Cuộc Đời “Vạn Cổ Sầu” Của Nhạc Sĩ Đặng Thế Phong Với “Giọt Mưa Thu”

0 2.150

Đặng Thế Phong (14 tháng 4 năm 1918 – 2 tháng 8 năm 1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm: Đêm thu, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu.

Giọt Mưa Thu được nhạc sĩ Đặng Thế Phong sáng tác từ năm 1942, trong những năm khởi đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Khi ông chỉ mới 24 tuổi, ở độ tuổi tươi đẹp nhất của một đời người nhưng cũng là năm và ông qua đời. Bài hát với tên ban đầu là Vạn cổ sầu, sau Bùi Công Kỳ sửa lời và đặt tên mới là Giọt mưa thu. Đây là giai phẩm thứ ba của Đặng Thế Phong và cũng là bài hát cuối cùng như một lời di chúc về cuộc đời sầu cổ của mình.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!

Đặng Thế Phong là thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, Thông phán Sở Trước bạ thành phố Nam Định, là con thứ 2 của một gia đình có 6 anh em, 2 trai 4 gái. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn, ông phải bỏ học. Ông từng theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật với tư cách bàng thính viên. Lúc sinh thời Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của ông thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, ông còn là một ca sĩ, họa sĩ… Đến đầu năm 1942 ông từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bệnh lao.

Giọt mưa thu rơi thánh thót ngoài hiên, đâu đó một mảnh tâm hồn của con người hòa vào cùng hồn thu, gió thoang thoảng như lời ru đưa người mơ hồ với các cung bậc cảm xúc khóc than cho cuộc đời ai. Bằng những giai điệu nức nở như hòa quyện cùng với thiên nhiên, nhạc sĩ Đặng Thế Phong trong phút chốc đã thể hiện hết đau thương và cô đơn của ông trong một đời. Trong giây phút này có lẽ là lúc ông hiểu chính mình và lắng nghe thiên nhiên rõ ràng nhất.

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly

Nói về hoàn cảnh ra đời của Giọt Mưa Thu, nhạc sĩ Lê Hoàng Long từng kể rằng: Một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu. Chập tối, có dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt Mưa Thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng? (Tuyết là tên người tình của nhạc sĩ).

Giọt Mưa Thu bản thu trước 1975 của danh ca Thái Thanh

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
chân buông mau
dương thế bao la sầu

Tới đây tôi chợt nhớ đến tác phẩm văn học kinh điển Chiếc Lá Cuối Cùng của nhà văn người Mỹ O. Henry, bệnh tật khiến cô gái trong truyện tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống sẽ là lúc cô lìa đời. Thời điểm sáng tác bài này, nhạc sĩ Đặng Thế Phong cũng ở giai đoạn cuối của căn bệnh lao nan y, và mùa thu đến với ông cũng như là sự chia ly tìm đến. Ở cái tuổi tươi đẹp còn cả tương lai phía trước và tình yêu chờ đợi phía sau nên vẫn còn nức nở thương đời. Bao năm chóng chọi với bệnh tật, đau thương nên dù có thương đời cách mấy thì cũng đành mau buông đời bao la sầu mà đi.

Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi

Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời …
… Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu

Hai đoạn cuối của bài hát cũng chính là những cảm xúc tuôn trào nhất của con người khoảnh khắc giữa sống và ngừng sống. Dù có tuyệt vọng đến mấy thì vẫn mong mây tan cho gió thôi hiu quạnh, cho trời lại sáng… nhưng mưa vẫn rơi, gió vẫn về bao kiếp ta vẫn sầu… Thực tế thường không như người ta mong muốn, cuối cùng điều mà ông lưu luyến nhất vẫn là đau xót người yêu ở lại thương khóc mình Đến bao năm nữa trời … Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu… 

Có lẽ, từ đó ông đã nhận thấy cuộc từ ly của mình đối với đời đã gần, để rồi không bao lâu sau đó, người vĩnh viễn rời xa khỏi trần thế đau thương theo từng giọt mưa của mùa Ngâu. Mùa thu tháng 7, mời quý vị cùng nghe ca khúc Giọt Mưa Thu cũng như tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài năng nhưng bạc mệnh Đặng Thế Phong.

Tổng hợp: Nhật Hạ

Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com

Giọt Mưa Thu bản thu trước 1975 của danh ca Thanh Thúy

Click để nghe Giọt Mưa Thu – Nini, Hạ Vy, Vina Uyển Mi trình diễn

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.