Đôi Nét Về Nhạc Sĩ Châu Kỳ

0 3.144

Thật hiếm thấy có người nghệ sĩ nào mà sinh hoạt văn nghệ trải dài trên nhiều lĩnh vực như nhạc sĩ Châu Kỳ, ông dạy nhạc tại trường âm nhạc Huế, tham gia nhiều đoàn văn nghệ như đoàn Ái Liên, đoàn cải lương Bắc Việt, ông lại trở thành ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á, sau vào miền Nam trở thành nhà soạn kịch và đóng những vở kịch chủ đề như là ái tình và tôn giáo khiến nhiều người ngạc nhiên về khả năng của ông, một người ở miền Trung mà lại viết kịch bằng lối hành văn của miền Nam.

Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 ở Huế. Xuất thân từ một gia đình mà anh chị em đều sống với nền cổ ca Huế; Cha ông là Châu Huy Hà – một nghệ nhân ca Huế, chị ruột là Châu Thị Minh, được coi là nữ minh tinh của miền Trung. Châu Kỳ thừa hưởng được nền mống âm nhạc miền Trung cổ. Lúc còn học ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với sư huynh Pière Thiều- một linh mục rất giỏi về nhạc lý và sáng tác. Ông thầy này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát. Nến đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp được những âm hưởng cổ nhạc miền Trung qua những ca khúc như “Khúc ly ca”, “Từ giã kinh thành”, “Mưa rơi” (Lời Ưng Lang), “Khi ánh trăng vàng lên khơi” v.v…

Từ nhỏ, ông đã đi hát trong đoàn của người chị Chậu Thị Minh – đoàn ca kịch Hồng Thu. Bài đầu tiên ông sáng tác khi 18 tuổi theo đoàn Ái Liên từ Hà Nội về Huế thăm mẹ nhưng trong đợt lụt năm Thìn. Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ và người thân đã bị chết đuối trong một cơn lũ. Lòng ngổn ngang tâm sự, ông đã viết ca khúc Trở về: “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây mong tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa…”. Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc và để lại trong lòng người nghe nhiều cảm xúc.

Bài hát Túy ca được rất nhiều những ca sĩ thâu thanh nhưng có lẽ người làm nổi bật nhạc phẩm này và cũng là người đầu tiên là nam ca sĩ Chế Linh, bài Túy Ca được viết ra trong một lần Chế Linh uống rượu cùng nhà thơ Trương Minh Dũng và nhạc sỹ Châu Kỳ, cả hai đồng thời viết bài này và đưa Chế Linh thâu. Chế Linh có kể rằng mỗi một bài viết của nhạc sĩ Châu Kỳ đều có gắn liền một kì niệm, Châu Kỳ là một người nghiện rượu, không có rượu thì không viết nhạc. Châu Kỳ là người nâng đỡ Chế Linh đến thẳng làng văn nghệ:

“Có một bài lúc vừa vào Sài Gòn tôi nghe đó là bài Tiếng hát dân Chàm, nghe xong bài hát đó tôi vôi vàng đi tìm bằng được Châu Kỳ, để tìm hiểu xem người nào viết được cái bài nối liền tình cảm giữa Chàm và Việt như vầy, tôi mới thấy sao người này ngang ngược quá, uống rượu không cần biết ai là ai hết, muốn nói thì nói, muốn uống thì uống, muốn đập chén thì đập, muốn viết thì cũng viết ở cơn say, mà thời đó tôi nói tiếng Việt còn bập bẹ lắm”

Châu Kỳ có kể, ông sáng tác bài “Giọt lệ đài trang” vì nhớ đến kì niệm lúc xưa ông ở Huế khi vẫn còn đi học, ông si mê cô tiểu thư tên Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư Huế. Để gây ấn tượng với nàng, Châu Kỳ đã ôm đàn Mandoline đứng dưới cửa sổ nhà nàng để đàn cho nàng nghe. Đàn vừa ngân mấy khúc, cô Tôn Nữ Kim Anh ngừng tay đan áo, nhổ nước bọt, nhìn xuống và buông một câu “Cái đồ xướng ca vô loài”.

Việc này làm cho chàng nhạc sĩ trẻ vô cùng thất vọng và bẽ bàng, Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn. Thế sự vần xoay, Tôn Nữ Kim Anh cưới một ông chồng Pháp rồi sau 1954 lại một thân một mình trôi dạt vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và trong túi chỉ còn 5 đồng, chỉ đủ ăn một bát cháo.

Lúc ấy tôi đi sau lưng cô ấy, cô ấy biết tôi qua nhưng không thèm ngó lại, tôi kêu “Kim Anh” tôi mới chạy đến trước mặt cầm tay cô lại hỏi sao Kim Anh lại khổ như thế này” Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, nàng gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà khóc, trên đường chở nàng về xóm trọ, dừng ở rạp long phụng, cô Kim Anh đòi xuống xe đi thăm người bạn, nhạc sĩ Châu Kỳ trong túi lúc giờ có 300 đồng, ông tặng luôn cho Tôn Nữ Kim Anh. Sau này khi tìm hiểu thêm thì nhạc sĩ mới biết cô Kim Anh lao vào nghiện ngập và đã kết thúc cuộc đời mình trong cảnh nghèo khó.

Phương Hồng Quế cũng gặp được nhạc sĩ Châu Kỳ vào khoảng thập niên 70 qua sự giới thiệu của người thầy Nguyễn Đức. Cô cộng tác ở ban nhạc Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ trên Đài truyền hình số 9 Hồng Thập Tự. Bái hát đầu tiên Phương Hồng Quế hát là bài “Em không buồn nữa chị ơi”. Cô cũng chia sẻ Châu Kỳ là một người nghiện rượu, ngày nào cũng đến Kim Sơn uống rượu, nơi đó là nơi thường tụ tập của các nhà báo và nhạc sĩ. Trong một lần Phương Hồng Quế hát xong ở đài truyền hình quá giang nhạc sĩ Châu Kỳ về Tân Định – lúc đấy Châu Kỳ vẫn còn chạy chiếc vespa cũ- loạng choạng tay lái thế nào khiến xe nghiêng qua lại, Phương Hồng Quế phải để cả 2 chân chống xuống đất gãy mất chiếc guốc cao gót, trong lúc hoảng hốt thì Châu Kỳ mới nói bằng tiếng Huế là “Không răng mô, ngồi yên đó, đâu còn có đó chưa có chết”

Có lần nữ ca sĩ Thanh Thúy đi lấy chồng, trong loạt sáng tác của ông có một bài viết theo thể điệu Tango, cung Ré thứ rất ai oán, não nùng, than trách cho thân phận của một người còn lại khi người yêu đi lấy chồng. Đó là bài “Được tin em lấy chồng”, bài hát này mang tiếng vang lớn và nhiều lợi tức cho ông lúc bấy giờ, ông mua được hẳn 1 chiếc xe hơi.

Nhạc của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ từ trước 1975 đến nay thể hiện ở Việt Nam và hải ngoại. Năm 2005, trung tâm Thúy Nga thực hiện Paris By Night 78: Đường xưa, vinh danh ông cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng và Tùng Giang.

Sáng 6-1-2008, giới âm nhạc bất ngờ nhận được tin nhạc sĩ Châu Kỳ đã qua đời ở tuổi 85.

Nhật Hà Biên Tập.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.