Về Ca Khúc “Tôi Vẫn Nhớ” Của Nhạc Sĩ Ngân Giang

1 15.249

Bao năm qua dù xa anh nhưng tôi vẫn nhớ
Nhớ con đường nắng u buồn
Dìu nhau đi tìm dăm bóng mát
Lòng bâng quơ nghĩ chuyện vu vơ.

Tôi vẫn nhớ,nhớ đêm hẹn hò bên trăng sao,
Từng câu nói yêu đương ngọt ngào.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện tình đầu đã ngủ yên trong cõi thâm sâu
Ngày anh đi tôi nhuộm nước mắt thê lương sầu bi.

Tôi vẫn nhớ những đêm nhiệm màu
Cùng người đan tay đếm ánh sao đêm
Hẹn trăm năm ta cùng kết tóc xe duyên mộng vàng.

Nhưng đêm nay gọi tên anh tim nghe giá buốt
Mới hay mình vẫn yêu người
Ngày xa nhau càng xa mãi mãi
Tình yêu ơi biết làm sao nguôi ?

Tôi vẫn nhớ mắt anh buồn nhìn nơi phương xa
Sợ năm tháng duyên kia nhạt nhoà.

Tôi vẫn nhớ anh hay một mình,
Thường làm thơ nên thích suy tư,
Thường gom trong sao trời muôn lối em đi chiều nao.

Tôi vẫn biết xa nhau là buồn, chuyện tình yêu vỗ cánh bay cao,
Để riêng tôi âm thầm chuốc lấy đau thương mỏi mòn.

Câu ca dao mẹ ru con bao năm vẫn nhớ,
Nước non này chiến chinh dài
Người ra đi còn đi mãi mãi
Mộng chung đôi vẫn còn chia phôi.

Tôi vẫn nhớ anh lên đường chiều mưa giăng cao,
Mình tôi đứng rưng rưng nghẹn ngào.

Tôi nhớ mãi năm xưa một chiều, lần về qua anh ghé thăm tôi.
Quà cho nhau em tặng tôi chiếc khăn thêu màu xanh.

Tôi vẫn biết xa nhau thật rồi, kỷ niệm ơi anh đã quên tôi
Ngàn năm sau tôi còn giữ mãi trên môi nụ cười

Có nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ người yêu! Thật vậy, trong cuộc đời, mỗi vùng đất ta đặt chân đi qua, mỗi người ta từng tiếp xúc dù là buồn hay vui đều cho ta một niềm nhớ, nhớ người, nhớ cảnh. Nhưng có một nỗi nhớ không tên khiến bao tâm hồn đắm chìm trong nỗi nhớ đó chính là nhớ người yêu. Vô cùng mông lung vì có thể là nỗi nhớ về một người mình đang yêu , nỗi nhớ của cuộc tình đơn phương hay dành cho những cuộc tình dù rất yêu nhưng chẳng thể bên nhau. Mọi sự mong nhớ đều bày tỏ nỗi lòng nhớ về hình bóng một người, là sự trải lòng đến chân thật nhất những cảm xúc nhớ người yêu, nhớ người tình cũ.

Tình yêu thường nhớ, thường mong, thường đợi chờ nên có những giây phút đứng ngồi không yên nên người xưa có câu :

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đóng lửa, như ngồi đóng than”.

Trong thơ ca, ta cũng thường bắt gặp những vần thơ viết về nỗi nhớ người yêu vô cùng da diết như Xuân Quỳnh:

“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức!”

Có lẽ đó là sức mạnh của tình yêu mang lại, một niềm say mê, cuồng nhiệt khi yêu đã cuốn con người vào thế giới đầy mơ mộng để khẳng định nỗi nhớ đến trong mơ vẫn còn thức. Hay với Xuân Diệu, tình yêu được coi như một giá trị sống đích thực, tình yêu đáng được tôn thờ nên ông cho rằng xa cách trong tình yêu luôn làm cho người đang yêu rơi vào trạng thái giày vò và lo sợ, bởi tình yêu vốn mong manh và dễ tan vỡ. Xa cách làm nên nỗi nhớ thêm đầy và có những nỗi nhớ như quặn thắt con tim: “Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em”. Với Nguyễn Bính, nỗi nhớ mãi mãi là không đủ:

“Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem có mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng?”
.

Còn trong âm nhạc nỗi nhớ thường gắn liền với kỷ niệm đã qua trong tình yêu, đó luôn là nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi mỗi khi nhớ về người yêu. Cuộc tình dù hạnh phúc hay xót xa, dần gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trái ngang trắc trở, tất cả đều để lại trong lòng những người yêu nhau cảm xúc về nỗi nhớ. Anh nhớ em, em nhớ anh hay nỗi nhớ nói không thành lời bởi nỗi nhớ của mỗi người sẽ khác nhau. Có nỗi nhớ rạo rực bồi hồi, có nỗi nhớ phấp phỏng da diết, có nỗi nhớ cồn cào cháy bỏng hay là nỗi nhớ lặng lẽ âm thầm. Với nhạc sĩ Ngân Giang, đó là nỗi nhớ da diết triền miên luôn dành cho người mình yêu dù là tình yêu cách trở, yêu nhau nhưng không đến được với nhau thông qua bài “Tôi vẫn nhớ”.

“Tôi vẫn nhớ” một cùm từ được nhạc sĩ sử dụng xuyên suốt bài hát và được lặp lại rất nhiều lần. Đó là biện pháp điệp từ nhằm để nhấn mạnh, khẳng định hay liệt kê và làm nổi bật một vấn đề mà người sáng tác muốn truyền tải thông điệp đến người nghe. Dụng ý của tác giả rất rõ ràng khi sử dụng biện pháp tu từ này vào trong ca khúc để nói lên, tôi và em hoặc anh dù xa nhau nhưng vẫn luôn luôn nhớ về nhau như là một lời khẳng định tình yêu đã dành cho nhau.

Thời gian là liều thuốc tốt để chữa lành mọi vết thương, nhưng với người con gái mà nói, thời gian không thể nào xóa nhòa hình bóng một người bởi vì tất cả là một hồi ức không thể quên đi:

“Bao năm qua dù xa anh nhưng tôi vẫn nhớ
Nhớ con đường nắng u buồn
Dìu nhau đi tìm dăm bóng mát

Tôi vẫn nhớ, nhớ đêm hẹn hò bên trăng sao
Từng câu nói yêu đương ngọt ngào”
.

Mở đầu bài hát như là lời khẳng định của cô gái về nỗi nhớ của mình với chàng trai dù thời gian đã trôi qua bao năm nhưng em vẫn nhớ, nhớ từ hình ảnh cùng dìu nhau đi trên con đường đầy nắng, đến những lời tỏ tình yêu đương mỗi khi hẹn hò dưới trăng sao. “Tôi vẫn nhớ câu chuyện tình đầu đã ngủ yên trong cõi thâm sâu/ Ngày anh đi tôi nhuộm nước mắt thê lương sầu bi”, cô gái tiếp tục khẳng định nỗi nhớ của mình, dù nỗi nhớ có sự nghịch lý khi cho rằng tình yêu của mình đã ngủ yên trong cõi thâm sâu nhưng cô vẫn nhớ, nhớ ngày anh đi cũng là ngày chia tay “nhuộm nước mắt thê lương sầu bi” một cảm giác của chuỗi ngày buồn thương mà cô phải trải qua. Cho chúng ta thấy, dù câu chuyện tình đã trôi qua và đi vào dĩ vãng nhưng cô vẫn nhớ về tình yêu đầu của mình, từ khoảnh khắc hẹn hò yêu đương đến lúc chia tay đầy nước mắt vẫn luôn nhớ. Sau cùng cô gái cũng tự nhận mình vẫn rất yêu, rất nhớ mối tình đã qua đó với nỗi nhớ tình yêu mãi mãi không nguôi:

“Nhưng đêm nay
Gọi tên anh tim nghe giá buốt
Mới hay mình vẫn yêu người
Ngày xa nhau càng xa mãi mãi
Tình yêu ơi biết làm sao nguôi?” 

Cô gái vẫn luôn khắc sâu hình ảnh lúc tiễn biệt người yêu lên đường đi chinh chiến, dù:

“Tôi vẫn biết xa nhau là buồn
Chuyện tình xưa vỗ cánh bay cao
Để riêng tôi âm thầm chuốc lấy đau thương mỏi mòn
”.

Nhưng vì :

“Nước non này chiến chinh dài
Người ra đi còn đi mãi mãi
Mộng chung đôi vẫn còn chia phôi

Tôi vẫn nhớ anh lên đường chiều mưa giăng cao
Mình tôi đứng rưng rưng nghẹn ngào”.

Khoảnh khắc chia tay đầy nước mắt của sự chia xa, mong ngóng và đợi chờ. Vì đất nước chia đôi nên anh phải lên đường làm nghĩa vụ của người trai thời loạn, hi sinh tình yêu của bản thân mình để mỗi người một nơi, em ở hậu phương anh nơi tiền tuyến. “Mộng chung đôi vẫn còn chia phôi”, buồn nào hơn khi tình yêu đẹp chung cùng giấc mộng lại không thành đôi, bị chia cắt vì anh phải ở nơi đầu sóng ngọn gió không biết ngày trở về. “Tôi vẫn biết xa nhau thật rồi, kỷ niệm ơi anh đã quên tôi/ Ngàn năm sau tôi còn giữ mãi trên môi nụ cười”. Lời khẳng định dù sự ra đi của anh là mãi mãi và đôi ta cũng xa nhau mãi mãi, nhưng với cô gái vẫn luôn giữ trong lòng mình những kỷ ức đẹp về anh, về chuyện tình yêu đẹp giữa em và anh đã có. Để mỗi khi em nhớ về nụ cười trên môi vẫn luôn hiện hữu và nguyên vẹn như ngày nào.

Ai yêu mà không mong muốn tình yêu của mình được trọn vẹn, nhưng người ta thường nói đời không như là mơ, đã khiến bao cặp tình nhân buộc phải chia xa nhau mãi mãi dù họ rất yêu nhau. Dù xa nhau nhưng vẫn luôn mang theo hình bóng người yêu của mình, để rồi họ vẫn luôn nhắc nhớ về nhau và dành một vị trí đặt biệt trong trái tim của họ để gói ghém tình cảm ấy thành kỷ niệm. Vì kỷ niệm là dòng trải của đường đi lối về, có thể đưa ta đến gần với người và người đến gần với mình hay một khoảnh khắc được nhắc nhớ lại trong không gian và thời gian của thực tại.

Trường Mỹ.

Mắt anh buồn nhìn nơi phương xa, sợ năm tháng duyên kia nhạt nhoà.

1 bình luận
  1. CangHuynh nói

    Trong bài viết về bản nhạc “Tôi vẫn nhớ” có câu thơ dẫn bị sai chính tả,xin đính chính lại là “..đứng đống lửa,ngồi đống than.” Chứ không phải “đóng lửa,đóng than”,xin cảm ơn!

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.