Ca Nhạc Sĩ Duy Khánh, Tiếng Hát Một Đời Nổi Trôi Theo Vận Nước Điêu Linh

0 15.572

Ngày xuân, những bài hát đi vào lòng người như Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Hẹn Một Mùa Xuân, Cảm Ơn, Mùa Xuân Đó Có Em … qua giọng hát của Duy Khánh cho dù thu âm trước 1975 hay sau này tại hải ngoại, vẫn là món quà âm nhạc không thể thiếu trên các làn sóng phát thanh, trong nhiều gia đình… cho dù anh đã rời cõi tạm tròn 17 năm về trước.

Ca nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh ngày 1 tháng 6 năm Bính Tý tại làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là con áp út trong một gia đình vọng tộc dòng dõi Quận Công Nguyễn Văn Tường, Phụ Chánh Đại Thần triều Nguyễn.

Theo như lời của nhạc sĩ Trường Kỳ kể lại: “Trong một dịp nghỉ hè năm 1952, Duy Khánh đã về Quảng Trị tổ chức nhạc hội tại chùa Tỉnh Hội. Anh diễn và hát bài Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy, trong đó có câu “chàng về nay đã cụt tay”, Duy Khánh đã sửa thành “chàng về nay đã cụt chân” và nhảy cò cò lên sân khấu.

Duy Khánh khi đó lấy biệt hiệu là Tăng Hồng, đã lần mò vào tận Sài Gòn tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng. Anh thường hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hoà Bình, anh đã tiếp xúc lần đầu với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1955, anh đã đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế qua bài hát Trăng Thanh Bình.

Mặc dù gặp phải sự phản đối của gia đình khi tỏ ra muốn theo đuổi nghiệp cầm ca, Duy Khánh chuyển hẳn vào Sài Gòn, bắt đầu hát trên các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh cũng như bắt đầu thu đĩa nhựa hay hợp tác với ban văn nghệ của Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước. Thời kỳ này anh được coi như một trong vài giọng ca nam nổi tiếng nhất, trong số đó có Anh Ngọc và Duy Trác là hai nam ca sĩ chỉ hát giới hạn cho các hãng thu băng và đài phát thanh với những nhạc phẩm tiền chiến chọn lọc. Trong khi Duy Khánh thì chọn loại nhạc có khuynh hướng dân ca, rất thành công vì dễ dàng hợp với thị hiếu của đại đa số quần chúng.

Duy Khánh từ đó được khán thính giả biết đến dưới tên Hoàng Thanh với các bản Tía Em Má Em, Vợ Chồng Quê, Ngày Trở Về, Nhớ Người Thương Binh, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung, vv… Cuối cùng anh chọn tên Duy Khánh. Chữ “Duy” từ tên nhạc sĩ Phạm Duy là người anh ái mộ. Chữ “Khánh” từ tên một người bạn rất thân là Phạm Hữu Khánh, đã tử nạn tại Pháp. Anh giữ tên Duy Khánh cho đến cuối đời”.

Năm 1957 ở lứa tuổi đôi mươi, anh đi quân dịch 12 tháng tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tái ngũ năm 1965 và phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, sau chuyển qua Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thuộc Quân Lực VNCH. Anh khởi sự sáng tác cuối thập niên 1950, trong đó có nhiều bài được ưa chuộng như Ai Ra Xứ Huế, Đêm Bơ Vơ, Thương Về Miền Trung, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê…

Duy Khánh, người con đất Quảng Trị vẫn giữ đúng giọng của mình không pha tạp cho dù ở miền đất nước nào, như Phạm Duy từng nhận xét: “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.

Duy Khánh sinh hoạt cùng với các nhạc sĩ Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Anh Bằng… Năm 1965, Duy Khánh thu âm cùng Thái Thanh hai bản trường ca của Phạm Duy: Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam, đến nay vẫn là hai bản nhạc gắn liền với tên tuổi Thái Thanh – Duy Khánh. Từ cuối thập niên 1960 đến 1975, Duy Khánh lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay quy tụ nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trúc Phương, Duy Khánh…

Duy Khánh lập gia đình đầu tiên với ca sĩ Tuyết Mai, người cùng hát song ca với anh lúc khởi nghiệp. Cả hai có hai người con là Dung và Duy (đã mất). Năm 1964, Ông kết hôn với cô Âu Phùng, một vũ công xinh đẹp trong ban vũ Lưu Bình Hồng. Trường Kỳ kể thêm: “Cô Âu Phùng có dáng dấp cao ráo và rất chiều chồng. Hai người thuê căn phố hai tầng trên đường Trần Quang Khải, Tân Định và có với nhau hai người con. Sau đó hai người lại dọn về một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Trãi. Đây là thời gian anh bị rắc rối với quân cảnh và bị đưa lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để trở thành binh nhì Nguyễn Văn Diệp.

Duy Khánh phục vụ tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc Cục Tâm Lý Chiến. Ngày ngày anh cỡi chiếc xe Suzuki cọc cạch đến đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè để làm việc. Nhưng vào cuối tuần, anh vẫn thường tổ chức nhạc hội, khi tại rạp Quốc Thanh, khi thì tại rạp Hưng Đạo. Sau khi ly thân cùng Âu Phùng, anh dọn về một căn nhà 3 phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi anh tiếp tục mở lớp nhạc Trường Sơn và hoạt động mạnh trong việc sản xuất băng nhạc”.

Thiên Hà với Duy Khánh trên bãi biển Nha Trang tháng 2-1969 ,nhân chuyến thực hiện phim Những Người Chung Màu Áo do Trần Nhất Hoan đạo diễn mà, Thiên Hà là người viết đối thoại và phụ tá đạo diễn phim này

Ngoài Tuyết Mai, Âu Phùng, Ông còn có một cuộc tình ngắn với ca sĩ B.C. Người sau cùng đến với cuộc đời Duy Khánh là chị Nguyễn Thị Thúy Hoa.

Một chiều cuối năm Đinh Dậu, chị Thúy Hoa tâm tình với Thế Giới Nghệ Sĩ: “Có lần tôi trách yêu anh Duy Khánh, sao người tình nào qua đời anh cũng đều có một bản nhạc để lại, riêng em lại không? Anh Khánh bảo, nhưng em có cả cuộc đời của anh rồi còn gì!”

Đầu thập niên 1970, Thúy Hoa đi học hát tại lớp nhạc Trường Sơn, được Duy Khánh hướng dẫn, đặt cho nghệ danh Hoàng Hoa và đưa lên chương trình truyền hình Trường Sơn đơn ca vài lần. Cô học trò sinh lòng cảm mến ông thầy. Cuộc tình nở hoa trong thời gian này, đến đầu năm 1975 thì Thúy Hoa có thai con đầu lòng của chị với Duy Khánh.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 trờ đến, gia đình hai bên đều tìm đường đi Mỹ. Anh của Duy Khánh là Đại Úy Không Quân VNCH Nguyễn Văn Dục, làm an ninh trong phi trường Tân Sơn Nhất, nên thúc giục cậu em thu xếp đi ngay, nhưng Duy Khánh không muốn đi vì biết Thúy Hoa đang mang bầu. Bên gia đình Thúy Hoa thì mẹ chị làm trong phi trường nên cũng gom bảy người con lại chạy loạn, riêng Thúy Hoa trốn qua nhà người quen, không chịu đi và khi ấy cũng chưa cho mẹ biết mình đang có thai. Mẹ chị phải về nhà tìm, trễ luôn chuyến đi và kẹt lại Saigon. Cặp tình nhân tá túc tạm thời gian ngắn ở nhà ca sĩ Chế Linh, cũng là một người từng khởi nghiệp theo bước chân Duy Khánh. Tháng 9 năm 1975, Thúy Hoa sanh con trai, Duy Khánh đặt tên con là Trường Sơn.

Riêng Duy Khánh bị nhà cầm quyền cấm hát sau 1975, sinh sống khá chật vật. Khoảng năm 1976, anh cùng nhạc sĩ Nhật Ngân, Châu Kỳ tìm cách thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến, kịch sĩ Vũ Đức Duy… đi hát ở các tỉnh. Có một dạo, Thúy Hoa và Duy Khánh ở trọ nhà Châu Kỳ, rồi qua nhà Vũ Đức Duy. Thời gian ở nhà Vũ Đức Duy năm 1977, các nghệ sĩ thường tụ tập vào buổi sáng ở quán cà phê trước nhà. Không ngờ bị công an theo dõi, và một buổi sáng nọ, đang ngồi uống cà phê thì cả nhóm bị bắt. Hôm đó, chị Thúy Hoa kể lại, may sao không có ca sĩ Ngọc Minh tới chơi. Duy Khánh kỳ ấy bị giam 4 tháng ở số 4 Phan Đăng Lưu, và chị Thúy Hoa phải đi thăm nuôi chồng.

Năm 1977, tháng 8, chị Thúy Hoa sanh người con thứ nhì tên Quỳnh Tiên, và gia đình dọn về nhà mẹ vợ ở luôn đến ngày rời Việt Nam. Con gái út Quỳnh Trang của anh chị sanh năm 1980. Đầu năm 1988, Duy Khánh và vợ con có giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ đoàn tụ gia đình. Sau 6 tháng ở trại tị nạn Phi Luật Tân học tiếng Anh, gia đình Duy Khánh đặt chân đến California ngày 10 tháng 8 cùng năm qua sự bảo lãnh của người em là Nguyễn Thị Giáng Tuyết và cư ngụ tại Anaheim, Orange County.

Tại hải ngoại, Duy Khánh tiếp tục trình diễn và thu âm, cộng tác với trung tâm Làng Văn và trung tâm Asia. Thúy Hoa vẫn còn giữ bản quyền mười mấy cuốn băng Cali Music do Duy Khánh thực hiện.

Qua Hoa Kỳ được khoảng 8 năm thì Duy Khánh đổ bệnh, hư thận, phải lọc thận một tuần 3 lần. Mỗi lần đi hát, anh phải đem theo dụng cụ y tế lỉnh kỉnh trong quãng đời còn lại đi trình diễn ở Âu Châu, Úc, Canada, các tiểu bang Hoa Kỳ, rất cực nhọc…

Gia đình Duy Khánh theo đạo Phật, trong khi Thúy Hoa theo đạo Công giáo; khi lập gia đình mỗi người giữ đạo của mình. Chị Thúy Hoa vẫn giữ bàn thờ có hình Đức Mẹ Maria phía trên bàn phấn trong phòng ngủ của anh chị. Tuy nhiên, gần cuối đời, có một chuyện xảy ra khiến cho anh Duy Khánh bỗng có niềm tin vào Đức Mẹ Maria và cải đạo. Lần đầu tiên, chị Thúy Hoa tiết lộ cơ duyên này với Thế Giới Nghệ Sĩ trong cuộc phỏng vấn hôm 2 tháng 2:

“Hôm đó anh Duy Khánh đang lái chiếc Toyota Avalon vừa thay hai bánh xe trước, đi với tốc độ khá nhanh trên đường Bolsa lúc đó tương đối vắng. Bỗng cả hai bánh trước cùng nổ. Anh lạc tay lái, xe quay vòng vòng. Trong lúc đó, anh kể lại, đã thấy Đức Mẹ hiện ra đưa hai cánh tay ôm lấy chiếc xe của anh đẩy vào bãi đậu xe phòng mạch bác sĩ Đặng Văn Việt, trước khi luồng xe ào ào đổ tới trên con đường Bolsa… Khi hoàn hồn về nhà, anh kể cho tôi nghe và chỉ hình Đức Mẹ phía trên bàn phấn, bảo là ‘bà ấy’ là người đã giang tay ra ôm chiếc xe anh đưa vào chỗ an toàn”. Kể từ đó, Duy Khánh có đức tin…

Tháng 12 năm 2002, Duy Khánh phải vào bệnh viện Fountain Valley vì nhiều chứng bệnh phát sinh cùng lúc. Trong suốt thời gian dài nằm tại bệnh viện, đông đảo anh chị em nghệ sĩ ra vào thăm hỏi anh, trong khi vợ con luân phiên chăm sóc.

Đêm Thứ Sáu 10 tháng 1 năm 2003, Phương Hồng Quế và Trần Quốc Bảo đã tổ chức một “Đêm Tạ Tình tiếng hát và những giòng nhạc Duy Khánh” tại vũ trường Majestic ở Quận Cam. Chương trình thành công vượt bực với các nghệ sĩ góp tình như Thanh Thúy, Thanh Mai, Kim Tuyến, Nguyễn Hưng, Hoàng Oanh, Bảo Yến, Trang Thanh Lan…

Lúc còn tại thế hoặc ngay cả trước giờ xuôi tay nhắm mắt, Duy Khánh luôn tự hào về gốc tích quê hương nghèo khổ của mình, như trong bài hát Tình Ca Quê Hương mà Ông đã viết:

“Tôi sinh ra giữa lòng miền trung
Miền thùy dương… Ruộng hoang nước mặn đồng chua
Thôn xóm tôi sống đời dân cày

Quê hương tôi ấp ủ Trường Sơn
Quê hương tôi là đây nước chảy xuôi nguồn
Sông cát dài biển xanh Thái Bình”

Ca nhạc sĩ Duy Khánh qua đời lúc 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003, tại bệnh viện Fountain Valley, hưởng thọ 68 tuổi.

Trần Quốc Bảo

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.