Nhạc Sĩ Ngô Thị Miên Và 17 Tác Phẩm Tình Ca Trong Miên Khúc

0 1.614

Nếu phải chọn ra một bản nhạc được cho là hay nhất, đã được thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn, nhiều người có lẽ sẽ chọn Album “Miên Khúc – 17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” được phát hành vào đầu năm 1975, do Hoàng Phúc và Ng. Phước Tố thực hiện và trung tâm Thúy Nga đại diện phát hành. “Miên Khúc -17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” là một hợp tuyển gồm 17 ca khúc chọn lọc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, giới thiệu đến người nghe bằng các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Châu Hà, Thanh Lan, Xuân Sơn, Sơn Ca, Duy Trác, Duy Quang, và Kim Tuấn. Phần hoa âm thật xuất sắc do nhạc sĩ Văn Phụng đảm trách.

Album ra đời đầu năm 1975, tức là lúc chiến tranh đang leo thang thảm khốc. Người dân Miền Nam chưa kịp quên mùi bánh mứt của ngày Tết Nguyên Đán thì lửa đã cháy rực từ Miền Trung lan dần về Sài Gòn và dẫn đến ngày chung cuộc 30 tháng 4 năm 1975. Trong một hoàn ảnh như vậy, có lẽ không có nhiều người biết đến hay có dịp để thưởng thức tác phẩm độc đáo này ngay sau khi nó được giới thiệu đến công chúng, Khi chiến sự đã tạm lắng dịu. Người dân đã bắt đầu quen dần với người chủ mới và ý thức được những gì còn và mất, album “Miên Khúc – 17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” bắt đầu được chú ý và dần trở thành một báu vật của những người yêu nhạc.

Người ta tìm đến “Miên Khúc – 17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” như là cách để thỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn của họ khi phải đối diện với quá nhiều thay đổi trong cuộc sống hằng ngày. Cũng có người chọn nghe lại album “Miên Khúc – 17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” và những tình khúc khác đã được ghi âm trước năm 1975 như một thái độ phản kháng hay bất hợp tác với người chủ mới. Nhưng yếu tố đã giữ chân họ lại hay khiến họ phải quay trở lại với “Miên Khúc” chính là sự chọn lọc về ca khúc và giọng ca thể hiện. Trước hết phải kể đến tài năng sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Sáng tác của ông mang nhiều phong cách khác nhau và đến nhiều tầng lớp nghe nhạc khác nhau trong xã hội. Mỗi một ca khúc của Ngô Thụy Miên trong album này mang đến cho người nghe một tâm trạng riêng. Không có sự trùng lập, 17 tình khúc là 17 gương mặt cảm xúc khác nhau. Đó có thể là giây phút yêu thương lãng mạn của mùa thu, những cảm xúc bước vào đời của tuổi mới lớn hay nỗi đau chia lìa của một tình khúc buồn.

Trong số những ca sĩ góp mặt, ngoại trừ Kim Tuấn, còn lại là những giọng ca hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Họ đã hát như thể bài hát đã được viết cho riêng họ và thật sự đã tạo dấu ấn riêng cho mỗi bài hát mà họ đã trình bày. Người ta giờ đây, nhắc tới giọng ca của Xuân Sơn khi nghe “Mùa Thu Cho Em” hay “Giọt Nước Mắt Ngà”; tới ca sĩ Miên Thái Thanh khi nhắc tới “Tuổi Mười Ba” hay “Paris Có Gì Lạ Không Em?”; nhớ đến Khánh Ly trong “Niệm Khúc Cuối” và “Dấu Tình Sầu”; Lệ Thu trong “Giáng Ngọc” hay “Bản Tình Cuối”, Thanh Lan trong “Tình Khúc Tháng Sáu”; đến Duy Trác trong “Mắt Biếc” hay “Áo Lụa Hà Đông” và Duy Quang trong “Tình Khúc Buồn”.
Không thể không nhắc đến phần hòa âm của nhạc sĩ Văn Phụng trong album này. Nhiều người cũng đồng ý là phần hòa âm của nhạc sĩ Văn Phụng trong album “Miên Khúc – 17 Tình Ca” đã góp phần không nhỏ cho thành công của tác phẩm nghệ thuật này. Văn Phụng nổi tiếng với tài nghệ hòa âm độc đáo. Đối với nhạc sĩ Văn Phụng, hòa âm một ca khúc là dùng âm thanh dễ tô đậm giai điệu của bài nhạc và lột tả nội dung của ca khúc sâu sắc nhất. Ông gần như viết thêm giai điệu cho mỗi bài nhạc mình hòa âm để mang cho người nghe những cảm xúc sâu lắng, và toàn vẹn nhất Phần hòa âm của nhạc sĩ Văn Phụng cho 17 ca khúc của album này đã tạo thành những chiếc chìa khóa giúp người nghe nhận dạng ca khúc và đón nhận nó như đón nhận 17 người thân của mình. Người ta không thể quên tiếng guitar solo trong bài “Tình Khúc Buồn” hay “Bản Tình Cuối” Người ta cũng không thể bỏ qua tiếng đàn Phong Cầm trong ca khúc “Paris, Có Gì Lạ Không Em?” hay tiếng ca sĩ Châu Hà ngân nga cho phần mở đầu của bài “Từ Giọng Hát Em”.

Điều thú vị là album được công chúng yêu thích nhiều như vậy nên đây có lẽ là băng nhạc được “nghe lén” nhiều nhất sau năm 1975 tại Việt Nam. Một yếu tố khác khiến băng chiếm được cảm tình của công chúng là vì băng được phát hành đầu năm 1975 nên kỹ thuật thâu âm và phim chat của băng nhạc cũng còn được giữ gìn tốt cho đến ngày này. Điều này giúp cho những trung tâm sang băng có thể tạo được sản phẩm có phẩm chất tốt thỏa mãn yêu cầu của khách nghe nhạc khó tính.

Vì mức độ yêu thích của công chúng quá lớn, sau này bên hải ngoại, người ta cũng có cho thực hiện lại album này với sự góp mặt của những giọng ca tên tuổi ở hải ngoại. Phiên bản mới này cũng mang đến nhiều thành công. Nấu cần so sánh thì album thực hiện tại hải ngoại sẽ có nhiều ưu điểm hơn như phẩm chất thu âm tốt hơn, kỹ hòa âm phong phú hơn và ca sĩ hát hợp với thị hiếu của thời đại hơn, so với album thực hiện năm 1975. Nhưng công chúng nghe nhạc xưa vẫn tìm về album “Miên Khúc – 17 Tình Ca”. Đây có thể được coi là lời ca sĩ khẳng định của giới yêu nhạc đối với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và về giá trị của tác phẩm nghệ thuật này. Album “Miên Khúc – 17 Tình Ca” xứng đáng được đặt ở một vị trí trang trọng như là kiểu mẫu của cách hát và cách hòa âm cho một loại nhạc đã phải trải qua nhiều sóng gió trước khi trở thành “vàng” trong xã hội.

Vancouver, ngày 13 tháng 6 năm 2016
Theo Thế giới Nghệ Sĩ

XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.