Chuyện Đi Tìm Về Một “Kẻ Nằm Ở Miền Xa”

0 21.692

Kính thưa quý vị, câu chuyện về chuyến đi này cũng đã diễn ra từ rất lâu rồi, vào ngày 25/11/2012, tức là cũng khoảng 9 năm rồi. Nay người viết xin kể lại không vì mục đích gì cả, chỉ muốn nhắc nhớ với bản thân và thể hiện lòng yêu mến với cố nhạc sĩ Trúc Phương mà thôi.

Thiệt sự ra ngày xưa tôi hay nghe và thích những sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương, nhưng thật lòng mà nói thì trước đó tôi cũng ít để ý đến tác giả. Mãi sau này, khoảng cuối thập niên 2000 đầu thập niên 2010 tôi bắt đầu chú ý đến tác giả nhiều hơn, đặt biệt là thời gian có vài chuyện buồn trong tình cảm nên tôi hay nghe bài Hai Lối Mộng do ca sĩ Duy Khánh trình bày. Chắc có lẽ vì cảm nhận được cái tinh túy của ca khúc này hay là vì thất tình chán đời nên tự dưng tôi lại đâm ra ghiền, nghe đi nghe lại trong vài tháng liên tiếp. Sau đó tôi tìm hiểu và nghe thêm về những sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương về chủ đề “thất tình” như : Buồn Trong Kỷ Niệm, Con Đường Mang Tên Em, …. Những ca khúc lãng mạn về tình yêu như : Bóng Nhỏ Đường Chiều, Chiều Cuối Tuần, …. và thấy hay quá xá. Thế là tôi có ý định trong đầu tìm kiếm về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Trúc Phương để tri ân ông cảm ơn ông, một phần đã  xoa dịu tâm hồn tôi trong những ngày thất tình buồn chán.

Chắc các bạn cũng biết rằng Internet VN đầu thập niên 2010 tuy cũng đã phổ biến nhưng thông tin tìm kiếm trên đó vẫn còn hạn hẹp, chứ không quá đa dạng như bây giờ, vì chuyện đã lâu, từng chi tiết thì tôi không nhớ rõ lắm, nhưng tôi chắc chắn rằng bản thân đã hỏi rất nhiều trên các diễn đàn cũng như các trang web mà chia sẻ hình ảnh về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Trúc Phương. Cuối cùng thì trời cũng không phụ lòng người hiền, có một Chú tên là Lê Quang Chắc trên diễn đàn “KonTum quê tôi” có hồi đáp cho tôi về nội dung thắc mắc nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Trúc Phương, nội dung như sau :

“Chào bạn,

Bạn cũng là người ái mộ “Ông Vua nhạc sến ” Trúc Phương Nguyễn Thiện Lộc qua nhịp điệu “Bolero” ?!! Tôi cũng vậy, cũng thương cảm xót xa cho thân phận một nhạc sĩ tài hoa, phận bạc, sinh bất phùng thời, đã để lại cho đời một di sản âm nhạc quý giá nhưng lại bị đời quên lãng, bị khai thác thương mãi nhưng chính bản thân tác giả phải kết thúc cuộc đời trong nghèo khó, bất hạnh.

Trong chuyến trở lại quê hương để “mong trả cho đời chút ơn” tôi đã tìm và viếng thăm mộ của cố nhạc sĩ. Ông hiện nằm tại Nghĩa Trang Lái Thiêu ,trong một góc tầm thường(hình như được thân nhân,bạn bè,hàng xóm, người ái mộ lo cho nơi yên nghỉ tạm tươm tất)

Hướng dẫn đường đi : Từ Saigon lên QL13 rẽ vào thị Xã Lái thiêu ,hỏi đường về nghĩa trang Lái Thiêu , mộ nằm khuất bên trong nghĩa trang bên phải. Chúc bạn đạt được ý nguyện của mình.

Thân ái – LQC”

Nội dung email này đến nay tôi vẫn còn lưu trữ lại, xin một lần nữa cảm ơn Bác Lê Quang Chắc.

Tôi nhớ rằng sau đó khoảng 1, 2 tuần gì đó, tôi có đăng lên Trang Nhạc Vàng, và có rủ rê xem ai có muốn đi cùng không. Thật sự người quan tâm thì nhiều nhưng chỉ có đúng 2 người đăng ký đi. Sáng hôm đó là ngày 25/11/2012, tôi hẹn các bạn ấy tại trước cổng Sở Thú Sài Gòn vào lúc 8h30 sáng. Khi tới nơi thì chỉ có 1 bạn đến thôi, bạn tên Thủy, tôi kêu bạn ấy gửi xe ở Sở Thú và tôi chở đi. Thiệt tình thì con đường từ Thị Nghè đến Lái Thiêu cũng không quá xa, đường cũng dễ đi có điều hơi nắng. Và cái quan trọng nhất ở đây là tụi tôi chỉ biết đại khái vậy thôi chớ thật sự không biết rõ vị trí của nghĩa trang Lái Thiêu ở đâu và mộ của nhạc sĩ Trúc Phương chính xác nằm ở chỗ nào trong đó. Nhưng điều này thật sự cũng chẳng làm khó được tôi, tôi nghĩ rằng có gì không biết thì đến Lái Thiêu hỏi, và cũng không quên vái trong bụng rằng Nhạc Sĩ Trúc Phương phù hộ cho hai đứa con.

Đến ngã tư cầu Ông Bố, ở QL13, tôi quẹo phải đi về hướng Dĩ An, vì tôi nhớ giáp ranh khúc gần Dĩ An với Lái Thiêu có 1 nghĩa trang rất là lớn, chắc đó là nghĩa trang Lái Thiêu. Nhưng khi chạy tới nơi thì tôi nhìn lên bảng tên ngay cổng nghĩa trang thì lại ghi là Nghĩa Trang Thuận An, và tôi đã có hơi hụt hẫn. Sau một hồi suy nghĩ, hai đứa tôi quyết định quay trở lại trung tâm thị xã Lái Thiêu để kiếm xe ôm hay người địa phương hỏi. Đến vòng  xoay Lái Thiêu, thì chúng tôi tấp vào hỏi một vài người xe ôm về vị trí của Nghĩa Trang Lái Thiêu, một Bác xe ôm nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cái nghĩa trang mang tên Thuận An mà khi nãy tôi ghé tới. Tôi có nói thắc mắc của mình ra là nó mang tên Thuận An mà. Ông Chú ấy nói Thuận An là cái tên địa phương đặt thôi, chớ dân địa phương đều gọi nghĩa trang Lái Thiêu hết.

Tẽn tò vì mình bị hố, hai đứa tôi quay xe trở lại, vấn đề đầu tiên đã được giải quyết, vấn đề tiếp theo đó là vị trí mộ của nhạc sĩ Trúc Phương nằm ở đâu đây. Nghĩa trang này rất lớn, chia thành 2 khu A và B, có rất nhiều cổng và lối vào. Chúng tôi quyết định vào cổng chính, sau khi chạy được một vòng thì chúng tôi phát hiện ra là kế hoạch dự tính kiếm từng khu của chúng tôi đã bị phá sản hoàn toàn. Ở đây quá nhiều mộ đi, kiếm từng cái chắc có khi đến tết. Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi liền quay xe ra hỏi bảo vệ, sau khi trình bày, các ông bảo vệ lại kêu chúng tôi quay trở lại hỏi mấy người chăm sóc dọn cỏ ở nghĩa trang. Trở lại vào bên trong, 2 đứa tôi thấy có một tốp những người chăm sóc dọn cỏ đang ngồi nói chuyện, tôi chạy tới dừng xe và xuống hỏi :

– Dạ ! em muốn tìm mộ một người quen ở nghĩa trang này, mấy anh chị có biết ai tên Nguyễn Thiện Lộc không ạ !? (NS Trúc Phương tên Nguyễn Thiên Lộc, nhưng lúc đó tôi nhớ nhầm là Thiện)

Có một ông Bác ngoài 50 hỏi tôi :

– Có nhớ mất năm mấy hay không ?

Tôi trả lời :

– Dạ hình như mất năm 96. (thật ra NS Trúc Phương mất năm 1995)

Ông ta quay qua hỏi 1 bà trung niên ngồi gần đó và chỉ tôi :

– Bà này và con gái dọn dẹp làm cỏ bên khu mất 95 96 nè, hỏi bả thử coi !

Bà này nãy giờ cũng nghe câu chuyện của tôi, bả nói bả cũng không nhớ rõ nữa, nhưng bả xách xe chở dẫn hai đứa tôi qua gặp con gái bả, vì chị ấy có vẻ nhớ nhiều hơn. Đến nơi sau khi bà này trình bày lại, cô gái ấy hỏi lại chúng tôi tên gì ?! Tôi trả lời :

– Dạ, Nguyễn Thiện Lộc.

Chị ấy suy nghĩ khoảng  5, 10 giây rồi reo lên :

– A ! có phải ông nhạc sĩ ca sĩ gì phải không !?

Chúng tôi vui mừng hớn hở :

– Dạ đúng rồi.

Thế là chị ấy vui vẻ dẫn chúng tôi đi đến mộ của nhạc sĩ Trúc Phương, chúng tôi không quên cảm ơn và gửi chị ấy chút quà. Sau đó tôi và bạn Thủy đứng đó đốt nhang, cũng như âm thầm hát lẩm bẩm trong miệng một số ca khúc nổi tiếng của ông mà chúng tôi yêu mến như : Hai Lối Mộng, Kẻ ở miền xa, Hai chuyến tàu đêm, …..

Cảm thấy trong lòng tràn đầy yêu thương .

Phúc Ben Thực Hiện.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.