VỀ CA KHÚC ĐẦU TAY “CHIỀU THU ẤY” CỦA NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG.
Với nhiều người thì mùa thu, với những cơn gió se lạnh, bầu trời xanh biếc và những chiếc lá vàng rơi là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu gợi lên cho mỗi người một cảm xúc thật khó tả, với bao kỷ niệm vui buồn, mùa thu còn là nguồn cảm hứng vô tận cho giới nhạc sĩ. Nhiều bài hát viết về mùa thu đã đi vào lòng người nghe bằng những giai điệu da diết và lãng mạng như: Mùa thu lá bay, Mùa thu cho em, Thu Ca, Mùa Thu Trong Mưa…Mùa thu còn là mùa của sự gặp gỡ và yêu thương. Với những người luôn thích sự vừa phải thì mùa thu là một điều tuyệt vời. Tiết trời thu sang không quá oi bức như những ngày tháng hạ nhưng cũng không quá lạnh lẽo như những tháng vào đông. Nhất là những buổi chiều thu, đó là sự kết hợp dịu dàng và tinh tế hơi pha chút lãng tử, giống như buổi chiều thu trong ca khúc “ Chiều thu ấy” của nhạc sĩ Lam Phương.
Ca khúc “Chiều thu ấy” được ông sáng tác năm 1952, theo như lời của nhạc sĩ bài hát được ông sáng tác lúc 15 tuổi, cái tuổi mà tâm hồn còn trong trắng ngây thơ và chưa vướng bụi trần, chưa biết yêu lần nào. Qua đó ta có thể thấy rằng tài hoa của nhạc sĩ Lam Phương được bộc lộ khá sớm. Bài hát tuy phát hành ít người được biết đến nhưng nó là nền tảng cho sự thành công trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương sau này, và điều làm người nghe bắt ngờ là một cậu bé 15 tuổi có thể viết ra một bản tình ca tinh tế, sâu sắc như thế.
Ca khúc mở đầu bằng khung cảnh buổi chiều thu năm ấy, hai đứa còn tựa vai nhau từ lúc ánh mặt trời khuất bóng đến khi ánh trăng lên cao “Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai”, nay chỉ còn mình anh lang thang một mình vào những chiều thu, để dành cho mình một khoảng lặng yên bình và để tìm lại chút ngọt ngào còn xót lại trong những góc phố quen “Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say”.. Và cũng có đôi lần anh lảng tránh, những kỉ niệm quá đỗi dịu dàng, anh sợ sẽ không quên được nàng. Tình yêu của anh và nàng bắt đầu bằng những chiều thu và cũng kết thúc vào một ngày thu “Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn”. Câu nói chia tay đến từ phía anh còn nàng thì lặng lẽ đồng ý, đôi khi đó có thể là phép thử của anh để xem tình cảm của nàng dành cho anh sâu đậm ra sao. Nhưng rồi nàng cứ mãi hững hờ, lời nói chia tay đến rồi đi cũng hững hờ như thế, đến nỗi cả anh và nàng đều cảm thấy đó là điều tất nhiên “Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng”.
“Ngày nào còn thơ, say sưa trong mơ
Nơi đây ta chung cùng vui sống
Rồi ngày dần qua, duyên xưa phôi pha
Sang ngang em đã quên tình ta.”
Nàng và anh quen nhau từ những ngày còn thơ bé. Những kỉ niệm của tuổi học trò đã làm hai người xích lại gần nhau hơn. Những tưởng những điều ấy là quá đủ để cả hai mãi gắn bó bên nhau. Nhưng thời gian dần trôi, càng lớn anh càng cảm nhận một điều gì đó càng xa vời, anh cảm nhận được tình cảm hai người càng ngày càng phai nhạt “duyên xưa phôi pha”. Đến phút cuối chỉ có thể nhìn nàng bước đi bên tình duyên mới “Sang ngang em đã quên tình ta.”
“Chiều thu ấy, lòng say sưa ước mong chung xây mộng vàng
Rồi hôm nay nàng xa cách duyên tình ta ôi bẽ bàng (nát tan)”.
Anh và nàng có những lúc thật gần và có những lúc thật xa. Anh có thể cảm nhận được rằng nàng thật lòng yêu anh “lòng say sưa ước mong chung xây mộng vàng “. Nhưng tình yêu ấy dường như không đủ để nàng bỏ hết tất cả để ở mãi bên cạnh anh. Và cuối cùng nàng quyết định cất hết những kỉ niệm của mình và anh và những buổi chiều thu vào một ngăn chứa bí mật. Nàng quyết định ra đi tìm cho mình một ai đó không phải anh “Rồi hôm nay nàng xa cách duyên tình ta ôi bẽ bàng”.
“Mùa trăng mơ chiều thu xa vắng
Sương tuyết rơi nơi lòng giá băng
Mùa vui êm như chiều say trăng
Người ôi giờ đây có thấu chăng?”
Cứ mỗi chiều thu nhìn ánh trăng lên cao, thì những kỷ niệm của hai đứa cứ tự nhiên lại ùa về. Anh bắt mình phải quên đi những kỷ niệm, những nhớ thương đó. Anh dần trở thành người vô cảm, với trái tim đã đóng băng . Rồi anh bắt đầu những mối quan hệ mới để làm nhạt dần tình cảm anh dành cho nàng “Mùa vui êm như chiều say trăng”. Đôi lúc anh cũng căm hận nàng, sau không hiểu cho tấm lòng anh “Người ôi giờ đây có thấu chăng?”, sau nàng có thể rời bỏ anh để đi với người khác.
Những cảm xúc ngọt ngào được gói trọn trong những ngày cũ. Cảm xúc của ngày hôm nay, ngay tại đây là một điều gì đó mới mẻ hơn. Phải chăng những cơn gió mùa thu đã thổi vào lòng người nghe những cung bậc những điệu nhạc mới ấm lòng hơn.
“Nhìn trăng mơ sầu vương năm tháng
Duyên tình năm xưa chóng phai tàn
Hồn lâng lâng làn hương thu sang
Tình đời trắng tay.”
Chúng ta đã từng yêu nhau như thế, đã từng chia cho nhau kỉ niệm dại khờ, những ngày hai đứa nắm tay nhau và kể cho nhau nghe những câu chuyện không bao giờ có hồi kết “Nhìn trăng mơ sầu vương năm tháng”. Nhưng thời gian sẽ làm phai mờ tất cả, chuyện tình xưa nay chỉ là dĩ vãng, để rồi khi nhớ lại, ta vẫn có thể mỉm cười thật tươi vì đã buông bỏ với quá khứ “Duyên tình năm xưa chóng phai tàn”. Nếu chúng ta gặp lại. Có thể nhìn nhau và tự nhiên nói rằng “Chúng ta đã từng yêu nhau như thế”. Giống như câu không thể làm người yêu, chúng ta có thể làm bạn. Chúng ta đã từng có với nhau những kỷ niệm thì khi xa nhau dù lý do gì hãy cùng giữ cho nhau những hình ảnh đẹp đó.
Bài hát đã vẽ một bức tranh cho ta thấy được một thực tế rằng mùa thu chỉ đẹp khi hai người ở bên nhau, và trở nên ảm đạm khi hai người rời xa nhau, cảnh vật đẹp hay xấu còn tùy vào tâm trạng của người thưởng thức cảnh đó như câu nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, song song đó là sự trăn trở về một mối tình dang dở, và đến cuối cùng như lời chúc phúc của người ở lại dành cho người ra đi, đó là lối suy nghĩ văn minh mà chúng ta nên trân trọng và noi gương theo.
Sakura.
gai sắc từ cây non. Người tài bộc phát từ thuở nhỏ. Cảm hứng sáng tạo với tình yêu với người nhạy cảm đâu cần từng trải…. Đó chính là yếu tố thiên tài âm nhạc ẩn trong tâm hồn cậu trai 15 tuổi…. Kính phục và mãi biết ơn nhạc sĩ Lam Phương đã cho đời nhiều nhạc phẩm đẹp đời. Nhạc sĩ nghệ sĩ Trần Ngọc Sơn.