Giờ Này Anh Ở Đâu Gợi Nhớ Miền Nam Qua Các Chiến Địa Thao trường

0 3.671

Xin một lần nhắc đến những địa danh cùng với các vùng chiến địa miền Nam, cũng như một lần nhắc đến bài hát Giờ Này Anh Ở Đâu, một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Khánh Băng. Gợi nhớ về miền Nam thân yêu và nói lên sự gian lao của người lính ở các vùng chiến địa và thao trường.

Phải nói lời bài hát Giờ Này Anh Ở Đâu như chứa đựng cả miền Nam trong đấy, không chỉ gọi tên các địa danh mà còn nhắc đến tất cả các binh chủng với nhiều trận đánh nổi tiếng. Song song đó bài hát cũng nói về tình yêu của người con gái hậu phương gửi đến người đầu tuyến, cho dù người lính ở đâu thì cũng vẫn yêu hoài và yêu suốt đời. Một sáng tác quá tuyệt vời, gói trọn tất cả cảm xúc vừa bị lụy, vừa đáng thương, vừa đau khổ nhưng lại có chút gì đó can trường, mạnh mẽ… chỉ trong một câu hỏi bỏ lỡ: “Anh ở đâu, anh ở đâu…?”

Giờ Này Anh Ở Đâu do hai danh ca Thanh Tuyền & Phương Hồng Quế trình bày.

Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người
Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?
Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường
Anh ở đâu? ú u ù … … Anh ở đâu?

Ở đoạn đầu tiên của bài hát có nhắc đến các quân trường nổi tiếng của miền Nam như:
Quang Trung (Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung), chuyên đào tạo và huấn luyện các binh sĩ tình nguyện và tân binh quân dịch, cung cấp cho các quân, binh chủng.
Dục Mỹ, trung tâm huấn luyện Biệt động quân đặt tại thị trấn Dục Mỹ, xã Ninh Sim, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Biệt động quân là binh chủng rất thiện chiến của VNCH.
Lam Sơn, thuộc thị trấn Dục Mỹ, chuyên đào tạo tân binh và Hạ sĩ quan Bộ binh giống như quân trường Quang Trung.
Đồng Đế (Quân trường Đồng Đế), chuyên đào tạo cấp bậc hạ sĩ quan và sĩ quan trừ bị nổi tiếng đặt ở Đồng Đế, Nha Trang.

Giờ này anh ở đâu?
Pleiku gió núi biên thùy
Giờ này anh ở đâu?
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ này anh ở đâu?
Cà Mau tiếng sét U Minh rừng
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?

Ở đoạn tiếp theo của bài hát là 3 vùng chiến địa khốc liệt nhất được nhắc đến như Pleiku, Miền Trung, U Minh Cà Mau. Trải dài từ vùng địa đầu qua Quảng trị cho đến tận cùng Cà Mau.
Cao nguyên Pleiku, là một cứ điểm chiến lược quan trọng thuộc vùng 2 chiến thuật, quân khu 2 quanh năm gió núi sương mù, khí hậu khắc nghiệt. Với những trận đánh lớn như Charlie, Ben Hec, tái chiếm Ban Mê Thuộc, …..
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu, quanh năm mưa dầm nắng dãi, đất đai khô cằn… và trong những tỉnh duyên hải miền Trung đó, không có vùng nào chịu nhiều khổ đau hơn Quảng Trị, là vùng địa đầu giới tuyến chịu bao tang thương khói lửa.
U Minh Hạ Cà Mau, căn cứ chiến trường nóng bỏng trong các trận đánh. Vùng đất heo hút đầy muỗi mòng và sốt rét. Nơi người lính phải chịu sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên với vùng sình lầy sông ngòi chằng chịt.

Dù rằng anh ở đâu, Anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài
Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời …
Vì lời thề xưa nở trên môi
Và một tình yêu đã lên ngôi
Kỷ niệm đầu tiên sống trong tôi
Trên đường ta bước chung đôi

Thế nhưng, “dù rằng anh ở đâu, anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời… khi những giai điệu hào hùng đan xen cùng những cảm xúc của những người phụ nữ trong thời chinh chiến, nơi họ có những người em, người anh, người chồng hay người cha ra đi vì lý tưởng chung. Người con gái hậu phương ấy không yếu đuối, họ mạnh mẽ, yêu lính và hiểu lính hơn bất kỳ ai. Họ vẫn mãi yêu anh, người lính chung tình với lời thề xưa cho người yêu và cho tổ quốc, dù đời lính có khiến anh phải nay đây, mai đó. Kỷ niệm về những ngày đầu bên nhau luôn khắc sâu vào trái tim em gái hậu phương, nhất là những lúc bước chung đôi bên nhau.

Giờ này anh ở đâu?
Không quân vỗ cánh đại bàng
Giờ này anh ở đâu?
Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng
Giờ này anh ở đâu?
Vượt đường xa thiết giáp anh tung hoành
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?

Để cảm tạ và ghi lại các đơn vị hoặc Binh chủng mà tác giả đã từng viếng thăm, các đơn vị được nhắc đến tiếp theo là:

Không quân đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ vùng trời của tổ quốc, đã có rất nhiều chiến dịch mà không quân đã yểm trợ hành quân cho các đơn vị bộ binh, tải thương binh sĩ, hỗ trợ đạn được, tiếp tế thực phẩm, do thám và di tản đồng bào trong những vùng giao tranh.

Thủy quân Lục chiến, là những “cọp biển” hào hùng đã có nhiều chiến công vang dội, mà chúng ta có thể nói đến như chiến thắng oai hùng bên bờ sông Thạch Hãn và bạc vía quân thù nơi Cổ Thành Quảng Trị

Thiết giáp Kỵ binh, là lực lượng xung kích tác chiến và cơ động trên các chiến trường với hỏa lực mạnh.

Nhảy Dù, những thiên thần mũ đỏ oai hùng bao phen làm quân thù khiếp sợ từ chiến trường giới tuyến hay các mặt trận ngoại biên.

Trước và sau 1975, hầu như những sáng tác điều ca ngợi về người lính VNCH, có thể các anh là những chàng trai đạp mây, lướt gió trên quê hương. Hình ảnh các anh vừa oai hùng vừa lãng tử chứa đầy yêu thương, các anh là: Thiên thần mũ đỏ, Cọp Biển oai hùng, Lục Thần Thủy Mũ Xanh… của bao người em gái hậu phương. Các anh mãi tung hoành trên các chiến trường kiêu hùng.

Giờ này anh ở đâu?
Tây Ninh tiếp ứng biên thành
Giặc tan trên đất Hạ Lào
Giờ này anh ở đâu?
Trại Hoàng Hoa tung gió cánh hoa dù

Đoạn về cuối, nhạc sĩ Khánh Băng nhắc về trận Hạ Lào, một trong những trận cam go và thương tâm nhất của chiến tranh miền Nam. Chỉ trong 4 câu ngắn ngủi ông đã thể hiện cả một trận đánh lớn, nóng như thiêu trong lửa của vùng Cà Tum, Tây Ninh. Cuộc “Hành Quân Lam Sơn 719” toàn thắng qua Hạ Lào rồi về dưỡng quân sau những ngày chinh chiến chiến tại Trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Nhảy Dù gần căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt. Những cánh hoa dù tung bay trong gió chiều ngày ấy, mới đẹp làm sao.

Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?
Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?

Anh ở đâu? Anh ở đâu? Các chiến sĩ xưa… giờ này anh ở đâu?

Lời Trần Tình Của Tác Giả:

Kính thưa Quý Vị và các bạn Chiến sĩ,

Trong 6 năm phục vụ công tác văn nghệ quân đội, chúng tôi đã trình đi trình diễn trên hầu hết 4 Quân  Khu: kể cả những tiền đồn xa xôi hẻo lánh, thiếu hẳn những phương tiện cần thiết.

Tại những nơi này, chúng tôi được các bạn chiến sĩ tiếp đón một cách nồng hậu cũng như đã được các cấp chỉ  huy nâng đỡ về tinh thần, giúp đỡ bằng phương tiện và đôi khi bằng vật chất cũng có. Những ân tình đó theo tôi nhận thấy, với những lời cảm tạ thông thường tại chỗ không thể nào diễn đạt hàm súc được hết ý nghĩa.

 Vì lẽ đó, trong nhạc phẩm GIỜ NÀY ANH Ở ĐÂU? – tôi xin thay vay mượn tâm tình của những người em gái hậu phương đối với những người yêu đang có mặt tại khắp chiến trường, hầu ghi lại các đơn vị hoặc Binh chủng mà tôi đã từng thăm viếng. Tôi hy vọng với hình thức nầy, ý nghĩa cảm tạ của tôi sẽ được nêu lên một cách thiết thực, công khai và lâu dài hơn. Tuy nhiên, vì khuôn khổ quá eo hẹp và vì luật sáng tác quá giới hạn nên còn thiếu sót nhiều đơn vị khác… Xin các bạn thông cảm cho.

Ước mong nhạc phẩm này sẽ được phổ biến sâu rộng trong mọi giới, nhứt là trong hàng ngũ các bạn quân nhân để ý nghĩa cao đẹp của cá nhân tôi không bị mai một, hay ít ra cũng nhắc nhở được phần nào những hình ảnh oai hùng và những chiến tích lẫy lừng của QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HÒA nói chung.

Chào quyết thắng

Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.