Về Trường Ca Hòn Vọng Phu Của Nhạc Sĩ Lê Thương

0 3.090

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường
Đoàn ngựa xe cuối cùng
Vừa đuổi theo lối sông.
Phía cách quan xa trường

Quan với quân lên đường
Hàng cờ theo trống dồn
Ngoài sườn non cuối thôn
Phất phơ ngậm ngùi bay.

Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lí quang sang,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
Người biến thành tượng đá ôm con.

Ngựa phi ngoài xa hí vang trời
Chiêng trống khua trăm hồi
Ngần ngại trên núi đồi
Rồi vọng ra khắp nơi
Phía cách quan xa vời

Chiêng trống khua trăm hồi
Ngần ngại trên núi đồi
Rồi dậy vang khắp nơi
Thắm bao niềm chia phôi.

Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về
Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề
Nhìn chân trời xanh biếc bao la
Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa.

Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về
Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề
Người tung hoành bên núi xa xăm
Người mong chồng còn đứng muôn năm.

Câu chuyện Hòn vọng phu nguyên là một sự tích buồn nổi tiếng trong dân gian, được tóm tắt ngắn gọn như sau :

– “Hai anh em ruột gặp nạn xa nhau, về sau gặp lại không biết đấy là anh em. Họ yêu nhau, cưới nhau làm vợ chồng rồi sinh ra một đứa con. Một hôm người chồng nhìn thấy dấu ấn trên mình người vợ, nhận ra đó là em gái mình. Đau đớn quá, người chồng từ biệt vợ ra đi. Người vợ thì không biết chuyện đó, cứ tưởng chồng đi làm vài ngày rồi sẽ về nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Vài tháng, vài năm, bà vẫn trên đỉnh núi ôm con đứng đợi. Cho đến rất lâu sau, người ta thấy nơi đó một hòn đá hướng ra vùng trời xa thẳm. Đó chính là người vợ bồng con đã hóa đá vì chờ chồng. Hòn vọng phu trong sự tích này chính là đá Vọng Phu tại Đồng Đăng, Lạng Sơn. Đá đã bị sụp đổ vào năm 1991.”

Hòn Vọng Phu.

Tuy nhiên, hòn vọng phu trong tác phẩm của Lê Thương lại có nội dung khác. Cũng với câu chuyện về người vợ chờ chồng đến hóa đá, Lê Thương đã xây dựng nên câu chuyện khiến ai đã một lần nghe qua đều xúc động. Trong trường ca này, Lê Thương đã sử dụng nhuần nhuyễn âm giai ngũ cung của Việt Nam phối hợp với tiết điệu Tây phương để kể về mối tình chia cắt của người chồng và người vợ do chiến tranh loạn lạc. Khi chiến tranh nổ ra, người chồng theo lệnh vua tòng quân với lời hẹn ước chỉ một thời gian sẽ trở về. Hai vợ chồng, “người đi ngoài vạn lí quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn.” (phần 1)

Thời gian cứ bằng bẵng trôi. Người vợ chờ đợi mãi vẫn không thấy chồng trở về. Chiều nào nàng cũng bồng con ra ngóng tin chồng; vết chân nàng đi dần hằn sâu trên phiến đá. Cỏ cây, hoa lá, sông núi, nước non,…cả đất trời đều thương cảm cho nàng, đều giúp nàng ngóng tìm chồng, “xem chàng về hay chưa”. Ngóng trông mãi đến lúc tất cả đều khuyên nàng đừng chờ đợi nữa, hãy “trở về chớ đừng để xuân tàn”. – Thế nhưng, nàng vẫn chờ, chờ mãi nơi ấy. Nước mưa, bụi thời gian tuôn xối xả lên nàng, “thấm vào đến tận tâm hồn đứa con”. Ngày tháng dần trôi, nàng và con dần hóa đá vì chờ chồng. (phần 2)

Người chồng – sau khi vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy – cuối cùng đã thực hiện được lời hứa là trở về với nàng nhưng đã quá muộn. Nàng đã không còn để gặp chồng, chỉ còn “vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu” và nỗi tiếc thương lưu truyền mãi đến muôn đời sau. (phần 3)

Trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương như đã nói ở trên gồm có ba phần. Mỗi phần có thể được hát như một bài riêng:
Hòn vọng phu 1: Đoàn người ra đi (Hương Mộc Lan xuất bản lần đầu vào năm 1946)
Hòn vọng phu 2: Ai xuôi vạn lí (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)
Hòn vọng phu 3: Người chinh phu về (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

Phúc Ben.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.