Về Ca Khúc “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không ?” Của Thi Sĩ Nhất Tuấn Và Trần Thiện Thanh

0 6.250

Lật lại những dòng thơ cũ, tôi bắt gặp những bài thơ của thi sĩ Nhất Tuấn, nó gợi lại trong  tôi nỗi tiếc nhớ xa xôi về những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Nhắc tới Nhất Tuấn là nhớ tới mùa hè với màu hoa phượng vĩ đỏ thấm gập sân trường, màu hoa đẹp như mối tình đầu với nhiều vụng dại thơ ngây của tuổi học trò, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu, những buổi hẹn hò, những sai lầm mất phải đầy ngây thơ trong sáng, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ. Tình đầu luôn làm ta xao xuyến thẫn thờ như ngây như dại với bao mộng ước chứa đầy ắp trong tim.

Thơ của Nhất Tuấn được các nhạc sĩ trong nước và hải ngoại phổ nhạc một cách rộng rãi nhờ đó đọc giả còn được thưởng thức những vần thơ hay của ông qua các bản nhạc trữ tình thật ấm áp, mộng mơ. Như  bài thơ có tựa đề hết sức đặc biệt “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không” do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc cùng tên. Mời quý vị  xem trước qua bài thơ gốc của ông :

Chỉ tại anh, nên hôm qua về trễ
Cứ “phim hay, tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo và ‘tô mầu’ giỏi thế”
Hỏi ai còn nỡ khất hẹn ngày mai

Chỉ tại anh nên trờì thu đổi gió
Mimosa … phủ kín mặt đường khuya
Vương đầy tóc em bắt đền anh đó
Gỡ dùm đi đứng cười mãi… ô kìa

Chỉ tại anh, em về nhà không ngủ
Trằn trọc hoài, thao thức suốt một đêm
Và bỗng thấy hình như là thoáng nhớ
Đến một người không biết lạ hay quen

Chỉ tại anh nên hôm nay dậy muộn
Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu
Bốn consigne (cô giáo già ác gớm
Còn bắt em chép phạt mấy trăm câu!)

Ngày thứ tám, em vào ngồi chép phạt
Mấy trăm câu mà viết mãi không xong
Bà giám thị cầm giấy xem chỉ thấy
Chúa nhật này “Trẫm”… nhớ… Ái khanh không
(Truyện Chúng Mình II. 1964)

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh làm người nghe nhớ nhiều nhất là những bản nhạc tình ghi dấu tích của mùa chinh chiến. Nên với ca khúc “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ  Ái Khanh Không”,  được xem như là một màu sắc mới trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, và nhất là ca khúc rất thành công dưới sự trình bày của ca sĩ Mỹ Lan người sau này trở thành vợ của ông.

Ca khúc thật dễ thương, gần gũi, thể hiện mối tình học trò hồn nhiên chất phát pha chút lãng mạn ngây thơ. Tác giả đã sử dụng phép dùng từ ẩn dụ thật khéo léo tài tình, từ ngữ “trẫm” “ái khanh”,  chúng ta có thể hiểu ý tác giả chỉ cách xưng hô “anh” “em” của hiện tại, phép ẩn dụ còn được nhà thơ sử dụng một cách kín đáo triệt để hơn khi ám chỉ “anh” như  một ông vua, còn “em” như bà hoàng hậu, phép so sánh tương đồng làm tăng thêm ý nghĩa tình yêu, làm thăng hoa câu chuyện tình nơi cung cấm triều đình  ngày xưa.

Tình yêu của đôi bạn trẻ thể hiện thật đáng yêu, diễn tả hết niềm vui và hạnh phúc của hai tâm hồn ngây thơ trong sáng. Khi hai người đi xem phim về khuya, hoa mimosa rơi nhẹ trên làn tóc rối em, em bắt đền anh không chịu gỡ dùm mà chỉ biết nhìn cười. Từ ngữ “bắt đền” thật dễ thương, vừa có ý trách móc vừa bày tỏ tình yêu thương một cách kín đáo mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết ý nghĩa thầm kín đó. Ca khúc còn tái hiện lại cảnh thầy cô giáo trường công ngày xưa hay phạt học trò phạm lỗi bằng công-xin nghĩa là cấm túc, buộc học trò phải vào trường ngày chủ nhật để học bài hoặc chép bài phạt. Ở đây ta thấy được hình ảnh cô em thật dễ thương dù đang chấp hành hình phạt nhưng trong đầu em toàn nghĩ tới người yêu nên luôn ghi chữ “Chủ nhật này trẫm có nhớ ái khanh không” trong bài phạt của mình. Đúng là tâm trạng của người lần đầu mới biết yêu.

Một nhạc phẩm một thi phẩm thật lãng mạn dễ thương, bài thơ quá mức đáng yêu, nên chúng ta có thể hiểu được tại sao học sinh sinh viên trong thập niên 60 lại mê thơ của Nhất Tuấn đến vậy. Hầu hết các cô cậu đang tuổi học trò đều chuyền tay nhau chép những bài thơ hay của Nhất Tuấn bỏ vào trang sách để đọc cho bạn bè nghe, dần dần trở thành một phong trào nghe và đọc thơ Nhất Tuấn.

Đối với nhiều người có niềm đam mê với thơ ca,thì thơ và nhạc là hai môn nghệ thuật riêng biệt nhưng lại có sự gắn kết. Nhiều nhạc phẩm phổ thơ đã khiến người nghe dễ dàng tìm thấy được mối giao cảm nghệ thuật trong đó.

Hãy cùng chúng tôi nghe lại ca khúc “Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ  Ái Khanh Không”, để cùng nhớ lại một thời áo trắng ngây thơ và cũng để cảm nhận được sự kết nối nghệ thuật trong đó.

Chỉ tại anh nên hôm qua về trể
Cứ phim hay tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo mà tô màu giỏi thế
Hỏi ai còn đành khất hẹn ngày mai

Chỉ tại anh nên trời thu đổi gió
Mimosa phủ kính mặt đường khuya
Vương đầy tóc em bắt đền anh đó
Gỡ giùm đi đừng cười mãi ô kìa

Chỉ tại anh nên hôm nay về muộn
Cứ bắt em gặp mãi cứ hẹn hoài
Sáng hôm mai em có giờ lý hoá
Còn có thêm một giờ triết khô khan

“Hoàng Đế” hỡi nghe giùm lời rất thật
“Thiếp” yêu “Vua” và “thiếp” rất ngu ngơ
Nên lỡ mà tuần tới nơi hẽm vắng
Chúa nhật này “trẫm” nhớ “ái khanh” không?

Chỉ tại anh nên hôm nay dậy muộn
Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu
Bốn công-xin cô giáo đẹp ác thế
Còn bắt em chép phạt mấy trăm câu

Ngày thứ tám em vào ngồi chép phạt
Mấy trăm câu mà viết không xong
Ông giám thị cầm giấy xem chỉ thấy
Chúa nhật này “trẩm” nhớ “ái khanh” không?

Chủ nhật này “trẩm” nhớ “ái khanh” thôi!
Chủ nhật này “trẩm” nhớ “ái khanh” thôi!

Sakura.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.