Về Ca Khúc “Bà Mẹ Quê” Của Nhạc Sĩ Phạm Duy

0 2.055

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.

Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều thì phơi lúa ra

Bà bà mẹ quê ! Ðêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê ! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say.

Bà bà mẹ quê !
Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê !
Từ lúc quê hương xoá nhoà
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ xa.

Trích lời của nhạc sĩ Phạm Duy như sau :

Những bài hát tình ca quê hương rất dễ dàng dẫn tới những bài hát tình tự dân tộc. Lúc đó, trong lòng tôi còn mang nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài BÀ MẸ CHIẾN SĨ đã soạn tại Vinh năm 1949 để làm thành bài BÀ MẸ QUÊ, một bài trong bộ ba – trilogie về con người Việt Nam, tôi gọi là những bài hát quê hương-dân tộc.

Trong ấn phẩm do nhà xuất bản TINH HOA phát hành vào năm 1954, tôi có đề tựa như sau:

1.- BÀ MẸ QUÊ tượng trưng cho lòng hi sinh, chí kiên nhẫn, tình thương yêu và biểu tượng cho dĩ vãng;

2.- VỢ CHỒNG QUÊ tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại;

3.- EM BÉ QUÊ là mầm non lớn mạnh, kiến thiết xã hội, biểu tượng tương lai.

Tả cảnh chiều quê Việt Nam, trong tất cả sắc độ và tâm tình, nhạc sĩ Phạm Duy có một lời hát thần sầu :

“Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai – Hiu hắt tiếng bà mẹ cười …”

Vài luống khoai, hình ảnh quê nghèo. Hai Chữ thoi thóp và hiu hắt gợi hình và gợi tình. Thoi thóp so sánh ánh nắng chiều với hơi thở hay nhịp đập trái tim, nhẹ dần, yếu dần. hoang mang, thấp thỏm. Đồng thời chữ hiu hắt chập chờn ngọn lửa tàn hơi, ánh đèn cạn sức, hao mòn trước gió. Ánh nắng nhòa trong tiếng cười, buổi chiều lồng vào tuổi già. Buổi chiều già, bà mẹ quê. Chiều quê và mẹ già. Ánh sáng vừa chắt chiu, vừa phôi pha tình cảm mong manh vĩnh cửu trong lòng người ….

Nhạc sĩ Phạm Duy đã vẽ ra được một hoạt cảnh thanh bình, tươi sáng trong bài Bà Mẹ Quê :

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu – Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều – Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
(…)
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già – Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa

Lời nhạc của Phạm Duy đậm đà tình tự dân tộc vì bản thân anh thấm nhuần ca dao, tục ngữ và những làn điệu dân ca “từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời”. Lời ca Phạm Duy có khi cũng xa vời, nhưng vì nghe quen quen, chúng ta không còn để ý và lười tìm hiểu. Ví dụ mưa nhiều càng tươi bông lúa nói lên niềm tin lạc quan của người nông dân, qua tục ngữ trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Nhưng câu trên “ướt áo mẹ già” với ta chỉ là một hình ảnh cần lao vất cả, cảm động, ta quên rằng Phạm Duy đã rung cảm từ những câu hát đối đáp nam nữ :

Trời mưa ướt bụi ướt bờ – Ướt câu ướt lá, ai ngờ ướt em
Trời mưa ướt lá trầu vàng – Ướt em, em chịu, ướt chàng, em thương

Niềm lưu tâm, lo lắng cho nhau biểu hiện tình yêu. Tình yêu trai gái sôi nổi, tha thiết đã được Phạm Duy chuyển sang lòng yêu bà mẹ quê “chỉ biết cần lao” và đã đạt tới những lời hát thật tình nghĩa, sắc sảo.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy – Nhờ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy.

Ít ai mê gái như Kim Trọng, đến máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao. Khi chàng nhớ nàng Kiều :

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình

Nghĩa là chàng Kim vẫn uống trà, không có cái khao khát khô đắng rất cụ thể của Phạm Duy khi nhớ bà mẹ quê miệng khô nhớ bát nước đầy … Thật ra trong mơ dân tộc đã có những tình cảm ngọt ngào dịu mát ấy …

Thái Salem Tổng Hợp 
* Trong bài có trích bài viết của Đặng Tiến.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.