Về Ca Khúc : “Tía Em Hừng Đông Đi Cày Bừa …..”

0 8.842

Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em cũng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la

Những đêm trời trăng lên tròn tròn
Gió đưa ngàn cây nghe xạc xào
Chúng em cùng họp đoàn vui chơi
Chúng em cùng họp đoàn vui ca
Trong ánh trăng ngà lung linh

Ngày mùa về nơi nơi
Ðồng vàng đầy thênh thang
Chúng em cùng vui múa hát trên đồng lúa

Hòa bình về nơi nơi
Cuộc đời mình đang lên
Sáng như vùng trăng sáng giải trên đồng làng

Có em hừng đông đã nhọc nhằn
Có em hừng đông đã lùa bò
Có em vì nghèo mà chăn trâu
Gió mưa nào ngại ngày mai đâu
Cuộc sống trăm phần cam go

Có em thầm mơ đi học hành
Ước mong ngày sau sẽ thành tài
Sướng vui một cuộc đời hơn xưa
Tiến lên thành một người dân ngoan
Tươi sáng như đồng ban mai

Ngày mùa về nơi nơi
Ðồng vàng đầy thênh thang
Chúng em cùng vui múa hát trên đồng lúa

Hòa bình về nơi nơi
Cuộc đời mình đang lên
Sáng như vùng trăng sáng giải trên đồng làng

 


Trong số những ca khúc được sáng tác ở miền Nam trước 1975, có một bản nhạc rất riêng, không lẫn với bất cứ ca khúc nào bởi nét mộc mạc, dung dị đúng chất của người nông dân Nam bộ: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân, má em cũng là người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la…”. Ca từ đơn giản, tự nhiên như một bài đồng dao, vậy mà đã có bao thế hệ say sưa hát bài hát này, từ nông thôn đến thành thị, từ người lớn đến trẻ con…

Nhạc sĩ Văn Lương, tác giả ca khúc này luôn trăn trở làm sao cho đời sống người nông dân bớt cơ cực, mơ ước một ngày non nước hòa bình để con em nông dân được chơi đùa hồn nhiên, được đến trường, học hành thành tài… Và rồi nhạc sĩ Văn Lương viết Tía em, má em. Sau hiệp định Genève (1954). Nhà xuất bản Tinh hoa miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã mua bản quyền Tía em, má em với số tiền 2.000 đồng. Ít lâu sau, nhạc sỹ Lê Mộng Bảo nói với tác giả rằng: “Những ca khúc khác thường được in với số lượng 10.000 bản nhưng vẫn bán chạy. Riêng với Tía Em, Má Em in có 2.000 bản mà chỉ bán được một nửa. Bởi vì chỉ cần nghe Túy Phượng hát trên Đài Phát thanh vài lần là ai nấy đều thuộc lòng. Họ mua nhạc làm gì nữa”.

Rất tiếc bản thu âm của Túy Phượng tôi tìm không thấy, chắc có lẽ đã thất truyền, mời quý vị cùng nghe qua giọng ca của Duy Khánh, Tuyết Mai.

Nhật Hà

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.