Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc Chiều Mưa Biên Giới Của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông

0 13.835

“Chiều mưa biên giới Anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ

Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ…

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người

Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi!”

Theo một số tài liệu ghi nhận, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc Chiều Mưa biên Giới như sau :

Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười… Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài ‘Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…’

Kính tặng các Chiến – sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến, dâng mình cho đất nước và các Bạn thanh – niên sắp khoác chiến – y.

Kỷ – niệm Đồng – Tháp – Mười (Biên giới Việt – Cambod 1956)
Nguyễn – Văn – Đông

Được biết, đây là nhạc phẩm được “tái bản lần thứ sáu trong vòng hai tháng”, phá kỷ lục phổ biến mạnh mẽ nhất từ xưa tới thời điểm đó. Đồng thời cũng là nhạc phẩm được giới nghệ sĩ yêu thích và báo giới nhiệt liệt khen ngợi.

Còn các Bạn thì sao? Những người yêu nhạc vàng…
“Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường…”

Cá nhân mình luôn trải nghiệm một cảm xúc bâng khuâng, một niềm thương khôn tả mỗi khi nghe lại nhạc phẩm này. Phải gọi là nhạc phẩm bất hữu trong số những nhạc phẩm đã đi vào lòng người… Như đã từng giới thiệu về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở bài trước, nay xin mạn phép có đôi dòng sơ lược về vị nhạc sĩ tài hoa này.

Theo tư liệu, nhạc sĩ (NS) Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15-3-1932 tại quận 1, Sai Gòn, nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu. Ông có các bút danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ca Việt Nam, tác giả của nhiều ca khúc tân nhạc nổi tiếng như “Chiều Mưa Biên Giới”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”,”Sắc Hoa Màu Nhớ”, “Nhớ Một Chiều Xuân”, “Bóng Nhỏ Giáo Đường”, “Cay Đắng Tình Đời”, “Bẽ Bàng”,… Ngoài ra ông còn là soạn giả của một số tuồng cải lương thịnh hành như “Tiếng Hạc Trong Trăng”, “Nửa Đời Hương Phấn” nổi tiếng.

Ông là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Từ năm 1958, ông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời gian của Đài Phát Thanh Saigon, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…

Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly (Sơn Ca 7), Thái Thanh và Ban nhạc Thăng Long (Sơn Ca 10), Lệ Thu (Sơn Ca 9), Phương Dung (Sơn Ca 5 và 11), Giao Linh (Sơn Ca 6), Sơn Ca (Sơn Ca 8)… và một số album riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Anh Thy. Tư liệu, hình ảnh và link nhạc: sưu tầm nhiều nguồn.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.