Cảm Nhận Về Ca Khúc “Duyên Tình” Của Nhạc Sĩ Y Vân Và Xuân Tiên

0 3.874

Biết nhau giữa độ trăng tròn
Mến nhau dưới biển mà trên non ơ vẫn tìm
Ơi, thương nhau thì mâm bánh buồng cau cũng nên duyên
Ừ, ừ duyên.

Biết nhau lúc gặp bên đường
Mến nhau mới thật là yêu thương ơ sớm chiều
Ơi, thương nhau tình ta biết để đâu chứ cho vừa
Ừ, ừ vừa.

Chẳng tham, ao sâu hay nhà cao
Mà chỉ ham anh chút công danh về sau, về sau, í í về sau
Chẳng tham, má phấn em hồng tươi
Ấy cũng không ngoài nết na em trăm đường
Trăm đường í í trăm đường.

Biết nhau cũng bởi tâm đầu
Mến nhau cũng bởi mà đôi câu ơ đá vàng
Ơi, đôi ta cùng xây đắp tình thương chứ lâu dài ….
Ừ, ừ dài.

“Duyên Tình” là bản nhạc nổi tiếng được hợp soạn giữa nhạc sĩ Xuân Tiên và Y Vân, bài hát thể hiện cái mộc mạc, sự đằm thắm của tình yêu qua cái tinh túy của dân ca miền Bắc. Cho đến nay, bài hát vẫn thường được sử dụng nhiều trong các đám cưới, bởi ý nghĩa ca từ cho đến giai điệu tươi vui của bài hát.

Ca khúc là câu chuyện tình yêu của đôi trai gái từ lúc họ gặp nhau, quen nhau ở độ tuổi còn rất trẻ “giữa độ trăng tròn” dù rằng lúc đó “biết nhau lúc gặp bên đường” thôi nhưng vì “tâm đầu” nên từ đó họ lại mến nhau, thương nhau từ độ ấy để rồi hai người đã nguyện ý mà “cùng xây đắp tình thương chứ lâu dài”.

Ta nên biết rằng, xã hội Việt Nam từ xưa đã chịu ảnh hưởng bởi khuôn phép làng xã và chế độ thi cử của Nho giáo hàng ngàn năm, điều đó cũng đã trở thành một phần của chuẩn mực sống con người nơi đây. Nên khi lắng nghe bài hát ta sẽ hiểu một phần nào về tính cách cũng như văn hóa của con người thời đó khi yêu. Trong tình yêu các chàng trai, cô gái dù rất yêu nhưng vẫn để lý trí và chuẩn mực đạo đức can thiệp vào tình cảm của họ. Điển hình như khi yêu người con gái không mong người yêu mình là “ao sâu hay nhà cao”, nhưng “mà chỉ ham anh chút công danh về sau”. Còn với người con trai cũng chẳng mong người con gái mình yêu phải “má phấn em hồng tươi”, nhưng “cũng không ngoài nết na em trăm đường”. Đó như là một khuôn mẫu xã hội quy định, nam phải theo đuổi công danh, nữ phải nết na đẹp từ tâm hồn đến nhân cách của người phụ nữ xưa.

Ngay cả khi họ bày tỏ tình cảm họ cũng chỉ là nói một cách bóng gió, vòng vo mượn hình ảnh “dưới biển… trên non” để nói lên tình cảm sâu đậm của mình chứ họ không nói ra một cách cụ thể là anh yêu em, em yêu anh như các đôi trái gái khác. Điều đó được xem là một nét độc đáo mà người nhạc sĩ đã góp phần tạo nên sự riêng biệt cho ca khúc này.

Hương Giang.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.