Về Ca Khúc “Con Đường Xưa Em Đi” Của Nhạc Sĩ Châu Kỳ Và Hồ Đình Phương

0 10.425

Con Đường Xưa Em Đi được sáng tác vào khoảng năm 1967 đến 1968, do Hồ Đình Phương sáng tác thơ và Châu Kỳ phổ nhạc. Là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng, được yêu thích trong suốt 60 năm qua.

Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi

Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe… Hỏi còn ai cố tri
Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài

Bài hát có ca từ rất đẹp và bay bổng qua ngồi bút của thi sĩ nổi tiếng Hồ Đình Phương. Con đường xưa đã in hằn những dấu chân của đôi tình nhân với bao lần hẹn hò, con đường đã chứng kiến và khắc ghi những khoảnh khắc ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Nhưng nay người trai phải ra đi để cho nỗi buồn người ở lại vàng lên cả mái tóc thề, ngõ hồn dâng lên tái tê. Để rồi sự chờ đợi cứ thế trôi qua, lặng nhìn những mùa trăng vu quy cũng trôi qua vì thiếu vắng người xưa, vì chiến trường anh bước đi. Để cho người con gái hoen đôi mi mà ngóng nhìn theo con đường xưa để tìm bóng dáng thân thương nơi cuối trời trở về. Còn chàng đang nơi phiên gác canh dài mà thấy nhớ, thấy thương hoài người con gái nơi quê nhà.

Em ơi! màu áo phong sương, mình ước huy hoàng được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ con đường xưa em đi

Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.

Đó là niềm mơ ước giản dị của người khoác lên mình màu áo lính, nhưng lại rất huy hoàng vì đó là ước mơ được chiến thắng để trở về, trở về để rũ bỏ màu áo phong sương mà tìm lại con đường xưa và đôi tình nhân được dâng hoa, dâng cho nhau hết những ân tình. Dù cho thời gian cứ dần trôi, nhưng con đường xưa đá mòn vẫn ghi, ghi một đêm trăng thanh, quán bên đường cũ năm xưa, chỉ cần em với anh sẽ cùng dìu nhau đi qua con đường xưa lối cũ để nối lại những ân tình sau bao ngày xa cách.

Theo bà Kha Thị Đàng vợ nhạc sĩ Châu Kỳ kể về con đường đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ cùng người bạn thân của mình là nhà thơ Hồ Đình Phương, viết lên ca khúc Con Đường Xưa Em Đi là một con đường nhỏ nằm sau nhà máy giấy Tân Mai, thành phố Biên Hòa. Bà kể: “Ngày đó tôi làm kế toán ở nhà máy giấy Tân Mai, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính ở đây. Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân nghỉ ngơi và nối tới nhà máy là con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa. Chúng tôi thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với câu “Con đường xưa em đi”. Một thời gian sau thì bài hát Con Đường Xưa Em Đi ra đời. Vì chồng tôi thường có thói quen đàn để sáng tác những giai điệu nhạc hay còn anh Hồ Đình Chương hay tìm lời cho những giai điệu đó. Hai người đã sáng tác chung như thế cả chục ca khúc theo cách như thế nên tôi nghĩ bài Con Đường Xưa Em Đi là bài hát chồng tôi và anh Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường mòn đó. Bên cạnh đó, mặc dù không đi lính ngày nào nhưng trong lời bài hát vẫn có những ca từ, vẫn có những hình ảnh mang sắc thái người lính trận vì cũng theo bà Kha Thị Đàng, bối cảnh thời đại bấy giờ thị hiếu khán giả ưa chuộng những ca từ như vậy.

Nên biết rằng, nếu ai tinh ý hay yêu thích nhạc của Châu Kỳ sẽ biết được giai đoạn bài hát Con Đường Xưa Em Đi ra đời đã chứng kiến nhiều chuyển biến về màu sắc âm nhạc của Châu Kỳ, vì đã có nhiều thay đổi, không còn mang nhiều nỗi u buồn như trước nữa. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của nhạc sĩ Châu Kỳ. Đặc biệt là từ khi đến với một nửa của cuộc mình là bà Kha Thị Đàng. Giai đoạn trước đó nhạc sĩ Châu Kỳ trải qua nhiều cuộc tình, đã có những cuộc tình khiến cho trái tim ông tan nát và thậm chí có ý định tự tử vì tình yêu. Cho nên những sáng tác thời kỳ đầu của ông thường não nề và mang đầy tâm trạng đau buồn.

con đường xưa em đi ….

Còn nhớ, sau khi chia tay ca sĩ Mộc Lan, Châu kỳ sống u uất một thời gian dài. Rồi số phận dun dủi cho ông gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng ở nhà một người bạn. Năm ấy, bà Kha Thị Đàng chỉ mới 18 tuổi, là cô hoa khôi của trường Nữ trung học Gia Long đẹp e ấp như một đóa hoa hàm tiếu. Là em chú bác với kỹ sư Kha Vạng Cận, một nhân sỹ cách mạng thuộc gia đình họ Kha nổi tiếng đất Sài Gòn.

Trong hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà Kha Thị Đàng nhớ lại: “Có vài lần tôi gặp anh Châu Kỳ tại nhà Hương là người bạn cùng lớp, anh được ba má và anh Triệu là anh của Hương rất quý trọng. Riêng tôi cũng chào hỏi dăm ba câu chuyện nhỏ, dửng dưng và vô tư. Rồi một ngày định mệnh đã đến, anh tìm gặp riêng tôi và tặng tôi bài nhạc Hững Hờ do anh mới sáng tác, với lời tặng “Trách ai khéo hững hờ”. Sự xúc cảm đột ngột của đứa con gái mười tám tuổi đời như một sức mạnh an bài số phận cho tôi sau này. Tôi biết gia đình, tía má, anh chị đều không vui với tình duyên của chúng tôi, nhưng tình thương con, thương em, dù rất miễn cưỡng cũng có tiệc cưới nhỏ trong gia đình…”. Là một người con gái gia đinh vọng tộc họ Kha, việc cô nữ sinh yêu và quyết định lấy một chàng nghệ sĩ lớn tuổi, dở dang một đời vợ qủa là một quyết định khó khăn.

Từ bỏ cuộc sống nhung lụa để đi theo tiếng gọi tình yêu đích thực, bà Kha Thị Đàng phải thích nghi với kiểu sống lang bạt kỳ hồ của đời nghệ sĩ. Dù cuộc sống khó khăn nhưng lại hạnh phúc trong tình yêu, từ đó những sáng tác của người nhạc sĩ đã có nhiều thay đổi, không còn những ca khúc oán hờn hay đau đớn như trước nữa.

Có khoảng thời gian nhạc sĩ Châu Kỳ vừa viết nhạc, vừa làm ca sĩ, rồi viết kịch bản kiêm luôn diễn viên. Ông nổi tiếng, bước vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng với bản tính nghệ sĩ làm ra nhiều tiền nhưng rồi tiêu sài cũng nhiều. Còn bà Kha Thị Đàng chọn cách sống lặng lẽ, để không phụ thuộc vào chồng bà đi làm kế toán cho nhà máy giấy Tân Mai. Nhờ sự vun vén của bà Kha Thị Đàng mà người nhạc sĩ đã có cuộc sống viên mãn hạnh phúc bên gia đình cho đến cuối cuộc đời.

Hạnh phúc trong tình yêu như chấp cánh cho sự nghiệp người nhạc sĩ thêm thăng hoa. Chỉ riêng với ca khúc có hình ảnh con đường đã được nhạc sĩ viết rất nhiều như Con Đường Xưa Em Đi, Cuối Đường Kỷ Niệm, Đường Về Nhà Em… Trong đó, ca khúc Con Đường Xưa Em Đi vô cùng nổi tiếng và được yêu thích cho đến tận ngày nay.

Mỹ Trường.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.