Cảm Nhận Về Ca Khúc “Hoài Thu” Của Nhạc Sĩ Văn Trí

0 1.669

Mùa thu năm ấy
Trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Tháp ngàn nước bạc thiên nhiên.

Chạnh lòng tôi thấy
Lá vàng rơi nhẹ say mơ
Trong rừng thu đẹp nên thơ
Lưng trời đàn chim bơ vơ.

Mùa thu năm nay
Tôi lại thấy lòng lâng lâng
Khi nhịp bước nhẹ đôi chân
Trong rừng vắng lặng bâng khuâng.

Bầy nai ngơ ngác
Lá vàng rơi đầy miên man
Trên bờ cỏ rộng thênh thang
Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng.

Đoá hoa phù dung trắng xoá
Ngàn cây hiu hắt tiếng nhạc
Mảnh linh hồn tôi thu nay
Là linh hồn tôi thu nào.

Nắng đây vẫn là nắng ấm
Mùa thu thương nhớ mơ màng
Gió thu về đây mơn man
Hồ thu xanh biếc tràn lan.

Đồi thông vi vút
Nghe chừng lá động muôn phương
Đà Lạt những chiều mây vương
Có mùa thu vàng dâng hương.

Nhịp chân ai đấy
Hay là gió thoảng xa xôi
Gió nào rung động tim tôi
Hay là dư âm thu rồi.

Nền âm nhạc Việt Nam ta vô cùng đa dạng và phong phú, không thiếu những bài hát, bản nhạc hay được phổ từ thơ, đó là những câu thơ với lời hay ý đẹp giàu cảm xúc, được người nhạc sĩ làm nên giai điệu, thành lời ca tiếng hát đến gần hơn và phổ biến rộng rãi hơn trong công chúng. Từ đó mà nhạc phổ từ thơ đã rất quen thuộc với người yêu nhạc, riêng nhạc sĩ Văn Trí, người đã làm nên một điều khác biệt hẳn với các nhạc sĩ khác lúc bấy giờ đó là nhạc phổ từ tùy bút qua bài hát “Hoài Thu”. Đó là sáng tác nổi tiếng nhất của ông khi lấy nội dung viết về vùng cao nguyên Đà Lạt. Bài hát được nhạc sĩ viết dựa trên bài tùy bút “Cảm Thu” của thi sĩ Đinh Hùng, đó cũng là tùy bút đầu tiên của Đình Hùng được đăng trên báo, đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản năm 1940 tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Văn Trí đã sử đụng những hình ảnh là biểu tượng của mùa thu như lá vàng, mây gió, đóa hoa phù dung trong tùy bút. Và rồi người nhạc sĩ đã thêm vào đó là những đặc trưng của vùng đồi núi cao nguyên như bầy nai, đồi thông vốn có của Đà Lạt qua cái nhìn, cái cảm nhận của riêng ông để viết nên một bài hát hay như thế về mảnh đất Đà Lạt.

Bài hát là đặc tả của người nhạc sĩ về mùa thu Đà Lạt của hiện tại với mùa thu của Đà Lạt năm xưa khi đến với miền đất cao nguyên, với núi rừng. Với mùa thu năm xưa, Đà Lạt trong ký ức của người nhạc sĩ khoác lên mình một vẻ đẹp hoang sơ do thiên nhiên ban tặng với rừng thông xanh tốt ngút ngàn phủ kín sườn đồi, thác nước đẹp nên thơ, những con sông dòng suối trong xanh, êm ả. Nét hoang sơ ấy khiến người nhạc sĩ thấy chạnh lòng khi đứng giữa núi rừng, bao la mênh mông giữa đất trời thu, nhìn từng chiếc lá vàng khẽ nhẹ rơi cùng đàn chim bơ vơ bay giữa lưng trời, gợi cho lòng người cảm giác cô tịch đầy lẻ loi, vắng lặng và hiu quạnh giữa không gian.

Còn mùa thu năm nay, cũng là hình ảnh vắng lặng giữa nơi núi rừng ấy nhưng nay tác giả lại thấy lòng mình lâng lâng. Vì thu nay đã khác thu xưa, núi rừng bạt ngàn thông reo ấy nay đã có không gian cho những “bờ cỏ rộng thênh thang”, những chiếc lá vàng nay cũng đã rơi rụng nhiều, có bầy nai ngơ ngác trong rừng vắng lạnh. Cảm nhận mùa thu lướt qua đi một cách nhẹ nhàng đến ngỡ ngàng của người nhạc sĩ.

Tác giả, cũng là người lữ khách khi dừng chân đứng lại cảm nhận hết khoảng trời thu Đà Lạt, dù là thu xưa hay nay thì với cảnh vật nơi đây luôn vương niềm lưu luyến mỗi bước chân đi. Nào là đóa phù dung trắng xóa, là nắng ấm, là gió thu mơn man, là hồ thu xanh biếc, là đồi thông vi vút, là những chiếc lá vàng rơi giữa rừng thu, là Đà Lạt những chiều mây vương… Giữa khung cảnh ấy, trong không gian tuyệt đẹp ấy của đất trời thu Đà Lạt làm sao không đọng lại dư âm trong lòng người lữ khách đi qua.

Hương Giang (Trong bài có tham khảo ý từ trang web : https://nhacvangbolero.com)

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.