Về Ca Khúc “Buồn Trong Kỷ Niệm” Của Nhạc Sĩ Trúc Phương
Người ta thường nói, người nhạc sĩ vốn đa sầu, đa cảm và đa tình, họ cần tình yêu để làm nguồn cảm hứng vẽ nên những nốt nhạc, lời ca. Tình yêu rất quan trọng với người nhạc sĩ, dù rằng trong tình yêu có mấy ai tìm được bến đỗ hạnh phúc cho trọn cuộc đời mình, ai bước vào yêu mà không một lần đau khổ vì yêu. Nhưng dù cho đó là hạnh phúc hay khổ đau thì người nhạc sĩ vẫn yêu, vẫn sáng tác.
Người nhạc sĩ thường sáng tác cho mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời của họ, đó có thể là niềm vui, và đó cũng có thể là nỗi buồn đã và đang trải qua trong cuộc đời của họ. Nhưng với nhạc sĩ Trúc Phương lại rất đặc biệt, ông không viết về hiện tại hay quá khứ, mà ông viết về tương lai, ông viết như dự đoán cho chính tình yêu của ông ở thì tương lai qua ca khúc: Buồn Trong Kỷ Niệm.
Nhạc sĩ Trúc Phương đã từng bộc bạch lời tâm sự của mình rằng:
“Bài Buồn Trong Kỷ Niệm được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết.
Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia. Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài Buồn Trong Kỷ Niệm ra, còn một số tác phẩm khác”.
Như một lời xác nhận của người nhạc sĩ, bài hát đã như là một lời báo trước cho cuộc hôn nhân buồn của ông. Hoặc đơn thuần đó chỉ là cảm xúc của người nghệ sĩ vốn đa sầu, đa cảm nên trong một khoảnh khắc nào đó mà dạo nên khúc nhạc lời ca, nhưng rồi cảm xúc đó lại vô tình mà vận vào chính cuộc đời của người nhạc sĩ.
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về.
Mở đầu bài hát, có lẽ là sự trải nghiệm thật của người nhạc sĩ đã đúc kết lại sau khi bước vào con đường tình yêu, ở đó sẽ có vui, có buồn. Nhưng người nhạc sĩ lại dùng phép so sánh hơn “trăm lần vui” nhưng lại là “vạn lần buồn”. Phải chăng trong tình yêu của mình, người nhạc sĩ cảm nhận được nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Hay cái trăm lần vui ấy là khi hạnh phúc trong tình yêu, để rồi khi “nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ” thì cái trăm niềm vui ấy sẽ thành cả vạn nỗi buồn vây kín trong tâm hồn sau khi xa nhau.
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay
Một tâm hồn nhưng hai trạng thái khác nhau, trước và sau khi yêu. Khi mới yêu, bước “vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn”, chuyện tình của nhạc sĩ đẹp biết bao. Tự hỏi có ai chưa từng khóc vì yêu, những giọt nước mắt đau khổ khi chia tay, hay những giọt nước mắt khi ngập tràn trong hạnh phúc, nhưng với nhạc sĩ lúc mới yêu, tình yêu của họ luôn là niềm vui và nụ cười “nước mắt chưa lần khóc”.
Nhưng niềm vui không bao lâu, niềm vui chia xa, tình yêu đẹp thơ ngây thuở ban đầu nay đã mất, chỉ còn là đắng cay ở lại.
Bao năm qua rồi còn gối chiếc
Nghe lòng nhiều nuối tiếc
Thương nhau rồi
Xa nhau rồi
Một lần dang dở ấy
Đêm lạnh vui với ai
Nghe đến đây thôi, làm sao người nhạc sĩ lại có thể viết một ca khúc mà lại dự báo cho chính tình yêu của mình ở thì tương lai như vậy. Hay phải chăng tình yêu thường là như thế, yêu nhau rồi xa nhau, ai mà không một lần dang dở trong tình yêu. Hay người nhạc sĩ chỉ mượn cảm xúc để viết cho bao mối tình ngoài kia nhưng rồi lại vô tình vận vào cho chính tình yêu của đời mình.
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em.
Khi cuộc tình dần trở nên u tối, mất đi tình yêu thì nụ cười ngày nao của hạnh phúc cũng sẽ vụt tắt trên bờ môi. Thiếu vắng đi tình yêu như thiếu vắng đi nụ cười, và cuộc đời cũng từ đó mà dần trở nên héo hon theo thời gian. Người nhạc sĩ cũng không quên nhắn gửi đến tình yêu đã xa của mình, biết là từ nay không còn nhau, nhưng nếu còn nhớ về nhau xin hãy mang theo tiếng yêu gọi anh với em, để còn giữ lại một chút yêu thương của ngày nào.
Ta thấy sự nổi tiếng và tài năng nhưng tình duyên của Trúc Phương lại lận đận vô cùng, ngày đó Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết quả là hai người đã nên duyên vợ chồng. Tuy hai người sống trong cảnh nghèo khó, nhưng đời sống lại rất nghệ sĩ. Những ngày tháng hạnh phúc trong tình cảm đã giúp nguồn cảm hứng người nhạc sĩ sáng tác nên rất nhiều bài hát. Nhưng rồi niềm vui ấy của hai người không được bao lâu, vì những tình cảm ban đầu đã phai nhạt dần và rồi hai người lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào tình cảnh của người nhạc sĩ:
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn…
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về…
Và rồi nhạc sĩ Trúc Phương sống âm thầm đau khổ trong cô đơn và mượn men rượu để diễn tả những nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái vào trong các sáng tác của mình. Trúc Phương vốn bản tính trầm lặng, bi quan và sống khép kín, sau những cuộc tình dang dở, các sáng tác của ông thường mang màu sắc âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Buồn Trong Kỷ Niệm là một ví dụ điển hình, những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe.
Thế nên giai điệu trong sáng tác của Trúc Phương rất đặc biệt, rất riêng. Và có lẽ vì sự đặc biết và rất riêng ấy mà có rất ít ca sĩ nào dám mạnh dạn hát nhạc phẩm này của ông. Và cũng có lẽ vì tiếng hát liêu trai, không giống ai của nữ danh ca Thanh Thúy mới có thể diễn tả hết một cách trọn vẹn những tâm tư tình cảm rất riêng của người nhạc sĩ. Do đó mà từ trước và sau 1975, không ai trình bài thành công ca khúc này ngoài danh ca Thanh Thúy.
Lưu Giang.