Chiều Thấy Nhớ Nhà Vì ‘Xuân Này Con Không Về’

1 878

Chiều 29 Tết, vừa dọn dẹp phía sau nhà bếp, vừa lắng nghe tiếng hát từ dàn loa của chú Tư nhà đối diện, tôi chợt giật bắn người vì nghe tiếng hù hụ khóc của ai đó nhà bên cạnh; vội vàng chạy qua coi có chuyện gì không. Thì ra chị hàng xóm đang ngồi canh bánh chưng, nghe bài hát Xuân này con không về bên nhà chú Tư, chị nhớ má ở quê quá nên không cầm lòng được. Nghe chị nói vậy, lòng tôi cũng trĩu nặng: nào có phải mình chị ấy nhớ má đâu, cả tôi và mấy chị em cùng phòng cũng vậy mà!

Trở về lại cái ổ của mình, tự dưng không muốn làm gì nữa, nằm đu đưa trên võng, tôi lắng nghe từng lời, từng giai điệu của bài hát mà năm nào chú Tư cũng mở và tua đi tua lại cả ngày 30 Tết.

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về.
Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…” .

Nhớ chiều 30 Tết năm ngoái, tôi bạo gan qua hỏi chú Tư :

– Sao năm nào chú cũng mở đúng bài này và nghe miết từ chiều tới tối mịt vậy?

Lúc đó, chú nhìn tôi và nói :

Vì tao thích nghe.

Và, chú không nói tiếp nữa mà bỏ đi chỗ khác. Tôi càng thêm tò mò nên tìm cách hỏi thím Tư, nhờ đó mới biết là chú Tư vì nhớ má ở quê mà mấy năm rồi không về thăm được, chú cứ mở bài đó nghe đặng mà nhớ!

Tôi, thế hệ 8x, sinh sau giải phóng cả chục năm, có rành chi mấy cái bài nhạc xưa, nhưng vì thích âm nhạc, lại nghe thím nói vậy nên về “tìm” anh Google để “hỏi” về cái bài hát đã được nghe từ ba năm nay. Nhờ vậy, tôi mới biết bài Xuân này con không về là bài hát nổi tiếng do bộ ba nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác trong khoảng thập niên 1960. Cũng nhờ anh Google mà tôi biết thêm, Trịnh Lâm Ngân là nghệ danh ghép của 3 nhạc sĩ: Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân. Nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng tôi, có lẽ quen nghe với dĩa do chú Tư mở mấy năm nay nên vẫn thích nghe ca sĩ Duy Khánh hơn.

Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi.
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng ngồi chờ sáng.
Đỏ hây hây những đôi má đào”.

Có lần tôi nói với anh xã rằng nhạc sĩ ngày xưa chắc chắn học môn văn khá giỏi nên ngôn từ của các bài hát xưa thật lãng mạn, thật bay bổng, thật sâu sắc và thật logic. Mỗi bài hát là một câu chuyện, có ý có tứ, có mở đầu và có kết thúc. Bài hát này cũng vậy.

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân.
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
Sẽ đem về cho tà áo mới, ba ngày xuân đi khoe phố phường
”.

Lời bài hát đã chạm vào tim của mỗi người trong chúng tôi ở cái dãy nhà trọ toàn là dân miền Tây như vợ chồng tôi. Nghĩ cũng lạ, năm nào cũng nghe, vậy mà cứ như mới lần đầu vậy. Hễ cứ nghe là rớt nước mắt.

Có người con nào xa xứ mà không thấy quay quắt nỗi nhớ về ba mẹ, về các em, các cháu khi nghe những lời này chứ! Ngày xưa, bộ ba nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác bài này để nói thay cho những người lính xa nhà; ngày nay, bài hát này lại thay chúng tôi – những người con xa quê vì miếng cơm manh áo – gửi về quê xa, nơi có ba mẹ già đang ngóng tin con, nơi có các em khờ dại đang ngóng tin anh chị của mình.

Mây Tím.

1 bình luận
  1. Mã âu Sĩ nói

    Kính nhờ Nhạc Vàng chuyển câu hỏi của tôi đến nhạc sĩ Lê Dinh,hiên sống ở Montral Canada .Câu hỏi:Bản Nhạc :”Tiếng hát Mường Luông ” của Lê Dinh và Minh Kỳ được sáng tác vào năm nào ? Thành thật cám ơn.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.