Về Ca Khúc “Thư Người Chiến Binh” Của Nhạc Sĩ Văn Giảng | Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường …..
Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường
Tình ngàn phương đời vui với phong sương lãng quên ngày tháng
Đường lên non chim ca với mây vương nhớ câu tương phùng
Một ngày mai đời như cánh chim bay đến phương nào đây.
Nhớ lúc chiến tuyến những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim
Kê chung ba lô nằm canh giữa rừng già chuyện trò vu vơ
Tiếc nhớ biết mấy nhớ khi mình chia tay bao giờ gặp đây
Anh đưa hoa sim cài lên áo bạn mình miệng cười an lành.
Giờ chia tay tôi say chốn biến cương anh vui sa trường
Hẹn mùa Xuân về vui giữa thôn trang cắm hoa đầu sú*g
Tình đôi mươi xin đem hiến quê hương mến thương khôn lường
Ngày gặp nhau ngày vui khắp quê hương ấm no làng thôn.
“Thư Người Chiến Binh” là một sáng tác của nhạc sĩ Văn Giảng, ông viết ca khúc này vào năm 1967, với bút danh là Nguyên Đàm. Tình cảm là thứ quan trọng nhất đối với mỗi người. Nó như một dòng nước ngọt ngào, tắm mát tâm hồn ta. Thiếu đi tình cảm, tâm hồn ta không khác gì một hoang mạc cằn khô nứt nẻ. Tình cảm trong chiến tranh, trong những mưa bom bão đạn, những khói lửa mịt mù lại càng đáng trân trọng hơn. Tình cảm của những con người xa lạ, gặp nhau vì lý tưởng chung để rồi họ gắn bó, yêu thương nhau và đồng cam cộng khổ cùng nhau vượt qua những chông gai của cuộc chiến. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không khác gì tình đồng đội chiến hữu, huynh đệ chi binh. Nhạc sĩ Văn Giảng đã viết về tình chiến hữu ấy, khi họ đã có khoảng thời gian gặp nhau, gắn bó nhau sau ba tháng quân trường. Đến khi chia tay nhau về đơn vị, mỗi người một nơi, người về binh chủng này, người về đơn vị kia, để lại một sự luyến nhớ trong lòng mỗi người.
“Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường
Tình ngàn phương đời vui với phong sương lãng quên ngày tháng
Đường lên non chim ca với mây vương nhớ câu tương phùng
Một ngày mai đời như cánh chim bay đến phương nào đây”.
Anh và tôi, hai con người xa lạ, đến từ những vùng đất xa lạ để rồi gặp nhau, gắn bó cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng trải qua gian khổ của chiến tranh. Để rồi khi chia xa, anh đi sa trường, tôi chốn biên cương biết khi nào gặp lại. Tình anh em, chiến hữu biết bao kỷ niệm vui sướng, khổ cực có nhau sẽ khắc nhớ mãi thôi. Đời lính phong trần biết đâu là nhà, màn trời chiếu đất, làm bạn với trăng sao, rừng núi… như cánh chim sải cánh bay cao, bay xa giữa biển trời bao la rộng lớn không có điểm dừng. Giờ đây, anh và tôi mỗi người một nơi biết đến bao giờ ta gặp lại.
“Nhớ lúc chiến tuyến những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim
Kê chung ba lô nằm canh giữa rừng già chuyện trò vu vơ
Tiếc nhớ biết mấy nhớ khi mình chia tay bao giờ gặp đây
Anh đưa hoa sim cài lên áo bạn mình miệng cười an lành”
Nhớ những lúc chiến đấu, anh và tôi nhiều đêm cùng ngắm nhìn ánh trăng trên đồi hoa sim. Nhớ những lúc anh và tôi làm nhiệm vụ, hai người kê chung một chiếc ba lô, canh giữa rừng già trò chuyện vu vơ. Những lúc kê chung bao lô như vậy cũng là lúc dòng tâm sự được mở ra. Có lẽ vì vậy mà họ hiểu nhau, thân nhau và trở thành tri kỉ. Giây phút chia tay, anh cài hoa sim lên áo bạn nhằm chúc câu an lành, để rồi chia xa biết đến khi nào gặp lại. Như một tình yêu thương, được hình thành từ thử thách và gian khó. Biết bao nhiêu kỷ niệm giữa anh và tôi, đã cùng nhau trải qua sẽ nhớ mãi những tháng ngày ấy.
“Giờ chia tay tôi say chốn biến cương anh vui sa trường
Hẹn mùa Xuân về vui giữa thôn trang cắm hoa đầu sú*g
Tình đôi mươi xin đem hiến quê hương mến thương khôn lường
Ngày gặp nhau ngày vui khắp quê hương ấm no làng thôn.”
Tôi và anh tuy mỗi người một nơi nhưng lại cùng chung một chí hướng, chiến đấu hăng say vì đất nước, cho ngày mai tươi sáng hơn. Tuy có xa nhau nhưng cùng hẹn nhau mang về mùa Xuân của thắng lợi để vui cùng làng thôn ở giữa có cắm hoa đầu sú*g. Với người lính mà nói sú*g mang ý nghĩa của cuộc chiến đấu gian khổ hi sinh, những đầu sú*g cắm lại cùng nhau thành hoa, đó là hình ảnh vui mừng chiến thắng của cuộc chiến đấu. Ngày anh và tôi gặp nhau cũng là ngày quê hương được thanh bình, ấm no làng thôn không còn chiến tranh.
Qua bài hát này cho ta thấy, những người mang trên mình màu áo lính, từ những con người xa lạ nhưng họ gặp nhau trên cùng một lý tưởng, cùng chung một khát vọng. Họ bên cạnh nhau cùng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi dù khi chia xa thì tình chiến hữu ấy vẫn được thắt chặt bằng một sợi dây yêu thương vô hình.
Lưu Giang.
Bình luận hay. Tình người lính chiến luôn nồng nàn và cháy bỏng