và cầu mong rằng ở nơi phương xa nào đó, ba sẽ tha thứ cho tôi.
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.
Minh Hùng – DongNhacVang