Kỷ Niệm Cũ : “Phút Cuối” Bên Cạnh Ba

0 1.149

Sinh ra vào thời chiến, nên sau khi hết “tú tài đôi” ba tôi theo học trường Đồng Đế, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp ông làm việc dưới trướng gia đình Ngô Đình. Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa chính là cái không hội tụ đủ. Năm 1963 nhà Ngô Đình bị thanh trừng, ba tôi cũng lưu lạc ở Sài Gòn. Nghiệp binh không còn, loay  hoay  một mình ở sứ lạ quê người nên ông quyết định thay tên và làm lại cuộc đời. Mượn lời của nhạc sỹ Lam Phương tôi muốn kể về phút cuối của cha tôi. Câu chuyện cũng đơn giản là cho bạn biết thêm về một chút – một phút cuối – phận người. Nếu không thích nghe, xin bạn hãy chỉ thưởng thức nhạc và cảm ơn. Câu chuyện thật này cũng muốn chia sẻ với anh, chị và em của tôi, những người đã không chứng kiến giây phút ấy. Còn tôi, mãi đến bây giờ vẫn ân hận vì ngày đó mình còn bé quá. Cái sự hiểu biết của một đứa trẻ 12 tuổi đã không giúp gì được cho ba tôi. Tôi chắc chắn rằng ba tôi đã ra đi mang theo nhiều uất ức…

Thời điểm năm 1975 ba tôi đã là một ông chủ của một trại chăn nuôi dạng khủng. Cái cách ông lèo lái gia đình và dạy dỗ anh em tôi cũng pha chút tác phong nhà binh. Anh chị em tôi phải thức dậy từ 5 giờ sáng để tập thể dục và sau đó cùng nhau học bài. Công việc gia đình cũng phân công rõ ràng. Vào những năm ấy ông đã áp dụng các công nghệ tiên tiến vào trong chăn nuôi: Vườn- Ao- Chuồng, trồng rau, nuôi cá, nuôi heo gà… Cách chọn con giống rất khoa học, gà ấp bằng những máy chạy bằng điện. Chuồng trại lúc nào cũng vệ sinh sạch sẽ. Gà sau một chu kỳ 3 tháng phải thay chuồng mới, chuồng cũ tháo ra vệ sinh-phơi nắng sát khuẩn… Thời kì ngăn sông cấm chợ, mọi thứ cần mua đều phải xếp hàng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm khi vận chuyển qua các trạm thuế vụ cần phải có giấy giới thiệu với con dấu đỏ. Cái giấy thông hành này chỉ duy nhất cơ quan nhà nước hay HTX mới có. Café, bắp hạt, các loại thực phẩm… đều tự cung tự cấp. Các tay buôn lậu chỉ cần lén mua một bao café hay một bao tạ bắp ngô, đem lọt qua các trạm thuế vụ, mang về thành phố là có thể kiếm lời cả chỉ vàng. Bọn thiếu niên chúng tôi thường dẫn dắt và đẩy phụ các anh xe thồ chạy qua các chốt thuế vụ khi họ nghỉ ăn cơm hay đổi gác để được vài đồng xu. Ba tôi đã dùng công nghệ “củ khoai” khắc ra 1 con dấu và đánh máy một loạt giấy giới thiệu để mạ tôi ra ngoài Vũng Tàu mua khô đống về xay ra với bắp để làm cám cho heo ăn. Thanh niên cả làng thường hay giúp nhà tôi phơi cá khô mỗi khi có đợt mua hàng về. Nhiều người khó khăn còn xin ba tôi mấy con khô ngon đem về ăn…

Vũng Tàu thập niên 80.

Vào cái ngày định mệnh ấy, thời tiết mùa hè nóng nực, ba tôi vẫn mang trong người cái bệnh Cao Huyết Áp. Các bài thuốc dân gian đã không  kiền giữ được áp lực vừa phải trong mạch máu. Cha tôi đang trong bếp nấu nồi cám heo, bỗng ông lảo đảo, miệng lắp bắp không nói nên lời. Cái tiếng tôi nghe rõ nhất là: “kêu… kêu…kêu..”. Tôi nghĩ ngay ba tôi bảo tôi đi kêu mạ tôi về!”

Loanh quanh khắp xóm khoảng 15 phút sau đã gọi mạ tôi về đến nhà. Khi đó ba tôi đang nằm sóng xoài, mắt khép hờ. Mạ tôi nhanh chóng dựng ba tôi dậy lau chùi máu đang trào ra trong mũi, miệng. Gọi được chiếc xe lam tôi và mạ tôi cùng ai đó mà tôi không nhớ rõ, đưa ba tôi vào bệnh viện đa khoa Thủ Đức để cấp cứu. Nhưng đã trể rồi, sau khi khám cho ba tôi bác sỹ nói ba tôi đã qua đời… Ở cái phút cuối ấy tôi chắc rằng ba tôi có rất nhiều điều muốn nói:

Nói rằng ông có số tiền rất lớn giấu trong những viên gạch block do chính tay ông đúc và xây nên những bức tường. Cái bức tường đó đã đổ sập trong một cơn mưa bão sau khi đổi tiền vào năm 1985… Và thế là số tiền cũng theo ông trong khi cả nhà đang trong lúc khốn khó.

Nói rằng ông có một số thỏi vàng cất đâu đó (hoặc chôn đâu đó) trong nhà. Một lần nghịch phá tôi đã cho những viên đạn đại liên mà tôi mò được dưới suối vào trong lò lửa (khi ở nhà một mình) để xem nó nổ. Cái lò nổ banh ra lộ những tấm vàng hình ba quả núi (2,5 chỉ / 1 miếng). Sau khi dọn dẹp tôi gom mấy miếng vàng ra xếp hình chơi. Ba tôi về thấy, đánh tôi một cái, tịch thu mấy miếng vàng. Ông lại cất đi và không nhắc lại chuyện này nữa…

Và ông muốn nói rằng, muốn nói rằng… Cái muốn của ông chắc còn nhiều lắm…

Kể từ khi ba mất, tôi cũng đã …. lạc lối …..

Sự ra đi của ông mang theo một khoảng trống rất lớn: Con thuyền gia đình bắt đằu chao đảo trước những cơn sóng cuộc đời. Giờ đây khi tôi đã đi quá nửa của cuộc đời, cái mà tôi tự hào nhất lại chính là những sự dạy dỗ ngày ấy mà ông dành cho tôi: Một chút kìm kẹp, những lời la mắng và một chút đòn roi. Sự trui rèn của ông dành cho tôi đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Dù bản thân không giàu có nhưng những tri thức hiện tại giúp tôi mở ra tương lai cho những đứa con của tôi. Con hơn cha nhà có phúc mà!

B&B

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.