Cảm Nhận Về Ca Khúc “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi” Của Nhạc Sĩ Tuấn Khanh Và Hoài Linh

0 10.383

Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi là một sáng tác được hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hoài Linh. Bài hát diễn tả tâm trạng của chàng trai khi phải trải qua nỗi đau tiễn bước người con gái mình yêu theo chồng, và ngay sau đó lại phải một lần nữa tiễn đưa người bạn thân lên đường đi tòng chinh. Bao nhiêu cảm xúc đau buồn được dồn nén trong dòng tâm tư của người ở lại sau hai lần tiễn biệt, đã được nhạc sĩ khắc họa rất rõ nét qua tiếng nhạc lời ca.

Tôi đưa người đi bước chân hoa mộng vào đời.
Một chiều nhẹ mưa mây thành u buồn giăng lối
Pháo vương trên đường dài
Mắt em xanh màu trời hết rồi ngày mai ơi!

Khi yêu nghe mộng đẹp trong vòng tay
Có mấy ai ngờ chiều nay là đây?
Cánh buồm theo lái, những kỷ niệm buông trôi
Nói chi lần cuối.

Mở đầu bài hát là nỗi đau khổ khi tiễn chân người yêu bước vào bến hoa mộng của cuộc đời. Khi xác pháo vương khắp trên đường dài, mắt em ánh ngời lên niềm vui xanh màu trời hy vọng trong ngày vui của người con gái. Nhưng em có hay chăng có một người đang tan nát cõi lòng, như cơn bão lòng nổi dậy trong “một chiều nhẹ mưa mây thành u buồn giăng lối”. Vì “hết rồi ngày mai” khi em vui bên người, còn tôi là những ngày u tối khi chỉ biết ôm “những kỷ niệm buông trôi” theo dòng đời khi hai ta đã không còn chung bước, không cùng lối đi.

Khi yêu, tình yêu ôm mộng đẹp biết bao với bao hạnh phúc và mong ước về một ngày mai có nhau trong vòng tay. Nhưng “Có mấy ai ngờ chiều nay là đây” mưa mây thành u buồn giăng lối vì khi bao mộng ước nay cũng tan tành khi “Cánh buồm theo lái”. Một khung cảnh đầy chua xót, có ai mà không mủi lòng khi nhìn cảnh tượng một người tiễn bước một người, nhất là hình ảnh tiễn người yêu đi lấy chồng, một người thẫn thờ đưa mắt trông theo.

Hôm nay bạn đi gót chân theo nhịp dạ hành.
Tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh.
Đã phân ly một lần, tiễn anh thêm một lần
Áo đẹp màu chinh nhân.

Tôi anh đôi bạn đường ta dìu nhau
Anh đi tôi ở mình vui được sao?
Tiễn người yêu trước đến giờ bạn đi sau
Gãy thêm nhịp cầu.

Chua xót chưa dần lại ở đó, khi vừa tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, thì cũng vào hôm ấy chàng trai lại phải đối diện sự chia ly lần hai, khi đưa tiễn người bạn thân khoác trên mình màu áo lính lên đường tòng chinh khi “Tuổi đời vừa xinh như nụ hoa nở thêm cánh”.

Nỗi lòng của người ở lại, khi người yêu đi lấy chồng, người bạn thân cũng ra đi về vùng chiến địa không biết khi nào được tái ngộ vì mấy ai đi chinh chiến mà hẹn trước được ngày về. Trong một thời gian ngắn thôi nhưng có đến hai lần chia ly thì nói sao cho thấu hết nỗi lòng của người đi tiễn đưa.

Khi đưa tiễn người yêu về bến hoa mộng khác thì chàng trai chỉ có thể lẳng lặng mà nhìn trông theo mà thôi, còn khi tiễn đưa với người bạn thân, chàng trai thể hiện sự thân thiết đầy luyến lưu qua hình ảnh đôi bạn đường ta dìu nhau, khoảnh khắc chia xa “Anh đi tôi ở” thì làm sao vui cho được.

Không gian tuy bao la mà đầy trời mây.
Tâm tư khi duyên không tròn tìm nào thấy!
Lối đi hôm nay hứa hẹn tràn đầy
Thế mà đời mình chỉ như bóng mây

Lầu không trăng soi tình xưa khôn nguôi
Và trong tương lai là cơn gió trôi.

Cùng một lúc chàng trai đã phải chịu đựng cả hai nổi đau trong một buổi chiều tiễn đưa ấy, chính vì thế mà chàng trai thấy “đời mình chỉ như bóng mây” mặc cho cơn gió cuốn trôi giữa không trời bao la rộng lớn mà thôi.

Đôi khi chợt nghe tiếng tâm tư vọng nẽo về
Ngược dòng thời gian đưa hồn đi tìm quá khứ
Lúc môi không còn mềm, giấc mơ không nẽo tìm
Bóng ngã chiều hoang tím.

Và đôi khi chợt nghe trong tâm tư vọng nẽo về để ngược dòng thời gian mà tìm về quá khứ tươi đẹp, lúc cuộc đời chưa bị úa màu.

Nghe hơi sương lạnh chỉ e trời mưa.
Tay ôm kỷ niệm buồn ghi vào thơ.
Kiếp mình là bến tiễn đoàn tàu trong đêm,
Bến hoang im lìm.

Và rồi giữa cái hơi sương lạnh giá của đêm buồn đã đánh thức dòng suy tư, bao kỷ niệm được ghi chép vào thơ của chàng trai. Để rồi phũ phàng mà nhận ra “Kiếp mình là bến tiễn đoàn tàu trong đêm”. Nhưng đớn đau thay khi đoàn tàu chỉ ghé bến một lần duy nhất và rồi không hẹn ngày quay lại mà thành “bến hoang im lìm”. Chàng trai buồn thương cho số phần của mình giống như bến để tiễn đưa đoàn tàu rời đi.

Mỹ Hương.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.