Nhạc Sĩ Nhật Ngân : Lần Gặp Gỡ Cuối Cùng Với Trúc Phương Và Ca Khúc “Gửi Người Về Cát Bụi”

0 13.472

Cách đây vài tháng… trong 1 buổi chiều Sàigòn chuyển mưa, bầu trời xám ngắt. Trong giòng người hối hả chạy tránh mưa trên tuyến đường bụi mù đầy nghẹt xe gắn máy, xe đạp từ Lái Thiêu đổ về trung tâm thành phố qua trục lộ băng ngang Hạnh Thông Tây, bệnh viện Cộng Hòa, Trúc Phương trên 1 chiếc xe gắn máy nhỏ xíu, ọp ẹp cũ mèm, thấp lè tè chạy song song với xe Honda Hoàng Trang chở tôi từ nhà Mặc Thế Nhân về lại SG sau 1 buổi họp mặt của anh em nhạc sĩ nhân chuyến tôi về thăm nhà vào tháng 7/95 vừa qua.

Nhìn dáng tiều tụy khô cằn của Anh cúi mọp trên tay lái, tôi thấy lòng mình se lại và liên tưởng tới hình ảnh của một Trúc Phương trai trẻ ngày nào của thời trước 75… khi những ca khúc của Anh như : Trên 4 Vùng Chiến Thuật, 24 Giờ Phép, Thói Đời… đang làm bá chủ thị trường. Thời của Anh bên những người đẹp trên những chiếc xa gắn máy, xe hơi đắt tiền và những buổi chiều vui chơi, gặp gỡ bè bạn ở nhà hàng Kim Sơn trên đường Lê Lợi.

Nhà Mặc Thế Nhân ở Lái Thiêu, cách Sàigòn chừng 12 cây số, tuy địa điểm hơi xa nhưng những cuộc họp mặt của anh chị em ca nhạc sĩ ở Sàigòn khoảng thời gian sau này khi có khách xa về, hay gì thường dùng làm địa điểm vì khung cảnh ở đây ấm cúng và biệt lập với thành phố.

Hôm tôi mới về, ngõ lời mời anh chị em ăn cơm để gặp gỡ mọi người thì Thanh Sơn liền đề nghị tổ chức tại nhà Mặc Thế Nhân. Ngay khi đó tôi nghĩ tới Trúc Phương và sợ là xa như vậy không biết Anh có tới được không? Thanh Sơn đã cho tôi biết tuy bịnh nhưng Trúc Phương vẫn có thể chạy xe gắn máy được.

Thanh Sơn nói: “Trúc Phương tuy yếu nhưng những cuộc họp măt gặp gỡ kiểu này hắn đều có mặt. Nhật Ngân cứ yên tâm đi… tôi bảo đảm mà”. Và hôm đó Tr. Phương đã đến, sau khi ngồi thở dốc chừng 5, 10 phút, với một giọng nói thều thào đứt quãng, Anh đã thăm hỏi hầu hết mọi bạn bè đồng nghiệp ở bên này. Tôi còn nhớ Anh hỏi Duy Khánh ra sao, khá không? Anh hỏi Thanh Thúy, Hoàng Oanh bây giờ thế nào, sao không thấy về chơi? Anh hỏi Anh Phạm Duy, Song Ngọc, Trầm Tử Thiêng, Lê Văn Thiện, Ngọc Chánh…  đời sống bây giờ ra sao? Anh hỏi thật nhiều làm tôi trả lời muốn không kịp… ngay khi đó tôi đã có cảm tưởng Anh hỏi như để không bao giờ được hỏi nữa. Trước mắt tôi lúc đó Trúc Phương tuy có vàng võ tiều tụy khác xưa nhưng vẫn nồng nhiệt, dí dỏm như ngày nào.

Tiệc tàn, khi anh em sửa soạn chia tay lên xe về, Trúc Phương kéo tôi ra riêng một góc anh nói: “Cậu về bên đó nhắn anh chị em lời tôi thăm hỏi và thành thật cảm tạ những thâm tình của anh chị em đã nghĩ tới tôi trong cơn bệnh hoạn này… tôi thấy trong mình tôi hồi này đã tệ lắm rồi, sợ không còn dịp để gặp gỡ anh chị em nữa đâu…”. Dường như quá xúc động và hụt hơi, Anh đã ngừng lại ở đây ít phút, sau đó Anh đã rút túi một bản nhạc đưa cho tôi, anh nói: “Đây là ca khúc cuối cùng của tôi vừa hoàn tất trong tháng qua, cậu đem về bên đó phổ biến dùm và coi như đây là lời tạ từ của tôi…”. Nói tới đây, một cơn ho sặc sụa bất chợt kéo đến, Trúc Phương ngồi xuống ghế, tay ôm ngực, mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt tươm trên mặt. Mọi người nhìn Anh ái ngại, nhưng chỉ khoảng ít phút sau Anh đã đứng lên, cười cười: “Bệnh của tôi như giả bộ vậy đó, bây giờ tôi lại khỏe rồi… Thanh Sơn đạp xe nổ dùm tôi đi… tụi mình về liền, không thôi trời đổ mưa thì khổ…”

Sau đây là những lời trăn trối của Trúc Phương qua “Xin Cảm Ơn Đời”.

“Đời đã không may và những không may tiếp theo sau để trôi tất cả. Sống chông chênh dòng đời lênh đênh chẳng mái ấm gia đình đôi khi tội tình nhìn gương mà thương bóng mình.

Thuở mới yêu xưa người đã cho tôi những đam mê từng đêm rất lạ, lúc chia xa người lại cho ta hồ nước mắt lưng tròng khi ta chạnh lòng ngồi ôm hạnh phúc lưng chừng.

Trách gì cũng nước lã người dưng, thôi thì yêu dù mùa yêu có muộn, sợ mong manh đêm vui, sợ đơn phương chăn gối, cuối cùng sợ thuyền đi bỏ bến buồn tênh.

Giờ vướng cơn đau còm cõi xanh xao nhưng cơn đau tuổi xuân rớt lại. Cảm ơn em, bè bạn nơi nơi gửi chút xót xa người, thêm đôi tuổi trời thở hơi thở ấm ơn đời”.

Về tới Mỹ chưa được một tháng thì Mặc Thế Nhân và Đỗ Lễ gọi qua báo tin Trúc Phương đã ra đi. 2 anh cho biết anh chị em nhạc sĩ ở Sàigòn đã ma chay cho Trúc Phương thật đàng hoàng và giờ thì đã mồ yên mả đẹp. Trong dịp này, Mặc Thế Nhân cũng cho biết anh em nhạc sĩ sáng tác ở Sàigòn dự trù sẽ thực hiện 1 băng nhạc để tưởng nhớ Trúc Phương gồm những ca khúc do anh em nhạc sĩ sáng tác dành riêng cho Trúc Phương để kỷ niệm. Anh đề nghị tôi đóng góp 1 bài và thông báo với các nhạc sĩ bên này ai muốn đóng góp bài vở thì xin gửi gấp về cho Anh để kịp thực hiện.

Sau đây là ca khúc của tôi đóng góp trong băng nhạc tưởng nhớ Trúc Phương, bài Cát Bụi Từ Đây (Gửi Người Về Cát Bụi):

“Anh đã bỏ cuộc chơi
Sau bao lần thua buồn
Nửa đêm ngoài phố lang thang
Bước chân buồn trong kỷ niệm
Buồn vào hồn không tên.

Anh đã biền biệt xa
Trên con tàu vô định
Còn đây là những dư âm
Ngõ đi về hai lối mộng,
Âm thầm giọt mưa vắng dài.

Ôi tiếng hát một đời xót xa,
Ôi giá buốt một thời đã qua.
Tình yêu phũ phàng trao anh,
Đời quay mặt không tiếc nuối,
Nước mắt rơi âm thầm rơi.

Trong cát bụi từ đây
Thênh thang đường mây trời
Giờ anh nhẹ gót phiêu du
Nhớ anh tìm trong khúc nhạc
Tôi chợt nghe man mác buồn.

Nhật Ngân Và Duy Khánh trong lần thu âm ca khúc “Gửi Người Về Cát Bụi”

(Bài hát này đã được Bảo Yến thu thanh thời điểm đó, sau này Duy Khánh cũng thu âm rất thành công). Cho tới hôm nay thì băng nhạc “Tưởng Nhớ Trúc Phương” đã hoàn tất phần thu thanh tại phòng thu Quốc Dũng và nếu không có gì trở ngại thì sẽ phát thành vào tháng tới.

Danh sách tác giả đóng góp bài bản chúng tôi chỉ mới biết sơ như Châu Kỳ, Bảo Thu, Hoàng Trang, Thanh Sơn, Ngọc Sơn, Khánh Băng, Mặc Thế Nhân, Nhật Ngân, Quốc Dũng, Tô Thanh Tùng, Hoài Thương… Nhiều nhạc sĩ ở hải ngoại cũng đã gửi bài về đóng góp nhưng chúng tôi chưa nắm vững tên tuổi nên không lên danh sách. Để nhớ tới T.Phương tưởng không còn gì ý nghĩa hơn là tìm nghe băng nhạc “Tưởng Nhớ Trúc Phương” sẽ phát hành vào một ngày gần đây.

(Nhật Ngân – Thế Giới Nghệ Sĩ, số tưởng niệm Nhạc Sĩ Trúc Phương)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.