Về Ca Khúc “Đèn Khuya” Của Nhạc Sĩ Lam Phương

0 3.223

“Không biết đêm nay vì sao tôi buồn
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi… buồn ơi! nghe tiếng mưa đêm.

Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru con nhớ khôn nguôi
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng taỵ

Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoàị
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều,
Nhớ nụ cười khi nâng niu

Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền,
Biết tìm lại chốn nào,
Mẹ ơi biết chăng! Đêm về quạnh hiu…

Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ.
Tìm lại những phút vui ngày ấu thơ.”

Bất kỳ ai yêu nhạc Lam Phương và đã từng tìm hiểu về cuộc đời vị nghệ sĩ tài hoa này đều biết rằng, nhạc sĩ Lam Phương có một tuổi thơ chất chứa chuỗi ngày dài buồn đau và bất hạnh. Nhà nghèo, cha của ông đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, bỏ lại 6 người con tuổi còn thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định, một mình lam lũ hôm sớm nuôi con. “Cả thời thơ ấu của ông đắm trong thiếu thốn, khó khăn và vất vả. Mẹ ông – người đàn bà tảo tần sớm khuya, cũng chính là người nuôi dưỡng cảm xúc, giúp ông viết trọn rất nhiều những ca khúc tuyệt vời và là người mà mỗi khi ông nhắc đến đều không thể ngăn được nước mắt tuôn rơi – đã một tay chăm lo cho cả đại gia đình mà ông là người con trưởng. “Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà! Má tôi chỉ cần nói một câu thôi mà tôi đã ráng làm muốn chết luôn”, ông nhớ về má mình trong hồi ức ấm áp bồi hồi.”

ĐÈN KHUYA (1960, một số tài liệu ghi 1958) là một trong số hàng loạt nhạc phẩm đánh dấu sự trở lại với sức sáng tác liên tiếp, mạnh mẽ và thần kỳ sau bài hát đầu tay Chiều Thu Ấy vào năm 1952. ĐÈN KHUYA đã góp phần giúp các nghệ sĩ trình bày nhạc phẩm này thêm phần vang danh tên tuổi, đặc biệt là những giọng ca nữ, trong số đó có nữ ca kịch sĩ Túy Hồng, người vợ đầu của NS Lam Phương. Ngoài ra, cả hai bài “Kiếp Nghèo” và “Đèn Khuya”, đều được nữ danh ca Thanh Thúy trình bày và đều nằm trong 10 bản nhạc (top ten) được ưa chuộng nhất vào đầu thập niên 60. Trong lời nhạc, người nghe bắt gặp một Lam Phương quen thuộc với nỗi buồn khắc khoải và cô độc nhưng cũng đong đầy tình thương dành cho người mẹ mà ông hết sức kính yêu và trân trọng; đồng thời ẩn chứa một ý chí quyết không đầu hàng số phận kém may mắn dành cho mình.

Trong một bài viết về NS Lam Phương có đoạn xin được trích dẫn: “Buồn vì trời mưa hay vì bão trong tim?”- Câu hát trong nhạc khúc của ông từng được đông đảo thanh niên Sài Gòn trước 1975 yêu thích cũng là một câu hỏi lớn mà suốt đời Lam Phương tìm kiếm nhưng vô vọng. Có lẽ trời đã đày một thiên tài rớt xuống nhân gian, đã khiến một tâm hồn yếu đuối suốt đời phải rơi lệ, thống thiết và nức nở mà chỉ biết gói gọn giãi bày trong những thang âm trầm bổng của cung đàn.” (Hương Giang, nguoiduatin.vn).

Thật vậy, tin chắc chắn trong số chúng ta cũng từng có rất nhiều người ngâm nga câu hát: “Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?”

Nếu như NS Lam Phương mang nỗi buồn từ khi là một đứa trẻ ý thức được cuộc sống nghèo khó khổ cực, không được đời ưu ái như bao người khác và nỗi buồn đó bàng bạc đi vào thời niên thiếu của ông vào những đêm đường khuya đi về lẻ loi trĩu nặng tâm sự, thì xin được phép hỏi, nỗi buồn của quý vị là về điều gì? Là gánh nặng cơm áo gạo tiền? Là nỗi đau đớn tật bệnh? Là sự thiếu thốn tình thương? Là sự mất mát, lầm lỗi hay chia ly? Là sự chán chường khi tình người bạc bẽo như vôi? Là những bóng đen quá khứ cứ tiếp tục ám ảnh hiện tại? Là một tương lai mịt mờ chưa tìm thấy lối đi? Là một sự trống vắng trong lòng không thể lý giải nổi? … Dù nỗi buồn của bạn mang màu sắc nào, thì vẫn mong một ngày nào đó thật gần, bạn sẽ để cho nỗi buồn trong lòng ấy trôi đi qua tay, vì có thể chúng ta đã nhìn ngắm và day dứt với nỗi buồn quá lâu để nhận ra vẫn còn rất nhiều những niềm hạnh phúc an yên khác trong phút giây hiện tại…

Sài Gòn thứ bảy.
Hạ tuần tháng 7, 2014.
Anh Thy Biên Tập.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.