Về Ca Khúc “Gió Về Miền Xuôi” Của Thi Sĩ Thiên Hà Và Nhạc Sĩ Anh Việt Thu

0 9.662

Gió về miền xuôi anh đưa em cuối nẻo cuối đường
Gió đầu non gió lọt đầu ghềnh
Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày
Trên đường anh đi, đường nở hoa khắp chiến trường.

Gió gió về là về miền xuôi, anh đưa em nước lớn nước ròng
Để em qua sông qua suối thăm chồng
Gió về miền xuôi qua bốn vịnh năm doi, đò vẫn đưa đưa ngược xuôi.

Em ơi em ơi ! đường về quê xa mấy bước
Đường về quê xa mấy ngõ
Mà sao người nỡ bỏ quên đường
Trên đường em đi đường nở hoa khắp luống cày
Trên đường anh đi đường nở hoa khắp chiến trường.

Kính thưa quý vị, ca khúc Gió Về Miền Xuôi được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc vào năm 1967 từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Thiên Hà. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ gốc được thi sĩ Thiên Hà cho ra đời vào năm 1966, trong một lần ông về thăm quê ở Cà Mau và ông đã dẫn một người chị của mình đi thăm chồng đang đóng quân ở xa. Đường đi ở vùng 4 thì sông nước chằng chịt, trắc trở gian nan, lúc thì phải đi bộ, lúc phải đi qua đò, có lúc phải băng ruộng đi tắt cho kịp thì giờ. Trên đường đi, ông bắt gặp vô số hình ảnh những người vợ tay xách nách mang, bồng bế con đi tới những tiền đồn xa xăm cũng chỉ để thăm chồng. Từ đó, nguồn cảm hứng tuôn trào và ông sáng tác bài thơ Gió Về Miền Xuôi, xin gửi đến quý vị bài thơ gốc của thi sĩ Thiên Hà :

Gió về miền xuôi qua rừng núi
Anh đưa em đi suốt mấy dặm đường
Cuối nẻo cuối đường quê hương chân đất
Gió ở đầu non, gió lọt đầu ghềnh

Gió về miền xuôi qua sông qua suối
Anh đưa em đi theo nước lớn nước ròng
Qua bốn vịnh năm doi ngược dòng nước xiết
Để gặp mặt chồng phỉ dạ nhớ mong

Gió về miền xuôi đò ngang trắc trở
Đường em đi hoa nở khắp luống cày
Gió về miền xuôi… ngày đêm nhung nhớ
Hoa lửa chiến trường mờ mịt lối mây

Gió về miền xuôi dù đường xa vạn dặm
Sẽ có một ngày thăm lại quê xưa
Em ơi em, đường về quê xa mấy bước
Khuất nẻo truông lầy chuyện nắng mưa

Em ơi em, đường về quê xa mấy ngõ
Đừng vội trách anh nỡ bỏ quên đường
Đường em đi luống cày xanh sắc lúa
Đường anh về hoa đỏ thắm quê hương.

Thiên Hà, 1966.

Phúc Ben.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.