Cảm Nhận Về Ca Khúc “Căn Nhà Ngoại Ô” Của Nhạc Sĩ Anh Bằng

0 8.000

Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Cận kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau
Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.

Khi hiểu lòng nhau, thời gian gần gũi đã trôi qua mất rồi
Nào còn những lúc, hái hoa vườn trăng suốt đêm chung tiếng cười
Tôi bước theo tiếng gọi những người trai, tha thiết với tương lai
Vui xa anh sáng phố phường, xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.

Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ
Và yêu không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ.

Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng
Mà sao không thấy nàng
Tìm em, giờ tìm ở đâu sao không gắng đợi chờ nhau

Tôi hỏi người quen, nàng nay là nữ cứu thương trên chiến trường
Dặm ngàn sóng gió, biết đâu nàng vui dấn thân nơi chiến trường
Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim
Em ơi, trái đất vẫn tròn
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau

“Căn Nhà Ngoại Ô” là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc này được viết vào năm 1966, nội dung nói về một chuyện tình thời chinh chiến và được ca sĩ Kim Loan trình bày rất thành công. Với câu chuyện tình yêu của đôi trai gái sống ở vùng ngoại ô, phải chia ly nhau khi chàng trai lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời loạn, lòng luôn nhớ về người em gái hậu phương. Nhưng khi về thăm thì cô gái cũng lên đường làm quân y cứu thương ở chiến trường. Tác giả đã khắc họa nên câu chuyện tình yêu xa cách khi cả hai người đã hy sinh tình yêu riêng tư của mình, để cống hiến sức trẻ hòa mình vào tình yêu chung của đất nước. Và đây cũng là bài hát hiếm hoi nói về người con gái tham gia quân đội, vì đa số các bài hát chỉ nói về người con gái hậu phương có chồng hay người yêu đi tòng quân. Nên khi nghe bài hát ngoài cảm nhận buồn thương cho mối tình ấy, người nghe sẽ thấy được một hình ảnh rất đẹp về người phụ nữ thời loạn khi tham gia chiến trường.

Mở đầu bài hát là khoảnh khắc chàng trai nhớ về tình yêu bình dị và nhẹ nhàng của mình với cô hàng xóm ở vùng ngoại ô. Đó là những lúc hai người được ở cạnh nhau nhưng chỉ xem nhau là bạn thân mà không nhận ra tình cảm của mình, để đến khi “nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu” thì “thời gian gần gũi đã trôi qua mất rồi”. Vì anh phải đi theo tiếng gọi người trai lên đường tòng quân, làm nghĩa vụ người trai thời loạn. Dù có luyến tiếc thì nay còn tìm đâu những lúc “hái hoa vườn trăng suốt đêm chung tiếng cười”. Tuy phải xa người em gái nhỏ, xa tình yêu mặc dù tình cảm ấy “chưa ước hẹn lấy một câu”, cũng “chưa nghĩ đến mai sau” nhưng “tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ và yêu không bến bờ”. Nhạc sĩ đã ca ngợi một tình yêu đẹp, yêu nhau, xa nhau nhưng vẫn một lòng thương nhớ người mình yêu.

Tôi hỏi người quen, nàng nay là nữ cứu thương trên chiến trường ….

Hình ảnh người con trai từ chiến trường trở về căn nhà ở vùng ngoại ô để tìm người con gái mình yêu, nhưng “tìm em, giờ tìm ở đâu…” vì “nàng nay là nữ cứu thương trên chiến trường”. Để chàng trai ấy với bao tâm trạng của nỗi buồn thương, luyến nhớ và sự cô đơn qua hình ảnh “tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến tâm trạng người nghe dâng trào cảm xúc, xót thương cho tình yêu của hai người. Và để không phải thất vọng hay quá đau buồn cho câu chuyện tình yêu đẹp ấy, khi mà hai con người nhưng cùng một tình yêu cao thượng, hy sinh tình cảm của riêng mình để hòa cùng tình yêu với đất nước. Nhạc sĩ dường như đã vẽ nên cái kết cho họ khi ai ra đi cũng mong chiến thắng để trở về, cũng như “em ơi, trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau” như là lời mong ước, là niềm tin cho tình yêu còn mãi, để hy vọng vào một kết thúc tốt đẹp giữa anh và em.

Hương Giang.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.