BĂNG CHÂU – Khuôn Mặt Khả Ái của Sân Khấu và Điện Ảnh

0 2.067

Trích bài Chu Văn Lễ trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 57 phát hành ngày thứ sáu 11 tháng 3 năm 2016).

Băng Châu đến với ca nhạc từ thập niên 70s của thế kỷ trước. Từ lần xuất hiện đầu trong chương trình ‘Tiếng Thùy Dương” của nhạc sĩ Châu Kỳ, cô đã tạo nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe qua ca khúc “Nhớ Nhau Hoài” của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Tuy nhiên, phải chờ đến khi Duy Khánh đào tạo và cho xuất hiện trong chương trình Trường Sơn của ông thì tên tuổi của Băng Châu mới thật sự trở thành một hiện tượng với nhiều ca khúc tạo dấu ấn riêng như Qua Cơn Mê của Trịnh lâm Ngân, Sao Không Thấy Anh Về của Duy Khánh, hay Quê Hương Ngày Em Lớn, và Lời Của Mẹ của Trầm Tử Thiêng.

Băng Châu có một giọng hát đẹp. Giọng của cô tuy không khỏe nhưng lại mềm mại và ngân nga truyền cảm khiến người nghe dễ bị lôi cuốn theo. Có có chất giọng buồn buồn mà không đều đều vì cách diễn tả cảm xúc đặc biệt mang nhiều kịch tính, khi réo rắt, khi lại du dương; khi bi thiết nhưng cũng có khi lại mượt mà, yểu điệu. Cái hay của Băng Châu là khi hát lại một ca khúc đã nổi danh ,cô chỉ hát theo cách riêng của mình chứ không lập lại cách hát của người đi trước. Nhờ vậy người ta có thể thích hay không thich giọng hát của cô nhưng không cảm thấy nhàm chán khi nghe cô hát.

Ca sĩ Băng Châu trong một lần về VN gần đây.

Băng Châu có một nét đẹp sắc sảo. Đó là nét đẹp của cô gái miền tây sông nước có sức quyến rũ bằng sự chân thật của mình. Ngay sau lần xuất hiện trên đài truyền hình, Băng Châu đã lọt vào tầm ngắn của đạo diễn Lê Dân cho bộ phim “Trần Thị Diễm Châu” của ông. Trong phim này, Băng Châu lại có dịp thi thố tài năng diễn xuất của mình để có thể lột tả nhân vật đa tình và đa tính cách, khi là một thiếu nữ hồn nhiên và ngây thơ; và sau khi bị đời dằn xé lại trở nên dữ dằn, sắt đá. “Trần Thị Diễm Châu” được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Thừa thắng xông lên, Băng Châu tiếp tục cộng tác trong phim “Trường Tôi”, “Bốn thủy thủ sợ ma”, “Năm vua Hề về làng”… Băng Châu thật sự đã là một gương mắt quen thuộc của giới điện ảnh miền Nam trước năm 1975.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Băng Châu tiếp tục xuất hiện trong một vài cuốn phim và cộng tác thường xuyên với đoàn kịch Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng trong vai trò ca sĩ và kịch sĩ. Tuy nhiên, Băng Châu chỉ ở lại với người chủ mới được vài năm thì tìm đường rời Việt Nam. Cô đến định cư tại Mỹ và cộng tác cho nhiều trung tâm tên tuổi tại hải ngoại như Thúy Anh, Thanh Lan, Asia và Làng Văn. Ngòai ra cô cũng có đóng phim nhưng tiếc là cộng đồng Việt Nam lúc đó chưa đủ mạnh để Băng Châu có thể tiếp tục vùng vẫy sở trường của mình. Băng Châu xuất hiện trên đài phát thanh ở nam California trong vai trò xướng ngôn viên.

Ca sĩ Băng Châu thập niên 1990.

Gần đây người yêu nhạc đã có dịp xem Băng Châu tái ngộ với công chúng ở Việt nam và Châu Âu. Nghe đâu, đây là chuyến lưu diễn Châu âu đầu tiên của cô. Điều này cho thấy tiếng hát u hoài của Băng Châu vẫn còn được giới thưởng ngoạn ưa chuộng. Thời cuộc như những thước phim trên màn ảnh, lúc ẩn, lúc hiện với những bất ngờ của số phận. Công chúng ngày nay có thể chỉ biết đến một Băng Châu diễm kiều trên sân khấu ca nhạc. Phải là người quan tâm đến sinh hoạt điện ảnh thời thập niên 70s thì mới nhận ra tên tuổi của nữ minh tinh khả ái Băng châu. Cho dù là xuất hiện trên sân khấu ca nhạc hay màn bạc điện ảnh, Băng Châu mãi mãi là một hình ảnh khả ái trong lòng người mộ điệu.

Phương Hồng Quế, Băng Châu, Sơn Ca, Trần Quốc Bảo tại đài VHN ngày 14 tháng 9 năm 2012

Vancouver ngày 7 tháng 3 năm 2016

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.