Nhạc Sĩ Trúc Phương – Người Thầy Hụt Của Tôi

0 4.413

Năm Đệ Lục, sau khi ăn Tết xong, trở lại trường thì Dung đến rủ Hoa, Hạnh và tôi đi học nhạc với nhạc sĩ Trúc Phương. Dung bảo nhà của Trúc Phương gần trường của chúng tôi, đi bộ khoảng 15 phút là tới. Nếu muốn học thì ngày Thứ Ba được nghỉ hai giờ sau mỗi tuần sẽ đi bộ đến nhà Trúc Phương để học. Mỗi tuần học khoảng 1 giờ, mỗi tháng đóng tiền học là bao nhiêu đó (vài trăm, tôi không nhớ rõ).

Mấy đứa kia hỏi ngay học nhạc để làm gì, Dung bảo luyện hát để làm ca sĩ. Thế là chúng nó nhao nhao lên hưởng ứng ngay. Riêng tôi, tôi thấy trong đám chỉ có Dung là có giọng hát có thể làm ca sĩ vì kỳ văn nghệ tất niên vừa qua nó có lên hát giúp vui và ai cũng nhận thấy nó hát hay. Nó có giọng trầm ấm nhưng hơi yếu, hát nhỏ, phải ngồi gần mới nghe thấy rõ tiếng nó hát. Nếu nó đi học hát để luyện giọng thì chắc sẽ hát mạnh hơn, nghe hay hơn. Còn mấy đứa kia chẳng đứa nào có giọng đặc biệt, không biết sau khi luyện ca một thời gian có đổi được ra giọng truyền cảm không, tôi nghi ngờ lắm. Tôi hỏi ngay Dung:

– Hát không hay mà cũng luyện giọng thành ca sĩ được sao?

Dung trả lời không lưỡng lự:

– Thì nhạc sĩ Trúc Phương luyện cho một thời gian sẽ hát hay ra. Mày muốn đi học không, đi chung cho vui?
Tôi vẫn không tin nổi hát dở cũng luyện thành ca sĩ được, nhưng chẳng biết nói sao với nó. Tuy nhiên tôi nghe đến tên của nhạc sĩ Trúc Phương là đã háo hức muốn được làm học trò của ông.

Tôi biết nhạc sĩ Trúc Phương trong khoảng thời gian vừa lên bốn tuổi. Tôi nhớ năm đó bố tôi đang làm thông ngôn cho hãng OKI của Nhật, hãng này đang bắc đường dây điện thoại cho thành Cộng Hòa nên đem qua khoảng mười ông chuyên viên điện thoại. Hợp đồng một năm sẽ hoàn tất đường dây điện thoại cho thành Cộng Hòa. Hãng OKI mướn bố tôi làm thông ngôn cho mấy ông chuyên viên này, đồng thời cũng mướn mẹ tôi phụ trách nấu ăn cho họ. Dĩ nhiên là hợp đồng cũng chỉ một năm thôi.

Hãng OKI cũng thuê hai căn nhà lầu ở Đa Kao để làm chỗ ở cho các ông Nhật này. Bố mẹ tôi và hai chị em tôi cũng ở đây. Mẹ tôi phải ra chợ Bến Thành thuê ba bà về phụ việc nấu ăn, giặt quần áo và dọn dẹp nhà cửa, và một bà vú để trông hai chị em tôi.

Mỗi chiều khi các ông Nhật tan sở về, tôi hay chạy ra đón và nắm tay ông Xếp, là người lớn tuổi nhất, cũng là xếp của các ông Nhật trẻ. Ông có tên Nhật của ông, nhưng mẹ và mọi người trong nhà đều gọi ông là “Ông Xếp”. Ông Xếp hay xoa đầu tôi khen ngoan.

Trước giờ ăn tối, các ông hay ngồi quây quần ở bàn ăn để nói chuyện, hát vài bài dân ca của Nhật chung với nhau. Lúc này tôi vừa khoảng hơn bốn tuổi, thấy mấy ông đi làm về nhà cửa vui hẳn ra vì có tiếng cười nói của đông người. Ông xếp hay bế tôi đặt ngồi trên đùi của ông và nắm tay tôi vỗ theo khi các ông cùng hát. Các ông trẻ kia cũng tập cho tôi hát theo với họ, tôi còn bé nên họ dạy tiếng Nhật thế nào tôi hát theo thế nấy. Thấy tôi hát theo được vài câu họ vỗ tay tán thưởng làm tôi hứng khởi vô cùng.

Bố tôi có thói quen hay bật đài phát thanh Sài Gòn lên nghe mỗi khi đi làm về, vì thế khi tiếng hát của cô Thúy Nga vang lên với nhạc phẩm Đò Chiều của Trúc Phương, các ông Nhật đều yên lặng ngay tức khắc để lắng nghe. Họ nghe một cách chăm chú dù chẳng hiểu gì. Bởi vì họ im lặng lắng nghe nên tôi cũng phải ngồi yên và lắng nghe theo. Khi bản nhạc chấm dứt, các ông đều tấm tắc khen và nói rằng dù không hiểu lời ca, nhưng giọng hát của cô Thúy Nga quá đặc biệt, quá ấm nồng, bay bổng và rất ư truyền cảm, giọng của cô không kém gì các ca sĩ có tầm vóc quốc tế. Rất tiếc lúc đó chưa có đài truyền hình nên chẳng ai biết mặt cô Thúy Nga ra sao. Được ít lâu sau chẳng còn nghe thấy tiếng hát của cô Thúy Nga trên làn sóng điện nữa. Chẳng biết nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cưới cô về làm nội tướng hay làm “chị nuôi” mà không cho cô đi hát nữa. Giới nghe nhạc mất đi một giọng ca truyền cảm đặc biệt, hiếm và quý. Nhạc sĩ Trúc Phương mất đi một ca sĩ trình bày nhạc của mình đạt đến cực điểm của bản nhạc.

Cũng may sau đó có Thanh Thúy xuất hiện, giọng ca trầm ấm và nghèn nghẹn của cô cũng rất thích hợp với loại nhạc Bolero mùi mẫn của Trúc Phương. Từ đó Trúc Phương giao cho Thanh Thúy thâu đĩa những bản nhạc mới của ông.

Từ trái: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ca sĩ Thúy Nga, ca sĩ Thanh Thúy, Băng Châu, Lynda Nghĩa… chụp tháng 7 năm 1993

Còn Thúy Nga sau tết Mậu Thân 1968 có trở lại hát cho chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trên đài truyền hình số 9 và trên sân khấu phòng trà Maxim do ông điều khiển. Các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn đều bị đóng cửa trong thời gian bị Việt Cộng tấn công Tết Mậu Thân. Sau khi chánh phủ cho phép các phòng trà mở cửa trở lại, có lẽ vì biết khả năng thương mại của phòng trà trong lúc này chưa phục hồi hẳn nên nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đành để cho vợ là ca sĩ Thúy Nga hát trong các chương trình của mình để thu hút khách ái mộ cô từ xưa. Ông quảng cáo trên các trang nhật báo đại khái như thế này “Sau một thời gian dài vắng bóng, ca sĩ Thúy Nga sẽ trở lại với quý vị ái mộ cô trên sân khấu Maxim do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ điều khiển”. Thời kỳ này ông cũng tung ra hai bản nhạc mới cho cô Thúy Nga thâu đĩa và hát trên đài truyền hình. Tôi nhớ nếu không lầm đó là bài “Chủ Nhật Xám” và “Một Lần Cuối”. Lúc bấy giờ tôi mới biết mặt cô Thúy Nga. Trông cô đẹp kín đáo, lịch sự. Rất tiếc cô Thúy Nga và gia đình không để lại giọng ca của cô trên Youtube các bản nhạc mà cô đã thâu đĩa trước 1975, nhất là bản Đò Chiều của Trúc Phương.

Trở lại thời gian của bản Đò Chiều 1959, tuy năm đó tôi còn bé lắm, mới hơn bốn tuổi, không hiểu lời ca, nhưng giai điệu của bản Đò Chiều và giọng ca của cô Thúy Nga cứ in sâu mãi trong ký ức của tôi. Cả cái cụm từ “Nhạc sĩ Trúc Phương” cũng ăn sâu trong trí nhớ. Những năm sau đó, bất cứ bản nhạc nào của Trúc Phương được Thanh Thúy hát trên đài phát thanh tôi đều nghe say sưa. Vì thế cái tên “Trúc Phương” đối với tôi rất quen thuộc và rất gần gũi từ bé. Tôi có cảm tưởng như Trúc Phương đã là người nhà của tôi vậy.

Không ngờ cái Dung lại quen nhạc sĩ Trúc Phương, và cũng không ngờ nhạc sĩ lại ở ngay gần trường mình. Tôi nghĩ thầm nếu tôi theo chúng nó học nhạc với Trúc Phương, tôi sẽ có cơ hội gặp Trúc Phương và làm học trò của ông. Chao ơi! Nghĩ thế thôi tôi đã thấy hạnh phúc quá rồi. Tôi không có tham vọng làm ca sĩ vì hai lý do: thứ nhất tôi không có chất giọng để làm ca sĩ; thứ hai tôi rất nhát, rất sợ hát hò trước đám đông. Đứng trong lớp còn không dám hát, làm sao dám bước lên sân khấu?

Tôi gật đầu nhận lời của Dung. Cái Hạnh cũng hăng hái khuyên tôi về xin phép bố mẹ cho đi học hát với nó. Kết quả, đứa nào cũng được gia đình cho phép đi học nhạc để làm ca sĩ, trừ ra tôi.

Tôi đã hết lời năn nỉ mẹ mà bà luôn bảo tôi phải xin phép bố tôi, nếu bố cho phép thì mẹ mới đưa tiền cho tôi đóng tiền học. Tôi biết đây là cách mẹ phản đối, mẹ đẩy qua cho bố vì biết chắc chắn bố chẳng bao giờ cho. Tôi biết mẹ cũng thích nhạc của Trúc Phương qua giọng ca của cô Thúy Nga ngày xưa mà, tại sao không cho tôi học nhạc với ông ấy chứ? Mẹ bảo là không muốn tôi làm ca sĩ. Tôi kêu Trời, tôi có muốn làm ca sĩ bao giờ đâu, tôi chỉ muốn làm học trò của Trúc Phương thôi! Tôi khóc lóc năn nỉ mà mẹ cũng khăng khăng nói: “Phải hỏi bố”. Tôi thì sợ tiếng quát tháo của bố lắm nên chẳng dám mở miệng xin.

Đến hôm Thứ Ba, được nghỉ hai giờ sau, chúng nó đi với nhau đến nhà nhạc sĩ Trúc Phương, đứa nào cũng đem theo tiền để đóng tiền học. Tôi tủi thần vì phải đi về một mình. Cái Hạnh tội nghiệp tôi, nó rủ tôi đi theo cho biết nhà nhạc sĩ và có cơ hội gặp nhạc sĩ nữa. Tôi mừng quá gật đầu ngay.

Nhà của nhạc sĩ Trúc Phương ở trong một con hẻm nằm trên đường Trương Minh Giảng; đi bộ từ trường khoảng hơn 10 phút là đã đến. Căn nhà vừa mới xây lại, có cửa kính lớn chạy hết bề ngang mặt trước của căn nhà, tường ngoài làm theo kiểu đá mài. Bên trong nhà lót gạch bông mới toanh. Có một cái bàn dài kê ngay giữa phòng để làm bàn học. Tôi theo chúng nó bước vào nhưng không dám ngồi xuống. Nhạc sĩ Trúc Phương bước ra, chúng nó giời thiệu tôi cũng muốn học mà chưa xin được phép. Tôi chỉ gật đầu chào, miệng nói “Chào thầy” rồi bước ra cho chúng nó học. Nhạc sĩ quá lịch sự bước ra gọi tôi vào, ông nói:

– Vào nhà ngồi đi em!

Tôi cảm động trả lời:

– Không sao, em đứng ngoài chờ cho chúng nó học.

Trúc Phương cố nói vài lần nữa nhưng tôi vẫn không dám vào nhà. Tôi nhát đến độ nghĩ rằng không đem theo tiền đóng tiền học thì không nên vào. Để hôm nay về ráng can đảm xin phép bố tôi, nều bố tôi cho phép thì mẹ sẽ đưa tiền cho tôi. Tôi chờ khoảng một giờ thì chúng nó tan ra. Tôi theo Hạnh đi về. Tôi và Hạnh rất thân nhau, Thứ Ba nào nghỉ hai giờ sau cũng rủ nhau đi xe buýt ra chợ Bến Thành. Bây giờ nó đi học nhạc bỏ tôi đi về một mình nó cũng áy náy. Nó khích lệ tôi ráng lên, hôm nay về xin phép bố tôi xem bố tôi sẽ nói sao.

Từ trái qua phải: Nhạc sĩ Trúc Phương và vợ những năm đầu thập niên 70 ở Saigon. Cậu bé phía trước là Trúc Linh, con trai lớn của hai người, hiện là một nhạc sĩ guitar sống ở Cali.

Tôi về nhà kể cho mẹ nghe đã gặp nhạc sĩ Trúc Phương rồi, nhưng tôi không dám vào nhà vì không có tiền đóng học phí. Tôi năn nỉ mẹ cho tôi tiền mà không cần bá cáo với bố tôi làm gì, vì có Thứ Ba nào được nghỉ hai giờ sau mà tôi về thẳng nhà đâu. Đi chợ Bến Thành hay đến nhà nhạc sĩ Trúc Phương làm sao bố tôi biết được? Lúc nào tôi cũng về đến nhà trước khi bố đi làm về cơ mà. Nhưng mẹ tôi nhất quyết không nghe theo lời năn nỉ của tôi, bảo tôi phải xin phép bố. Tôi rất sợ bố, nhưng cũng phải liều một phen. Khi bố về, tôi mon men đến gần xin phép, tim tôi đập thình thịch. Tôi mở miệng:

– Con xin phép bố cho con đi học nhạc với nhạc sĩ Trúc Phương.

Bố tôi hỏi lại ngay:

– Học nhạc để làm gì?

Tôi líu ríu trả lời:

– Thì cái Hạnh với mấy đứa trong lớp con đi học nhạc, con cũng muốn đi theo cho vui.

Bố tôi quát lên:

– Cấm không được học nhạc gì hết, học chữ không lo, chỉ lo học nhảm nhí thôi.
Tôi giật bắn người trước tiếng quát của bố dù tôi đã đoán trước thế nào bố cũng quát lên. Tôi lui ngay ra khỏi mặt ông, rút vào phòng nằm khóc. Tôi giận mẹ quá chừng vì mẹ xúi cho tôi bị bố quát tháo. Nhìn nét mặt dữ dằn của bố và nghe tiếng hét của ông tôi bị ám ảnh rất nhiều ngày. Tôi giận mẹ hơn một ngày, mẹ hỏi gì tôi cũng không trả lời.

Những ngày Thứ Ba được nghỉ hai giờ sau, cái Dung, cái Hạnh, cái Hoa, hai đứa nữa và người chị họ của Hạnh ở Gò Vấp cũng lên để đi học nhạc Trúc Phương. Tôi lủi thủi lên xe ô tô buýt vàng một mình để ra chợ Bến Thành vì tôi chẳng muốn về nhà. Tôi muốn cho mẹ biết rằng dù không được đến lớp nhạc của Trúc Phương tôi cũng không về nhà sớm hơn đâu. Tôi hay vào nhà sách Khai Trí để lựa sách. Lúc đó tôi chỉ biết lựa sách của Tự Lực Văn Đoàn hay của những nhà văn tiền chiến mà thôi, ngoài ra những tập thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lưu hay những tập thơ đương thời của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương cũng đập vào mắt tôi. Mỗi tuần tôi mua vài quyển sách đem về. Tôi và Hạnh tình cờ “khám phá” ra nhà sách Khai Trí khi lần đầu đi bộ từ chợ Bến Thành ra đường Lê Lợi, vừa đi vừa để ý tên các cửa tiệm để nhớ đường trở về bến xe ô tô buýt vàng ở đường Thủ Khoa Huân. Khi đọc được bảng hiệu “Nhà Sách Khai Trí” tôi với nó nhìn nhau sung sướng như vừa khám phá ra điều gì vĩ đại lắm. Chúng tôi bước vào tiệm sách và chìm lỉm trong rừng sách ở đó. Cái Hạnh hay đem về những bản nhạc do nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác và ký tặng cho nó. Nó bảo học trò nào cũng được Trúc Phương tặng cho những bản nhạc của ông. Vì ông dạy chúng nó hát những bản nhạc này. Tôi thấy chữ ký của Trúc Phương hơi kiểu cọ, chữ “P” ông viết thật to, có nhiều vòng tròn như trôn ốc. Tôi nghĩ thầm phải chi tôi là học trò của ông thì tôi cũng được ông ký tặng mấy bản nhạc của ông.
Nhưng không sao, từ khi lên đệ lục, tôi đã dám băng qua đường Võ Di Nguy một mình để mua bản nhạc. Sân trước của một căn nhà bên kia đường được một bà trung niên hay mặc một bộ bà ba màu đen thuê để bán những bản tân nhạc và những bài vọng cổ. Những bản nhạc thì bà treo trên những dây kẽm giăng ngang trên đầu, muốn kiếm bài nào thì phải ngửng cổ lên đọc, hơi khó. Vì thế bà hay hỏi: “Muốn bản nào nói tên tôi kiếm cho”.

Còn các bản vọng cổ bà bọc trong một cái bao nylon, chỉ khi nào có khách hỏi đến bà mới mở ra. Có lần tôi xin bà mở ra cho tôi xem, bà la lên: “Mở làm gì, cô không biết ca đâu mà mở ra coi”. Bà bán hàng này không nhẹ nhàng lịch sự với khách tí nào, bán hàng mà lúc nào cũng có vẻ dữ dằn quá. Nhưng tôi cũng vẫn khăng khăng muốn xem. Bà vừa mở bao ra, vừa cằn nhằn: “Coi lẹ lên cho tôi bọc lại”. Tôi cố ý kiếm và lôi ra vài bản mà ngày xưa cái Tâm dạy tôi hát rồi đưa cho bà tính tiền chung với mấy bản tân nhạc khác.

Qua nhiều ngày, nhiều tháng, tôi mua hầu hết những bản nhạc của Trúc Phương và của nhiều nhạc sĩ khác. Tôi nghe nhạc chẳng phân biệt tác giả, loại sang hay sến như người ta thường nói. Hễ bản nào nghe vào tai mà lọt được vào trong tim, trong lòng là tôi thích. Tôi cũng thích nhìn những tranh vẽ trên các bìa nhạc này nữa. Có bản tôi mua chỉ vì cái hình vẽ trên trang bìa.

Một hôm trong mục nhắn tin của đài truyền hình Việt Nam trên băng tần số 9, thấy có đăng hình con gái của nhạc sĩ Trúc Phương khoảng ba hay bốn tuổi, đang soi gương trong phòng tắm với lời nhắn tin cho vợ ông, tôi không nhớ rõ từng chữ, nhưng đại khái thế này: “Em và con đang ở đâu, anh xin em dẫn con trở về, anh mong chờ từng ngày”.

Vợ chồng nhạc sĩ Trúc Phương những ngày hạnh phúc

Tôi lại đâm lo cho nhạc sĩ có chuyện chẳng vui trong gia đình. Có lẽ thời đó đài truyền hình nhắn tin giùm nhạc sĩ miễn phí chăng? Vì đài truyền hình Sài Gòn thời đó không đăng quảng cáo, ngân quỹ do chánh phủ tài trợ.

Một hôm cái Hạnh vui mừng báo tin cho tôi hay nhạc sĩ Trúc Phương đã đặt tên ca sĩ (nghệ danh) cho học trò của mình, đứa nào cũng có cái họ “Thi Liễu”. Cái Hạnh là Thi Liễu Hạnh, cái Dung là Thi Liễu Dung, cái Hoa là Thi Liễu Hoa, chị họ nó là Thi Liễu Huyền v.v… Thế là lớp nhạc Nguyễn Đức cho ra các nàng họ “Phương” như Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc. Chỉ riêng những cô có giọng hát đặc biệt thì thầy Nguyễn Đức không bắt lấy họ này, như Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Lan. Lớp nhạc Tùng Lâm cho ra các nàng họ “Trang” như Trang Mỹ Dung, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến. Còn lớp của Trúc Phương cho ra các nàng họ “Thi Liễu”. Không hiểu sao trên Wikipedia thì ghi là “Thi Lệ Dung”, “Thi Lệ Huyền”. Từ khi đặt tên ca sĩ cho học trò xong, Trúc Phương ký tặng trên bản nhạc cho học trò Hạnh là “Tặng Thi Liễu Hạnh”. Như thế có lẽ ông cũng ký tặng cho các học trò khác bằng tên ca sĩ “Tặng Thi Liễu xxx”.
Thời gian này (khoảng 1967-1968) đài truyền hình Việt Nam cũng đang có chương trình tuyển lựa ca sĩ rất ăn khách. Sau khi học nhạc hơn nửa năm với thầy Trúc Phương, cái Dung được thầy ghi danh cho đi dự thi. Hôm nghe tin nó sẽ đi thi tuyển lựa ca sĩ, tôi mừng cho nó và đến dặn dò nó cẩn thận: “Mày nhớ hát cho lớn lên, nghe cho rõ ràng để giám khảo chấm điểm cho cao. Tao biết mày hát rất hay, mày có thể làm ca sĩ được”.
Tối hôm đó, tôi mở đài truyền hình ra xem mục tuyển lựa ca sĩ mà hồi hộp chờ đến lượt cái Dung. Có ba giám khảo, tôi chỉ còn nhớ một trong ba người này là nhạc sĩ Châu Kỳ. Khi người giới thiệu chương trình xướng tên thí sinh “Thi Liễu Dung sẽ trình bày ca khúc xxx của nhạc sĩ Trúc Phương” thì Dung bước lên. Nó mặc áo đầm, chẳng mặc áo dài như các ca sĩ hay hát nhạc Bolero, có lẽ vì nó còn nhỏ quá, mới 13 tuổi. Thì ra nhạc sĩ Trúc Phương đã ghi danh cho nó với cái tên “Thi Liễu Dung” để chuẩn bị cho nó làm ca sĩ đó chứ! Rất tiếc tôi không nhớ tên bản nhạc nó dự thi.

Thi Liễu Dung bước lên trước microphone cất tiếng hát, nhạc sĩ Trúc Phương ngồi phía dưới hàng ghế khán giả theo dõi. Dung hát khá vững vàng hết cả bài, đến khi nhạc dạo vừa dứt, nó vừa mở miệng ra định hát tiếp câu chót thì tự nhiên ngậm miệng lại, bỏ đi xuống. Mặt mày nó trông có vẻ đang giận dỗi.

Thi Liễu Dung trở về hàng ghế của khán giả, ngồi cạnh nhạc sĩ Trúc Phương. Nhạc sĩ có vẻ lúng túng, nói gì với nó mà tôi không nghe thấy vì không được đài truyền hình cho thâu thanh, nó thì lắc đầu lia lịa. Tôi đoán nó không thích bị thầy cho đi thi tuyển lựa ca sĩ. Thế là kỳ đó nó tự ý vào vòng loại. Một thời gian sau thì nó bỏ học nhạc với Trúc Phương.

Thanh Thúy hát nhạc của Trúc Phương cho đến khi đi lấy chồng năm 1964 là Trung Úy Không Quân Ôn Văn Tài thì bỏ hát khoảng năm hay sáu năm. Những sáng tác sau này của Trúc Phương giao cho những ca sĩ đã có tên tuổi thâu đĩa. Hai bản “24 Giờ Phép” và “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” ông giao cho Hoàng Oanh, bản “Kẻ Ở Miền Xa” ông giao cho Duy Khánh, bản “Thư Gửi Người Miền Xa” ông giao cho Trúc Ly, một ca sĩ của cục Tâm Lý Chiến có giọng ca cao lanh lảnh như cô Thanh Tuyền.

Chẳng nàng “Thi Liễu” nào được thầy Trúc Phương giao cho những bản nhạc thầy mới sáng tác để thâu đĩa. Nhưng Hạnh bạn tôi và mấy đứa kia còn học với Trúc Phương thêm gần hai năm nữa mới bỏ.

Có lẽ Trúc Phương mở lớp luyện ca chỉ mong gặp được một giọng ca đặc biệt như của Thúy Nga hay Thanh Thúy để ông có thể giao cho thâu đĩa và trình bày các nhạc phẩm của ông. Nhưng ông không có cơ duyên này. Cả miền Nam trước 1975 không có cơ hội biết đến các nàng “Thi Liễu” học trò của ông.

Mới đây, tôi gặp được một bà theo chồng qua Mỹ theo diện HO từ năm 1994. Bà kể khoảng năm 1980 khi bà đi bán cơm ở bến xe đò miền Đông, cứ vài ngày thì gặp nhạc sĩ Trúc Phương ra đó thuê chiếu ngủ. Ông hay mặc cái áo thun ba lỗ và cái quần mầu đen dài lỡ cỡ qua đầu gối, tay ông hay cầm tờ giấy trắng lật qua lật lại; ông hay im lặng nhìn người qua kẻ lại như đang quan sát. Cuối đời của nhạc sĩ Trúc Phương lâm vào cảnh vô gia cư như thế sao? Chế độ mới đã xô đẩy người nhạc sĩ này đến cùng tận.

Hôm nọ tôi gọi cho mẹ đang ở Toronto, Canada. Tôi hỏi mẹ còn nhớ ca sĩ Thúy Nga không. Mẹ nói ngay:

– Nhớ chứ, cô Thúy Nga có giọng hát như đàn ông nhưng hay vô cùng, mẹ chỉ thích mỗi cô Thúy Nga thôi, không thích ai khác. Tôi lại hỏi:

– Mẹ có còn nhớ Thúy Nga hát bài nào của Trúc Phương không? Mẹ trả lời:

– Bản Đò Chiều, có mấy câu mẹ còn nhớ “Một ngày nào nắng tắt trên đê, toán quân xưa trở về, màu chiến y phai rồi, người anh từ muôn lối, về mang niềm vui mới, đôi tay vun muôn hoa, hoa sắc Cộng Hòa”.

Đó là trí nhớ của một bà cụ đã 86 tuổi về cô ca sĩ Thúy Nga và bản Đò Chiều của Trúc Phương viết từ năm 1959. Mẹ còn bảo:

– Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ích kỷ quá, không cho vợ đi hát, làm cho nhiều người không được tiếp tục thưởng thức giọng ca của cô Thúy Nga. Uổng phí tài năng của cô.

Không biết nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có ích kỷ như mẹ tôi nghĩ không, nhưng dù sao là một nhạc sĩ, ông không nên ngăn cản một người có giọng ca hết sức lôi cuốn, hết sức đặc biệt như cô Thúy Nga tiếp tục ca hát cho mọi người thưởng thức, dù cô là vợ ông. Vì tiếng hát của cô Thúy Nga hay của bất cứ một cô ca sĩ có chất giọng đặc biệt nào là tiếng hát của cả nước, của đại chúng, không phải của riêng một ông chồng.

Giờ này thì hai vợ chồng Hoàng Thi Thơ và Thúy Nga đã ra người thiên cổ.

Ca sĩ Thanh Thúy tuổi đã cao, còn sống ở California, hy vọng cô sẽ cho chúng ta biết cơ duyên nào khiến nhạc sĩ Trúc Phương giao cho cô thâu đĩa những bản nhạc của ông. Hình như Thanh Thúy và Trúc Phương đã từng học nhạc chung với nhạc sĩ Trịnh Hưng từ năm 1956? Có phải vì gặp nhau ở lớp nhạc Trịnh Hưng mà Trúc Phương khám phá ra tiếng hát Thanh Thúy?

Riêng tôi, một người học trò hụt của Trúc Phương, không có tham vọng mang cái họ “Thi Liễu”, nhưng luôn cảm thấy ông là một phần kỷ niệm của tôi, xin viết lại đây đôi dòng để tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc đến Trúc Phương cùng lòng biết ơn ông đã để lại cho hậu thế những bản tình ca tuyệt vời và những bản nhạc Lính bất tử. Những bản nhạc tình của ông có lời ca mà như những bài thơ, những bài thơ rất buồn.

Trương Thức Thái An
(20/2/2017)

(Trích bài viết của Trương Thức Thái An đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 107 phát hành ngày 24 tháng 2 năm 2017)

Nhạc sĩ Trúc Phương chụp năm 1993, chỉ 2 năm sau ông từ trần

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.