Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Mạnh Phát Và Ca Khúc ‘Thành Đô Ơi ! Giã Biệt’

0 7.383

Nhớ về cố Ca Nhạc sĩ Mạnh Phát là nhớ đến rất nhiều nhạc phẩm mà biết bao người yêu thích từ xưa cho đến nay như Chuyến Đi Về Sáng, Hoa Nở Về Đêm, Nỗi Buồn Gác Trọ, Sương Lạnh Chiều Đông, Vọng Gác Đêm Sương, Ngày Xưa Anh Nói… Không phải ai cũng biết ông cũng là một nam ca sĩ nổi tiếng hàng đầu, vào đầu thập niên 40 ở Sài Gòn. Vào thời điểm ấy, ông được biết đến như một trong hai đôi uyên ương nổi tiếng, đó là Mạnh Phát – Minh Diệu và Châu Kỳ – Mộc Lan. Năm 49, ông là nam ca sĩ rất nổi tiếng của đài phát thanh Pháp Á. Khi ông dẫn đoan văn nghệ ra Huế trình diễn, điều này đã tạo nên cơ duyên cho sự gặp gỡ giữa ông và nhạc sĩ Văn Giảng. Đó cũng là thời điểm nhạc sĩ Văn Giảng vừa hoàn thành ca khúc Ai Về Sông Tương. Được thưởng thức nhạc sĩ Văn Giảng hát ca khúc này, ông bày tỏ sự yêu thích, xin phép được hát ca khúc này khi về nam và vào cuối năm 1949, khi tổng kết nhạc yêu cầu được yêu thích nhất, Mạnh Phát và “Ai về sông Tương” đã giành hạng nhất. khán giả thời đó rất yêu mến giọng hát của ông khi trình bày ca khúc này, nhưng điều đáng tiếc là dần dần về sau, những phần trình bày của ông dần bị thất truyền, đi vào quên lãng, cho đến khi không còn mấy người nhớ về một Mạnh Phát với vai trò là người ca sĩ…

Năm 1956 – 1959, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân có nhiệm vụ đi lưu diễn khắp nơi, rồi làm trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian trên đài phát thanh Sài Gòn thì vẫn có sự hợp tác của hai giọng ca Mạnh Phát – Minh Diệu. Thế nhưng, trước đó gần 10 năm, vào cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, Mạnh Phát đã khởi nghiệp sáng tác dưới bút hiệu Tiến Đạt. Đa số các sáng tác của ông thời điểm này đều viết về tình tự quê hương, với nét đẹp nhẹ nhàng, lời ca trong sáng như các bản: Mong người trở lại, Ai về quê tôi, Nhớ và được ưa chuộng nhất là 2 bản “Gửi cánh mây trời” theo thể điệu Tango và “Trăng sáng trong làng” theo thể điệu luân vũ, khoan thai, dìu dặt.

Bước sang thập niên 1960, thời kỳ phát triển của dòng nhạc thời trang, Mạnh Phát chuyển hướng và bắt đầu sáng tác mạnh hơn với bút danh Mạnh Phát. Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông là “Bến nước tình quê”, tiếp theo là các bản: Rồi một ngày, Nhớ mùa hoa tím và Hoa nở về đêm. Ba bản này đều được Lệ Thanh, nữ ca sĩ nổi tiếng bậc nhất thời đó trình bày.

Ít ai biết được con người thật của Mạnh Phát vì ông sống rất âm thầm, ít xuất hiện trước đám đông nhưng ông chính là người đã dẫn dắt rất nhiều giọng ca trẻ thời đó và sau này trở thành những tên tuổi lừng danh, một trong số đó là ca sĩ Thanh Tuyền.

Trong thập niên 60, những người yêu nhạc thường ra quán Minh Phát trên đường Lê Lợi để chờ đợi tác phẩm mới của Mạnh Phát. Sức sáng tác của ông thời điểm đó rất hăng, khoảng 1 tuần, 2 tuần hay lâu lắm là 3 tuần thì ông lại giới thiệu 1 ca khúc mới. Lý do rất đặc biệt: Mạnh Phát có thói quen uống rượu, người bình thường rượu vào lời ra, riêng Mạnh Phát rượu vào nhạc mới ra được (theo chia sẻ của ca sĩ Thanh Tuyền).

Nhạc Sĩ Mạnh Phát

Ngoài tên thật của mình, ông còn được biết đến với hai bút hiệu khác là Tiến Đạt và Thúc Đăng. THÀNH ĐÔ ƠI! GIÃ BIỆT là một trong những nhạc phẩm được ông ký bút dưới tên Thúc Đăng.

“Còn đêm nay nữa mà thôi
Mai cách biệt nhau rồi
Cầm tay anh lần cuối
Tại sao em chẳng nói
Thương nhớ một lời thôi?

Cười lên cho ấm phút chia phôi
Em ơi chớ sầu bi, anh đi nữa anh về
Một ngày hết não nề oán sầu
Thành đô mưa nắng lại có nhau…

Xa xôi biết rằng em nhớ mong
Giữa kinh thành hoa đèn
Những chiều buồn không tên
Bóng người mình mến thương
Bây giờ người tiền tuyến người hậu phương…

Người đi mong góp tài trai
Tô thắm mộng cho đời
Dù xa tôi vẫn nhớ chiều vui trên hè phố
Đôi bóng quyện đường trăng.

Ngày mai ai nói đến tên anh
Em ơi nói giùm anh, anh đi nữa anh về
Một ngày hết não nề oán sầu
Ngàn phương hoa nở bừng sắc hương.”

Vẫn là chủ đề về tình yêu thời binh lửa điêu linh, nhưng mỗi một nhạc phẩm lại có những cách luyến láy, chân thực, bao bọc trọng vẹn lấy cảm xúc của người yêu nhạc, khiến cho mỗi nhạc phẩm trở thành một tuyệt tác riêng trong lòng những thế hệ yêu và thương dòng nhạc này.

“Cười lên cho ấm phút chia phôi
EM ơi chớ sầu bi, anh đi nữa anh về
Một ngày hết não nề oán sầu
Thành đô mưa nắng lại có nhau.”

Dù những lời an ủi ấm áp không quên trao người trai chiến trận, nhưng không chỉ các anh nhung nhớ về quê nhà và tình thân, mà những người ở lại hậu phương cũng mang những nỗi lòng trong “chiều buồn không tên, vắng người mình mến thương…” độc bước trên con đường quen giữa “kinh thành hoa đen” mà nhớ một người…

Nghe mà thương và thật buồn cho biết bao mối tình đẹp trắc trở trong buổi điêu linh… Có thật là “anh đi, nữa anh về…” hay không.. 🙁

Thương mời đại gia đình mình thưởng thức nhạc phẩm THÀNH ĐÔ ƠI! GIÃ BIỆT của cố Ca Nhạc sĩ Mạnh Phát dưới bút hiệu Thúc Đăng. Xin thành kính cầu nguyện và nén hương lòng được phép gửi đến Ông với tất cả sự kính mến và tri ân.

Nhật Hà Tổng Hợp Nhiều Nguồn.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.