Cảm Nhận Về Ca Khúc “Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ” Của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ

2 9.961

Cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một trong những cây bút đại thụ sáng tác của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ra ở Triệu Long thuộc tỉnh Quảng Trị là người con thuộc dòng họ Hoàng Phủ rất có tiếng. Hoàng Thi Thơ là một người rất đa tài ngoài sáng tác nhạc ông còn làm đạo diễn và giáo viên dạy Anh ngữ. Trong sáng tác nhạc ông còn lấy nhiều bút danh khác nhau Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Triệu Phong và Bích Khuê. Hoàng Thi Thơ có trên 500 sáng tác bao gồm tình ca, dân ca, nhạc quê hương, trường ca và cả nhạc cảnh và nhạc kịch.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có 3 ca khúc rất nổi tiếng viết về chuyện tình buồn của các cô gái như Chuyện tình cô lái đò bến Hạ, Chuyện tình La Lan và Chuyện tình người trinh nữ tên Thi. Ca khúc Chuyện tình cô lái đò bến Hạ là một bản truyện ca được ông viết vào năm 1971 để kể về mối tình đau khổ của người con gái trong thời chinh chiến. Ông từng viết trên tờ nhạc gốc “Tôi vẫn mê say những chuyện tình đẹp. Sau Chuyện tình người trinh nữ tên Thi tôi xin kể tiếp Chuyện tình cô lái đò bến Hạ. Chuyện rằng: Nàng là một nữ sinh xinh như Hoa. Nhà nghèo, bỏ học sớm, giúp mẹ đưa đò nàng trở thành Cô Lái Đò Bến Hạ. Hoa đẹp nên nhiều ong qua bướm lại. Nhưng nàng chỉ yêu một người, một người lính chiến. Một lần sang sông để không bao giờ trở lại, người chiến sĩ đã hy sinh. Đợi chờ vô vọng trong mỏi mòn, nàng đi tìm người yêu trong khói lửa để cuối cùng kết thúc một cách thương tâm cuộc đời bạc mệnh như số kiếp của bao kẻ hồng nhan. – trích lời tác giả H.T.T”

“Một xóm nghèo ven sông
Có con đò tên là đò bến Hạ
Một gái nghèo đoan trang
Nhan sắc nàng như là một đóa hoa

Nhà vốn nghèo cho nên
Sớm xa lìa sách đèn cùng mái trường
Ngày ngày ra bến giúp mẹ đưa đò
Bến Hạ đưa đò
Gái đẹp đưa đò.”

Vào thời chinh chiến, việc được cắp sách đến trường ở vùng quê nghèo là niềm ao ước của bao người kể cả những người con gái, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ phải từ bỏ mơ ước để tìm đến chén cơm manh áo. Một xóm nghèo ven sông, mọi người trong thời buổi nghèo khổ, hằng ngày có được bữa cơm qua ngày là niềm vui cho cả gia đình. Một cô gái nhỏ tuổi mới lớn, vì tình yêu thương gia đình phải từ bỏ giấc mơ đèn sách, xa mái trường ngày ngày ra bến Hạ giúp mẹ đưa đò kiếm sống. Cô gái có nét đẹp đoan trang tinh khiết như một đóa hoa mới nở vào sớm mai, bao người phải đắm chìm trong nhan sắc mỹ miều ấy. Cô em gái đẹp đưa đò bến Hạ!

“Ngày tiếp ngày trôi qua
Biết bao người qua đò giòng bến Hạ
Nhiều khách đò ngây ngô
Hay trách nàng sao đò lại chóng qua.

Nhiều trai làng ba hoa
Ý như là đoán nàng dùng phép lạ
Nào đâu biết sắc đẹp là mắt mờ
Thấy đẹp quên giờ
Gái đẹp đưa đò.”

Giòng sông êm đềm con nước chảy, đò em xuôi máy chèo đưa người sang sông. Ngày tiếp ngày trôi qua em vẫn trên bến Hạ đưa đò, hồn em thổi vào sông nước để làm việc đưa đò thế mà bao người ngây ngô trách hờn sao đò chóng qua. Khách qua sông hay khách đi đò vì muốn được chung chuyến đò với cô lái đò bến Hạ. Nhan sắc xinh đẹp của em gái lái đò làm xao động lòng người lữ khách trên đò, vì sắc đẹp của cô gái mà bao chàng trai say đắm mong được làm ý trung nhân của nàng. Nhiều trai làng ba hoa cho là nàng sẽ là của mình, sẽ được đón nàng về cùng chung xây dựng mái ấm gia đình. Nhưng sự tinh khôi của nàng lái đò làm bao người hoa mắt đang đi trên chuyến đò mà cứ ngỡ là đang lạc vào vườn hoa, chìm đắm trong sự lung linh của những cánh hoa mà quên cả thời gian và ngỡ ngàng sao đò sớm cập bến.

Ảnh bìa Cô Lái Đò Bến Hạ Phát Hành Trước 1975.

“Nhiều anh chàng khoe khoang
Chiếm tim nàng nhưng nàng nào đáp tình
Vì tấm lòng băng trinh
Ai đã nguyện trao người thời chiến chinh.

Đoàn anh hùng sang sông
Trái tim nàng trao về một bóng hình
Một người lính chiến đánh giặc quên mình
Lính trận chân thành
Lính trận chung tình.”

Cứ ngỡ trái tim nàng sẽ mãi khép lại bởi các lời khoe khoang của những anh trai làng, tình yêu nàng đã chai sạn vì nàng chỉ một lòng làm cô lái đò nhỏ bé bên giòng bến Hạ. Nhưng rồi tình yêu khô khan cũng được tưới mát bằng một tấm chân tình, nàng đưa đò giờ đây đã trao trọn con tim băng trinh cho một chàng lính trận. Một ngày đưa đoàn quân sang sông, trái tim nàng rung động bởi người lính oai hùng. Người trai thời loạn này dám quên mình cho đất nước, anh đã quyết tâm lên đường bảo vệ quê hương. Tấm lòng chân thành của anh  đã được đền đáp bằng tình yêu chung tình của em gái nhỏ đưa đò. Dù bao người say mê cô cũng không có được con tim của cô nhưng giờ đây trong lòng cô đã chứa bóng hình người mình yêu thương thật lòng.

“Đời hồng nhan ai có biết không
Đời gian nan là kiếp má hồng
Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn
Nhiều gian nan và lắm đau buồn …”

Người đời có câu “Hồng nhan bạc phận” vì họ đang xót thương cho những cô gái có sắc đẹp trời ban nhưng số khiếp gian nan, dòng đời đẩy đưa phải chịu nhiều vất vả trong cuộc sống. Sinh ra là phận má hồng nhưng không muốn số mình khổ, những cô gái dù liễu yếu đào tơ cũng cố gắng để vượt qua những khó khăn trong đời. Nhưng đời hồng nhan thì lắm gian nan, các cô gái phải ôm lòng tự khóc trước những buồn đau của số phận. Tấm thân mỏng manh phải vương mình gánh vác những chông gai trong cuộc sống.

“Người anh hùng qua sông
Với câu thề quay về thì cưới nàng
Và mấy lần xuân sang
Trên bến đò quân hành người hát vang

Tìm trong đoàn quân nhân
Những anh hùng quay về từ chiến trận
Mà nào đâu thấy bóng người tôn thờ
Lính trận không về
Bến Hạ mong chờ.”

Cô lái đò bến Hạ giờ đây đã vững lòng vì mình đã tìm được bến đổ trong cuộc đợi chờ. Người anh hùng dù đã sang sông đi làm nhiệm vụ của người trai thời loạn nhưng cũng không quên mang lời hẹn ước quay về cưới nàng. Cô lái đò vẫn giữ nguyên lời hẹn thề cùng anh lính, ngày ngày đưa đò bên bế Hạ mà trông đợi người về. Thời gian trôi mau đã mấy mùa xuân sang, nàng vẫn đưa đò qua sông nhưng cớ sao trong những đoàn quân nhân trở về từ chiến trường vẫn không thấy hình bóng người mình yêu thương. Tình yêu ấp ủ bao lâu nay trong lòng bến Hạ đâu rồi? Sao anh không về để bến Hạ lẻ bóng mình em mong chờ.

Tranh của Họa Sĩ Nguyễn Cường.

“Rồi có người qua sông
Báo tin chàng không bao giờ còn quay về
Người anh hùng hy sinh
Nhưng ước thề cô đò còn khắc ghi

Người anh hùng ra đi không quay về
Đau lòng người bến Hạ
Và từ tin đó khách đò trông chờ
Bến Hạ bơ phờ
Vắng nàng đưa đò.”

Tin dữ đã đến khi có người báo cho nàng là chàng đã ra đi mãi mãi, chàng đã không thể về bên nàng và kết duyên cùng nàng. Người anh hùng nàng đưa sang sông năm ấy đã hy sinh khi trong lòng vẫn còn khắc ghi lời hẹn ước cùng nàng. Không gian sự sụp đổ vì quá tuyệt vọng, cô lái đò bến Hạ đau lòng nhớ thương anh. Giờ đây bến Hạ không còn bóng hình người em gái nhỏ đưa đò mang nét đẹp tuyệt sắc. Vì quá yêu thương và nhớ mong hình bóng nàng mãi khắc ghi trong tim nàng quyết ra đi tìm lại chàng. Từ đó bến Hạ vắng bóng nàng lái đò!

“Rồi tới ngày đau thương
Khách qua đường đau lòng mà đứng nhìn
Hạ tên nàng ghi bia
Bên nắm mộ hoang tàn người tiết trinh

Vì chung tình cho nên
Cô lên đường đi tìm người yêu mình
Rồi trong lửa khói súng giặc điên cuồng
Gi*t người chung tình
Bến Hạ u buồn”

Vì lòng chung thủy sắc son nàng lên đường tìm người mình yêu, nàng không tin rằng chàng đã ‘đền nợ nước’, nàng muốn được bên cạnh người yêu nên để lại bến Hạ mà ra đi, vì tình yêu nàng không còn sợ gian truân nguy hiểm. Trong lúc thời chiến khói lửa, không may cho nàng khi phải nằm xuống trong lúc đi tìm người yêu. Người chung tình bến Hạ giờ đây không còn nữa, bến hạ vắng bóng em gái nhỏ xinh đẹp ngày ngày đưa đò. Sự hiu vắng khi giờ đây bên nắm mồ ghi tên người con gái tiết trinh. Khách qua đường đau sót cho nàng khi vắng bóng nàng bên bến Hạ mãi mãi.

“Đời hồng nhan cô có biết không
Đời gian nan là kiếp má hồng
Đời hồng nhan nên nước mắt tuôn
Nhiều gian truân và lắm, và lắm …đau buồn.”

Cuối ca khúc nhạc sĩ bày tỏ tấm lòng tiếc thương cho cô gái xinh đẹp má hồng, ông đau buồn cho một cô gái hồng nhan tuyệt sắc hơn người. Dù mang sắc đẹp tinh khiết nhưng nàng vẫn âm thầm vượt qua những gian truân trong cuộc sống và tấm lòng thủy chung chỉ trao về người mình yêu. Lần đầu tiên khi nghe ca sĩ Thúy Hằng hát ca khúc này người nghe sẽ cảm nhận được sự trong trẻo của giọng hát truyền  đến người nghe nhạc, cô đã lột tả được cảm xúc cả toàn bài truyện ca. Xót xa cho một chuyện tình đẹp.

Tranh vẽ Cô Lái Đò Bến Hạ của Họa Sĩ Hà Anh.

Ruby

2 Comments
  1. Trình nói

    Bến đò “Bến Hạ” trong bài viết này ở đâu? có thể cho tôi biết được không?

  2. Nguyễn Văn Linh nói

    Đọc bài cảm nhận này tôi thấy rất hay, cảm động, mình như nhìn thấy từng hình ảnh trong các câu thơ, câu chuyện về cô gái lái đò ở bến Hạ. Mình xin hỏi tác giả có biết bến Hạ này ở khu nào Quảng Trị không ạ ?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.