Về Ca Khúc ‘Lời Buồn Thánh’ Và Những Ngày Buồn
Đang mùa ‘Cô Vy’, hầu như cả khu phố nơi tôi ở đều trú trong nhà. Tôi cũng vậy, cả nửa tháng nay chỉ ra vào trong căn phòng nhỏ trên gác, hết đọc sách tới nghe nhạc. Dù rất cố gắng để tập cho mình sự điềm tĩnh cần thiết nhưng thật sự khó, bởi chân tôi là chân đi – như lời má tôi nói.
Chiều nay cũng vậy – một buổi chiều cuối tuần chán ngắt – nằm nghe album nhạc trữ tình của ca sĩ Ngọc Lan. Từng bài hát cứ trôi qua, trôi qua, ru tôi trong cái nóng hầm hập của căn gác nhỏ. Đang thả hồn theo những nốt nhạc cuối cùng của một bản nhạc Pháp lời Việt vừa kết thúc, tôi chợt bừng tỉnh khi nghe những giai điệu quen mà lạ vừa cất lên:
Chiều chủ nhật buồn,
Nằm trong căn gác đìu hiu.
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều.
Trời mưa, trời mưa không dứt.
Ô hay mình vẫn cô liêu.
Quen, bởi bài hát này tôi đã từng nghe rất lâu, từ ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Lệ Thu – cả hai đều hát với cách diễn tả tự sự, da diết – cho đến ca sĩ Khánh Ly với lối hát ma mị, đau đáu lòng người. Nhưng hôm nay tôi cảm thấy lạ, vì cách hát của ca sĩ Ngọc Lan khác hẳn – nhanh, dồn dập, như muốn đẩy tôi vào một thế giới khác. Cảm giác của tôi như một người đang chìm vào giữa mênh mông đại dương, bổng bị văng ra khỏi mặt nước và lơ lửng trên không trung.
Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu.
Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều.
Bạn bè rời xa chăn chiếu,
Bơ vơ còn đến bao giờ.
Tuy là dân ngoại đạo của âm nhạc, nhưng nhờ có đứa em gái là giáo viên dạy nhạc cấp 2, suốt chục năm nay đều nghe cô ấy dạy mấy đứa nhỏ ở nhà, tôi cũng võ vẽ đôi chút về cái gọi là nhịp, ô nhịp, trường độ, cao độ, âm sắc hay sắc thái gì gì đó. Lục tìm tư liệu trên các trang mạng, tôi mới biết bài hát Lời buồn thánh được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng trước năm 1964. Ca sĩ Bạch Yến đã hát bài này lần đầu tiên ở phòng trà Tự Do (Sài Gòn). Đích thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tập bài Lời buồn thánh cho ca sĩ Bạch Yến. Về sau còn có thêm nhiều ca sĩ khác cũng hát bài này. Và, hình như chỉ có ca sĩ Bạch Yến và ca sĩ Lệ Thu là hát đúng theo bản gốc của bài. Đây là một bài hát có cấu trúc rất lạ: bắt đầu bằng bốn ô nhịp ¾, rồi lại đến bốn ô nhịp 4/4, sau đó trở lại bốn ô nhịp ¾, rồi lại đến bốn ô nhịp 4/4,…cứ như vậy. Hèn chi, khi nghe bài hát lần đầu cách đây hơn hai mươi năm, tôi cảm thấy như đang mắc xương cá, thầm nghĩ, giai điệu của bài hát sao cứ trúc tra, trúc trắc như lòng người. Có lẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi ấy, cũng đang đong đầy những trăn trở trong cuộc sống.
Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu.
Tôi xin năm ngón tay em thiên thần
trên vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi.
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.
Hình ảnh người con gái trong bài hát Lời buồn thánh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật đẹp, thật tinh khiết, cứ ẩn, hiện, thật gần rồi lại thật xa. Như lời của ca sĩ Bạch Yến từng bộc bạch, rằng, người con gái trong Lời buồn thánh và bàng bạc trong những tình khúc sáng tác ở giai đoạn này không ai khác chính là Dao Ánh – người tình qua những lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là những lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh: “Những lần về đây đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy bóng Ánh trắng sáng thủy tinh chập chờn trong vùng cây đen và bãi cỏ xanh màu an nghỉ. Những thân cây bổ nghiêng về phía đường che tối một khoảng dài mà ánh sáng là khoảng trời hẹp và dài giữa hai hàng lá. Anh đã nghĩ đến một hành lang giáo đường trên vùng ăn năn, những thân cây đen là những kẻ hành hương trùm áo sẫm, bãi cỏ non xanh, anh nghĩ rằng Ánh có thể mặc áo trắng lụa là đi bằng những bước chân nhỏ nhẹ trên đó. Anh đã cúi mình xuống ý nghĩ và hình ảnh ấy thật lâu như một ám ảnh…”
Đúng là ám ảnh! Ám ảnh bởi từng câu, từng từ trong bài hát, ám ảnh bởi cách ngắt nghỉ, chuyển đổi từng đoạn nhạc, ám ảnh bởi cách kết thúc bài hát. Chiều… Chiều… Chiều… cứ vậy rồi lặng tắt. Cách kết thúc của bài hát thiệt ngộ, chỉ một từ “Chiều” được lặp lại và kéo dài trong từng ô nhịp, đưa người nghe lạc sâu trong cảm giác khắc khoải, mong ngóng từng ngày, từng giờ.
Chiều chủ nhật buồn lặng nghe gió đi về.
Chiều chủ nhật buồn lặng nghe gió đi về.
Chiều…Chiều…
Những nốt nhạc ngân nga cuối cùng đã hết, những giọt nắng cuối cùng của buổi chiều cũng không còn. Sự lặng yên trong căn gác nhỏ u tối khiến lòng tôi như đông lại, máu như ngừng chảy. Tôi cảm thấy một sự đau đớn đang tỏa ra từ lồng ngực rồi lan dần khắp người. Sao vậy? Tôi cũng không hiểu. Có lẽ là sự nuối tiếc về một điều gì đó đối với tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho cô Dao Ánh. Tình yêu của họ thật đẹp. Nhưng họ lại không đến được với nhau. Thật buồn.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhanh thật. Gần hai mươi năm ông rời xa cõi tạm trần gian này. Tôi sẽ thắp một nén hương gửi về ông, chúc ông luôn bình yên, hạnh phúc nơi cõi vĩnh hằng mà ông đã đến từ ngày Cá tháng Tư của 19 năm trước.
Người viết: Bạch Thạch