Kính thưa quý vị, như quý vị đã theo dõi thì vào hạ tuần tháng 1/2021, chúng tôi có xuôi về Phú Lộc, Thạnh Trị, Sóc Trăng để tìm kiếm về thông tin của nhạc sĩ Thăng Long và Gia Đình. Thì cách đây 1 tuần, khi đang đi công tác ở Bà Rịa, tôi nhận được cuộc gọi của anh Tâm, người con trai trưởng của cố nhạc sĩ Thăng Long gọi để cảm ơn, tôi hẹn anh sáng thứ 3 ngày 2/3/2021 tại khu nhà trọ anh đang sống bên Bình Quới, Thanh Đa để trò truyện cũng như anh cho tôi xem những bút tích và những di vật của nhạc sĩ Thăng Long. Xin nói thêm cho những bạn chưa biết đến nhạc sĩ Thăng Long được hay thì ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng trước 1975 như : Quen Nhau Trên Đường Về, Nói Với Người Tình, Nếu Biết Tình Yêu, ….
Trong căn nhà trọ tồi tàn ở Bình Quới, tồi tàn đến độ không thể tồi tàn hơn, anh đã cho tôi xem những thứ là vô giá với anh bây giờ, đó là những sáng tác của Ba anh và những bút tích còn sót lại của ông lúc cuối đời. Và với cây đàn thiếu dây anh Tâm đã đàn cho tôi nghe những sáng tác của cha mình ….. anh đã làm cho tôi khâm phục vì anh giống với câu tục ngữ ngày xưa : giấy rách phải giữ lấy lề. Anh đã gìn giữ những tác phẩm, những bút tích của ba anh, anh còn đã tập chơi nhạc và sáng tác để đỡ nhớ ba. Dù cho anh học không cao, làm nghề xây dựng và anh phải tha hương như trong câu hát của cha anh : “lênh đênh kiếp phong trần, nổi trôi theo ngày tháng”.
Nhớ về cha mình, anh kể rằng ông tính tình hiền lành lắm, được mọi người kính nể và tôn trọng dù cho ông có ở xứ người đi chăng nữa. Ông sống hòa nhã với mọi người trong xóm, thường xuyên được giới nghệ sĩ thời đó ở Sài Gòn ghé thăm, thỉnh thoảng có những ca sĩ nổi tiếng đến thăm như Ngọc Sơn và Phi Nhung. Còn Anh Tâm vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 được nhạc sĩ Thăng Long giới thiệu đi học nhạc và chơi nhạc trong band của nhạc sĩ Quốc Dũng, nhưng một thời gian sau vì mức lương nhạc công không đủ sống và vì lời khuyên của ca sĩ Bảo Yến là : “nghề này khổ lắm em ơi, kiếm nghề khác theo đi”, thì anh Tâm quyết định tạm ngưng để kiếm con đường mưu sinh khác. Cũng xin nói thêm vào lúc đó thường sau những buổi chơi nhạc thì anh cùng band hay “giải sầu” bằng “nước mắt quê hương”, và mọi người thân xung quanh cũng khuyên nhủ anh ngưng nghề này vì không muốn anh dính vào “nước mắt quê hương” quá nhiều, nên một phần anh ngưng chơi nhạc cũng vì lý no này. Khi nghỉ đờn thì anh còn được nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến tặng cho một số tiền để đi học nghề đóng giày, cũng theo học và làm nghề được vài năm, nhưng vì nhiều lý do và vì “cái số hay sao đó” nên anh qua campuchia học tiếp nghề xây dựng và ở bển cũng vài năm để làm.
Cỡ vài năm trở lại đây, vì làm ăn thất bại, thì anh em ly tán hết, nhà cửa dưới Sóc Trăng cũng không còn vì bán trả nợ cho người em, anh vì buồn và mưu sinh nên phải tạm xa gia đình lên SG làm tiếp nghề xây dựng để nuôi con, nhưng từ khi dịch đến nay cũng bữa đực bữa cái không ổn định lắm. Anh chia sẻ chắc cái số anh giống ba, ngày xưa lúc còn sống nhạc sĩ Thăng Long mong được một lần về thăm quê cha đất tổ ở Hải Dương nhưng chưa thực hiện được, ông xa quê từ năm 15 tuổi và chưa một lần trở lại, cũng vì cái số của ông lận đận và quá côi cút. Nhưng trong mắt của anh Tâm, tôi vẫn cảm thấy sự lạc quan và tin tưởng, anh đã mang theo di ảnh của cha mẹ theo mình lên Sài Gòn và luôn thắp nhang tưởng nhớ hằng ngày. Anh hứa với bản thân và tin rằng mình sẽ tôn trọng và gìn giữ tất cả những tác phẩm của Cha, cũng như luôn nhớ thương về cha mình, ở một nơi nào đó, tôi cũng tin nhạc sĩ Thăng Long sẽ nhìn thấy và an lòng.
Nhân đây, anh Tâm cũng nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến Trung Tâm Thúy Nga, Asia, Hollywood Night, MC Trần Quốc Bảo, những nhạc sĩ ngày xưa từng giúp đỡ gia đình, cũng như những người yêu nhạc đã luôn đồng hành và yêu mến những ca khúc của nhạc sĩ Thăng Long, mong những điều tốt nhất sẽ đến với mọi người.
Xin gửi đến cho quý vị xem những bút tích còn lại của nhạc sĩ Thăng Long.
Phúc Ben.
Quý báo có thể cho xin địa chỉ hoặc số điện thoại Anh con trai trưởng của nhạc sĩ Thăng Long để tiện liên hệ được không ạ. Xin cảm ơn.