Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, sinh trưởng tại Bình Định, ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc quen thuộc và được khán giả yêu mến như: Cây cầu dừa, Ngỏ hồn qua đêm, Những đóm mắt hỏa châu, Thành phố sau lưng, Về quê ngoại…
Gia đình ông có 5 anh chị em, chị cả của ông là Bà Lê Thị Hương cũng là vợ nhạc sĩ Thanh Sơn. Năm 14 tuổi, ông vào Sài Gòn ở chung với gia đình chị cả. Trong nhà có treo cây guitar, ông hay đem xuống mày mò. Người anh rể là nhạc sĩ Thanh Sơn rất kỹ tính đã nhiều lần không vừa lòng, nên ông phải tập chơi đàn bằng cách đứng ngay tại cây đàn rồi tập mà không gỡ đàn ra khỏi móc treo. Nhờ mài mò chăm học và mua sách vở học thêm, nên chỉ 4 năm sau ông đã có những sáng tác đầu tay.
Nói về các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hàn Châu, theo tác giả Đông Kha từ nhacxua.vn thì ca khúc Những Đóm Mắt Hỏa Châu là một trong những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hàn Châu, và cũng là một trong những bài nhạc thời chinh chiến được công chúng yêu thích nhất.
Nhạc sĩ Hàn Châu có ghi đề tựa: Mượn tựa một bài thơ của thi sĩ Tường Linh trong tờ nhạc bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu phát hành trước năm 1975.
Khi kể về hoàn cảnh sáng tác của bài hát này, nhạc sĩ Hàn Châu cho biết vào năm 1968, nhạc sĩ Hàn Châu vừa tròn 21 tuổi để đi vào quân ngũ. Thời điểm đó ở ngoại ô Sài Gòn, ông nhìn về phía Củ Chi, Hóc Môn thường có những đèn hỏa châu sáng tỏa trong đêm tối. Trong một buổi tối kia, có một bài thơ mang tên Những Đóm Mắt Hỏa Châu của thi sĩ Tường Linh được giải nhất trong giải thi thơ của đài phát thanh. Nhạc sĩ Hàn Châu đã mượn tựa đề đó để viết thành bài hát mà sau đó đã trở thành bất hủ, nhạc sĩ chỉ nghe tựa thôi chứ không nhớ bài thơ nội dung thế nào nhưng nhạc sĩ Hàn Châu đã cảm tác mà viết nên một câu chuyện tình đẹp thời chiến. Những tác phẩm đầu tay của ông đều là nhạc về người lính: Ngõ Hồn Qua Đêm, Thành Phố Sau Lưng, Ngày Mai Tôi Về, Tình Người Đầu Non, Lời Trần Tình, Viết Trên Cao… và đặc biệt là Những Đóm Mắt Hỏa Châu.
Hoàng Oanh là ca sĩ đã thu âm đầu tiên Bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu trước năm 1975 trong đĩa nhựa, sau đó được Phương Dung và Băng Châu hát lại trong băng cối và cũng rất được yêu thích.
Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác năm 1966, và ông ký bút danh là Triết Giang và Hàn Châu cho bài hát này. Nhạc sĩ Hàn Châu cũng từng xác nhận đó là lần đầu tiên bút danh Hàn Châu của ông xuất hiện với công chúng, được nhạc sĩ Hoàng Trang đặt cho ông. Bởi vì bài hát được ký với 2 bút danh nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên để thêm tên Hàn Châu vào.
Còn ý nghĩa của Triết Giang và Hàn Châu đối với nghệ sĩ là gì? Vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang có kể lại rằng khi nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác xong Ngỏ Hồn Qua Đêm, ông muốn đặt một bút danh khác cho mình, ngoài cái tên Hoàng Trang đã nổi tiếng. Ông nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc có ghi 2 cái tên Hàn Châu và Triết Giang. Thấy hai cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn.
Bài Ngỏ Hồn Qua Đêm được hãng Vô Tuyến lăng xê và trở nên rất nổi tiếng và nhanh chóng được khán giả đón nhận qua tiếng hát Hoàng Oanh với những ý nhạc mới mẻ cùng điệu bolero dễ đi vào lòng người.
Bài hát Về Quê Ngoại là một bài hát viết về quê hương rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu, tuy nhiên theo nhạc sĩ Hàn Châu, bài hát bị sửa đổi rất nhiều, lời ca hiện tại hoàn toàn sai so với nguyên tác bài hát của ông viết năm 1974, được ca sĩ Duy Khánh hát đúng trong băng nhạc Nguyên Thảo 1974.
Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, hầu hết các bài hát của ông được viết dựa trên nội dung do ông hư cấu và tưởng tượng ra, tuy nhiên bài hát Về Quê Ngoại là một trong những bài hát hiếm hoi mà ông viết về cuộc đời thật của mình. Ông không biết lý do vì đâu mà bài hát Về Quê Ngoại lại bị đổi lời nhiều và lung tung đến như vậy. Ngay câu hát đầu tiên, tác giả nhắc đến “xuôi về miền Trung”, tức là quê hương miền Trung nơi ông sinh ra, nhưng lại bị nhiều ca sĩ đổi lời thành “đi về miền quê”
Ông viết bài này khi phải sống xa quê hương cùng nỗi thương nhớ bà ngoại, ông dùng bài hát này để ghi dấu kỷ niệm với vùng quê ngoại đã gắn bó thời thơ ấu, để tặng cho bà ngoại mà ông hết mực kính yêu.
Cha của nhạc sĩ qua đời khi còn rất trẻ, để lại bầy con 5 người mồ côi, ngay cả gương mặt cha ra sao ông cũng không thể nhớ được. Tuy nhiên câu hát này lại bị ca sĩ sau 75 hát thành: “Bao năm vất vả mưa nắng ngược xuôi…”, hoàn toàn không liên quan gì tới lời gốc của tác giả là: “Ôi cha chết rồi con sống mồ côi…”
Sau khi cha ông mất, mẹ phải vào nam để mưu sinh, ông sống với bà ngoại và có rất nhiều kỷ niệm về quê ngoại Bình Định. Đến năm 1961, khi được 14 tuổi thì ông cũng vào Nam tá túc ở nhà của chị ruột của mình, khi đó đã kết hôn với nhạc sĩ Thanh Sơn.
Ở đoạn tiếp theo của bài hát, tác giả viết về hoàn cảnh tuổi thơ ông trải qua trong thời chinh chiến: “Qua bao ngày thơ khói lửa tràn lan anh bỏ đi…”, lại bị đổi lời thành một câu khác: “Qua bao ngày thơ kỷ niệm mộng mơ anh đã ghi…”
“Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tênh trên mảnh vườn hoang. Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho ngoại ăn trầu ngoại sống dài lâu” Trong đoạn này của bài hát, nhạc sĩ viết lên niềm thương nhớ bà ngoại sống tuổi già trên mảnh vườn ngày cũ với hàng cau vườn trầu. Đoạn này tuy không có hình ảnh “nhạy cảm”gì nhưng cũng bị đổi lời hoàn toàn, trở thành: “Đây là nhịp cầu tre nối liền hai thôn sớm nắng chiều mưa”
Vốn tác giả muốn viết nỗi thương nhớ vùng quê hương miền Trung – Bình Định của mình, không hiểu sao đã bị ai đó sửa lại thành “nhịp cầu tre” ở vùng sông nước miền Tây, làm thay đổi cả bối cảnh mà tác giả viết trong lời gốc. Ngoài việc bài hát Về Quê Ngoại bị thay đổi lời một cách nghiêm trọng, nhạc sĩ Hàn Châu cũng tỏ ý rất không hài lòng về việc bài hát này vốn được ông viết điệu ballad, được danh ca Duy Khánh hát rất êm đềm. Sau năm 1975, các ca sĩ trẻ lại đổi thành điệu cha cha cha, vừa hát sai lời còn làm biến điệu của bài hát.
Ca khúc Thành Phố Sau Lưng được tác giả viết trong thời gian ông đang là một người lính trong binh chủng địa phương quân ở Sài Gòn. Hình ảnh nhân vật chính trong bài hát trước và sau khi khoác áo chinh nhân được nhạc sĩ Hàn Châu khắc họa rất rõ. Lời bài hát cũng nói rằng khoảng thời gian trước đó là một sự hoang phế …. nhưng nay đã trả lại tất cả vào dĩ vãng, và nguyện làm người lính và đêm ngày bảo vệ tổ quốc như câu :
– Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách …..
Ông cũng từng tâm sự thêm với người viết rằng thời gian đi lính, ông không hề sợ kẻ địch mà chỉ sợ những người lính ….. quân cảnh. Có lẽ vì tính tình nghệ sĩ, hay ‘dù’ đi chơi nên nhạc sĩ sợ những người quân cảnh là đúng rồi. Có lần buổi sáng ông trốn đơn vị chạy ra ngoài ăn sáng uống cafe, mà trên đường đi ông phải quay đầu xe lại chạy trốn mấy lần vì gặp quá nhiều chốt quân cảnh. Ông phải thốt lên rằng :
– Nhiều khi mình là lính, mà đi ngoài đường dòm dáo dác canh chừng quân cảnh như ăn trộm vậy !!!!!
Phúc Ben tổng hợp. (trong bài viết có tham khảo trang nhacxua.vn)
Tính ra những bản nhạc của ông còn hay và ý nghĩa hơn ông nhạc sỹ Thanh Sơn.Mấy bài tôi đều thích.