Về Ca Khúc “Sau Lần Hẹn Cuối” Của Nhạc Sĩ Hoài Nam

1 4.001

Sau lần hẹn cuối, em về với người
Còn lại tôi suy tư mãi tình đời
Thương quá để rồi, yêu quá để rồi
Thành nụ cười khô héo trên môi.

Sau lần hẹn cuối, em về với chồng
Ðể mặc anh ôm kỷ niệm vào lòng
Em đã đi rồi, em đã xa rồi
Mà tình này vẫn sống trong tôi.

Tình nào vào yêu không mang nhiều nhung nhớ
Đường nào vào thương không vương vấn đợi chờ
Tình nào vào mơ không trở thành dang dở
Không nức nở em ơi!

Sau lần hẹn cuối nghe lòng nhớ nhiều
Một lần yêu đau thương cả một chiều
Duyên kiếp không thành, hai đứa thôi đành
Nhìn cảnh đời ngăn cách đôi nơi.

Trong tình yêu không phải ai cũng may mắn có được một cái kết hạnh phúc trọn vẹn với mối tình của mình. Đâu đó, ta vẫn bắt gặp những nỗi đau, nỗi hận, nỗi buồn trong tình yêu như một khía cạnh của cuộc đời mà hầu như ai bước vào yêu cũng phải sẵn sàng đón nhận lấy. “Sau Lần Hẹn Cuối”, một sáng tác của nhạc sĩ Hoài Nam, là cảm xúc nói về nỗi đau của chia ly, tan vỡ sau lần hẹn gặp cuối cùng khi người yêu đi lấy chồng, dù rằng tình yêu của người nhạc sĩ với người mình yêu là vô cùng sâu đậm.

“Sau lần hẹn cuối, em về với người
Còn lại tôi suy tư mãi tình đời
Thương quá để rồi, yêu quá để rồi
Thành nụ cười khô héo trên môi” 

Lời khẳng định của tác giả lần hẹn cuối cùng cũng là lần chia tay giữa anh và em, khi em đã sánh bước về bên ai không còn là anh. Em về với người để lại anh nơi này vẫn mãi suy ngẫm về chuyện tình của đôi ta, của bao cuộc tình trên thế gian. Giá như đôi ta không gặp nhau, không quen nhau, không quan tâm nhau và không thành người yêu của nhau, để rồi đến giây cuối cùng chúng ta vẫn là hai người xa lạ. Tình yêu thật khó hiểu, phải chi ta không bị cám giỗ bởi nó thì có lẽ nỗi buồn, sự đau khổ sẽ không gõ cửa trái tim mình. Như một lời trách móc của tác giả, giá như không thương đối phương quá nhiều, không yêu họ quá nhiều thì bây giờ đã không phải khổ đau thế này. Hình ảnh “nụ cười khô héo trên môi” là một cách dụng chữ độc đáo của người nhạc sĩ, nụ cười đã được nhân cách hóa để “khô héo trên môi” là cách ẩn dụ gợi nói về một cuộc tình dần trở nên u tối, thiếu vắng nụ cười, cuộc đời trở thành héo hon cho người ở lại.

“Sau lần hẹn cuối, em về với chồng
Ðể mặc anh ôm kỷ niệm vào lòng
Em đã đi rồi, em đã xa rồi
Mà tình này vẫn sống trong tôi” 

Tác giả dùng phép lặp “sau lần hẹn cuối” để khẳng định “em về với chồng”, nhấn mạnh sự thật là em đã xa anh mãi mãi. Trong tim mỗi người đều hoài niệm một cuộc tình, không nhất thiết là thứ tình cảm rung động đầu đời mà là hình bóng chúng ta chôn sâu nhất, tình yêu mà khiến cho ta đau đớn nhất. Vì chính niềm đau đó là hiện hữu cho tình yêu của bạn đã dành cho người yêu, tình yêu đó sẽ có buồn vui, hạnh phúc đau khổ, để trở thành kỷ niệm không bao giờ quên khi chia xa. Em về với chồng bỏ mặc anh với bao kỷ niệm ôm ấp trong lòng. “Em đã đi rồi , em đã xa rồi” tác giả nhấn mạnh vào sự thật em đã rời xa anh, như nhấn mạnh vào nỗi đau mà người ở lại đang phải đối mặt và trải qua. Tuy rằng người yêu đã dứt khoát ra đi bỏ mặt mình theo người khác, tuy biết rằng tình yêu này đã không thể cứu vãn được nữa, dù biết đó là đau thương, nhưng anh vẫn một lòng khẳng định tình yêu ấy vẫn sẽ luôn tồn tại, vẫn sống mãi trong trái tim này.

“Tình nào vào yêu không mang nhiều nhung nhớ
Đường nào vào thương không vương vấn đợi chờ
Tình nào vào mơ không trở thành dang dở
Không nức nở em ơi!”

Dẫu biết rất rõ khi bước vào yêu nào đâu phải có riêng hạnh phúc, vì khi yêu, tình yêu nào mà không nhung nhớ, không vương vấn đợi chờ. Những cảm xúc nhung nhớ đợi chờ của tình yêu đang ngập tràn hạnh phúc, của những con người đang yêu khi xa nhau thì nhớ gần nhau thì hay dỗi hờn, nó khác hoàn toàn với cảm giác sự đợi chờ nhung nhớ trong vô vọng của tác giả đang phải trải qua. Bởi tình yêu của tác giả đã kết thúc, khi người yêu rời xa mình đi theo chồng. Cũng như vậy, với bao cuộc tình đẹp đang diễn ra nó sẽ là những giấc mơ đẹp được tô vẽ ra, được mơ mộng đủ điều, nhưng khi chia xa những giấc mơ ấy sẽ dang dở không thành và lại là niềm đau. Có cuộc tình nào không nức nở nghẹn ngào, đúng vậy, giọt nước mắt của hạnh phúc khi được bên cạnh sánh bước cùng nhau làm ta bật khóc, và cũng sẽ có cả những tiếng khóc nấc cất lên từng cơn, không thể kìm nén vì đớn đau của nỗi chia xa. Tình yêu nào cũng sẽ trải qua những cảm giác ấy, nhưng chỉ khác ở một điều là bạn đang hạnh phúc trong tình yêu hay đang phải chịu điều bất hạnh vì yêu.

“Sau lần hẹn cuối nghe lòng nhớ nhiều
Một lần yêu đau thương cả một chiều
Duyên kiếp không thành, hai đứa thôi đành
Nhìn cảnh đời ngăn cách đôi nơi.”

Sau lần hẹn ấy, lòng anh nhớ em, nỗi nhớ về em hiện lên trong anh nhiều hơn. Chỉ biết tìm em trong những giấc mơ, để nhớ về em, nhớ về kỷ niệm và được gặp lại em dù chỉ là trong mơ thôi. Để rồi đau thương ấy lại tìm về nơi anh, để cho anh biết rằng duyên kiếp này của anh và em đã tận, nên ta đành chấp nhận “nhìn cảnh đời ngăn cách đôi nơi”.

Mỹ Trường.

 

1 bình luận
  1. Tuyến nói

    Tôi yêu nhạc vàng – tôi 37 tuổi.
    Tình yêu này không tự dưng mà có đối với lứa tuổi được sinh ra trong thời bình.
    Ba tôi là người lính chế độ cũ! Sau này giải phóng, ba về lại quê, cưới vợ rồi sinh ra anh em tôi.
    Ba tôi hát rất hay, đặc biệt là những ca khúc nhạc vàng. Trong nhà tôi cũng có rất nhiều băng đĩa Bolero. Tôi lớn lên trong điệu nhạc ấy, dặt dìu từng câu hát, trau chuốt tâm hồn tôi mỗi ngày, mỗi ngày.
    Tôi hát Bolero cũng ngọt ngào theo nhiều người nhận xét. Tôi cũng thấm những tâm sự trong lời hát nhờ những thăng trầm trong cuộc sống ba tôi.
    Tôi nhấn nút theo dõi “Nhạc vàng” cũng vì thế.
    Tuổi đời tôi chắc trẻ hơn tác giả “Nhacj vàng”. Nên tôi rất mong, tác giả khi viết về cảm xúc đối với ca khúc nào, thì hãy chọn hình ảnh để người đọc xúc cảm ngay về ca khúc.
    Lạc lỏng mất hay phải không ạ?!

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.