Nhạc sĩ Mạnh Phát, một trong những nhạc sĩ tài danh của Miền Nam Việt Nam ngày xưa, ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như : Vọng Gác Đêm Sương, Ngày Xưa Anh Nói, Sương Lạnh Chiều Đông, Dấu Chân Kỷ Niệm. Hay những tác phẩm đồng sáng tác với nhạc sĩ Hoài Linh như : Nhớ Một Người, Nỗi Buồn Gác Trọ, ….. Đó là những ca khúc quá hay, mà bất kỳ người yêu nhạc nào không thể không biết. Vì thế, là một người yêu nhạc chân chính, luôn hướng lòng về các nhạc sĩ đã khuất, nên tôi phải tìm đến nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Mạnh Phát một lần để viếng và đốt nhang cảm ơn ông đã sáng tác những ca khúc thật hay cho đời.
Ông mất quá sớm, những gì tôi biết lúc đó là ông qua đời vào năm 1973 (lúc đó có tài liệu ghi 1971). Đó thực sự là một thử thách quá lớn cho tôi, một đứa sinh sau đẻ muộn như vầy. Người đầu tiên tôi hỏi thông tin về nhạc sĩ Mạnh Phát đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Theo tôi được biết thì vào cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân của Nha Cảnh Sát, quy tụ trong đoàn gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Thu Hồ, Hoài Linh, Mạnh Phát, ….. Vì nếu đã làm việc chung chắc chắn ông sẽ có một vài thông tin bổ ích cho tôi. Nhưng cái khó là làm sao gặp được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đây ? nhà ông thì tôi biết, nhưng có đến thì ông cũng không tiếp. Không phải vì ông khó khăn hay gì cả, chỉ vì ông là một cựu đại tá ở lại VN, cho nên ông rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, và rất ít khi tiếp người lạ. Nhưng trời không bạc đãi kẻ khờ, có một cô là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đứng ra làm trung gian giới thiệu tôi với nhạc sĩ, cô này tên Dung và cô cũng đã giúp tôi rất nhiều sau này. Sau lời giới thiệu của cô thì vào một buổi chiều tháng 8/2014 ông đã dành thời gian tiếp chuyện với tôi. Nhưng tin buồn đến với tôi là ông không biết được hiện nhạc sĩ Mạnh Phát đang yên nghỉ ở đâu …..
Không nản, tôi tiếp tục tìm kiếm từ những mối quan hệ trong giới văn nghệ sĩ trước 1975, gia đình nhạc sĩ Y Vân cũng không biết, gia đình nhạc sĩ Hoài Linh cũng không biết ….. những nhạc sĩ ngày xưa đồng sáng tác rất nhiều bài hát với nhạc sĩ Mạnh Phát, mà gia đình họ còn không biết …. Thì sao mà tôi biết. Lần mò mãi cũng có chút tin tốt cho tôi, cô Dung nói với tôi rằng cô có liên lạc được với một người cháu rể của nhạc sĩ Mạnh Phát, anh ta hiện đang là một tay trống trong một ban nhạc chuyên đánh trong các phong trà ở Sài Gòn, anh ta sẽ hỏi gia đình giúp tôi. Một thời gian ngắn sau đó, tôi được cung cấp thông tin rằng ông Mạnh Phát hiện đang nằm ở một ngôi chùa trên đường Trần Huy Liệu.
Khi vừa nhận được thông tin này, tôi tức tốc trong ngày đi đến đường Trần Huy Liệu để kiếm xem trên đường có ngôi chùa nào hay không ? vừa quẹo vào đường Trần Huy Liệu khoảng 100 mét, là bên tay trái có một ngôi chùa rất lớn tên Thanh Minh Thiền Viện. Tôi đến và được anh giữ xe chỉ cho lên tháp lầu, lầu giữ tro cốt nếu tôi nhớ không lầm là lầu 6 hay 7 gì đó. Vì là buổi trưa nên trên tháp không có ai cả, tôi nhìn lầu để tro cốt mà muốn ngất xỉu, có đến hơn cả ngàn hũ cốt được để trên rất nhiều tầng cao thấp …. Tôi bắt đầu tìm kiếm trong vô vọng. Đến khoảng 1 tiếng sau khi đã thấm mệt thì tôi thấy có một anh trung niên canh gác lầu đi ăn cơm lên. Ảnh hỏi tôi muốn tìm người nào ? tên gì ? mất năm nào ? tên người gửi …. ảnh sẽ kiếm cho. Tôi nói tên là Mạnh Phát, mất năm 71 hay 73 gì đó lâu quá tôi không nhớ, còn người gửi thì tôi chịu. Ảnh lấy sổ ra lật đi lật lại một hồi cả buổi vẫn không thấy có ai tên Mạnh Phát. Ảnh hỏi họ người mất là gì ? tôi liền lấy điện thoại ra gọi hỏi cô Dung, nhưng lúc ấy số máy cô Dung đang khóa không gọi được. Tôi đành buồn thiu ra về …..
Lát sau, cô Dung gọi lại cho tôi, và hỏi có chuyện gì. Sau khi nghe tôi trình bày, cô Dung hẹn một ngày không xa hai cô cháu đến ngôi chùa đó tiếp tục kiếm nhạc sĩ Mạnh Phát, có gì cô sẽ gọi hỏi anh cháu nhạc sĩ Mạnh Phát. Khoảng vài tuần sau đó tôi và cô Dung tiếp tục đến Thiền Viện Thanh Minh để kiếm nhạc sĩ Mạnh Phát, sau khi cung cấp tên Lê Mạnh Phát vẫn không tìm ra ….. Anh gác lầu tro cốt nhiệt tình dẫn hai cô cháu xuống dưới lục hồ sơ cũ ra kiếm kỹ lại vẫn không thấy. Ảnh nói bây giờ còn cách cuối cùng là phải kiếm tên người gửi, nhiều khi Mạnh Phát là bút danh còn người nhà gửi lưu tên thật. Kiếm tên người gửi là chắc ăn nhất. Cô Dung lại phải gọi về cho cháu rể nhạc sĩ Mạnh Phát, anh ta hỏi đi hỏi lại một hồi mới biết chúng tôi ….. đi lộn chùa. Do sớn xác tôi đã không tìm kỹ, còn một ngôi chùa nhỏ nằm trong hẻm ở gần cuối đường Trần Huy Liệu, ngôi chùa tên Pháp Vân. Thế là hai cô cháu tẽn tò ra xe chạy về ngôi Chùa Pháp Vân gần đó. Đến nơi sau khi cung cấp thông tin về tên người mất và năm mất, vị sư trong chùa Pháp Vân cũng vui vẻ hướng dẫn hai cô cháu tôi đến nhà hài cốt, và còn nhiệt tình chỉ nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Mạnh Phát. (dĩ nhiên là sau khi tra sổ).
Câu chuyện thật dài dòng phải không quý vị, nhưng đó là một kỷ niệm trong cuộc đời mà tôi không thể quên được, tôi và cô Dung đốt nhang cho ông Mạnh Phát xong ra về, mà trong lòng hai cô cháu cảm thấy nhẹ nhàng như nở hoa. Bởi vì trong chúng tôi luôn tràn ngập yêu thương.
Sau này tôi tiếp tục làm nhịp cầu cho rất nhiều quý thân hữu yêu nhạc đến viếng và thắp hương cho nhạc sĩ Mạnh Phát. Quý vị có thể xem đoạn phóng sự ngắn về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Mạnh Phát ở đưới đây :
Phúc Ben.